Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh sởi ở trẻ em: dấu hiệu nhận diện và phương pháp điều trị
- 20/08/2024 | Các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ dưới 1 tuổi cha mẹ cần ghi nhớ
- 25/08/2024 | Bị sởi có ngứa không và nếu ngứa thì nên làm gì để giảm ngứa?
- 26/08/2024 | Bệnh sởi: các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải và cách phòng ngừa
1. Bệnh sởi ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng
Trẻ em là đối tượng có sức đề kháng kém nên càng có nguy cơ bị virus sởi xâm nhập khi hít phải giọt bắn của người bệnh trong không khí hoặc chạm vào các bề mặt có virus gây bệnh. Đặc biệt, khi virus tồn tại ở môi trường đông người như bệnh viện, nhà trẻ, trường học,... thì khả năng lây nhiễm càng nhanh.
Mặc dù trước đây ở nước ta bệnh sởi ở trẻ em thường bùng phát vào mùa đông xuân nhưng hiện nay, dịch sởi dễ dàng bùng phát ở mọi thời điểm. Khi trẻ bị sởi không được phát hiện kịp thời để điều trị đúng cách cộng thêm sức đề kháng yếu thì bệnh càng dễ biến chứng nguy hiểm gây viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, tiêu chảy,... và nặng nhất là dẫn đến tử vong.
Bệnh sởi ở trẻ em thường tiến triển nhanh, dễ biến chứng nguy hại cho sức khỏe
2. Dấu hiệu nhận diện bệnh sởi ở trẻ em
2.1. Bệnh sởi ở trẻ em thể điển hình
Ở thể điển hình thường gặp, bệnh sởi ở trẻ em diễn tiến với 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh
Virus sởi sau khi xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ không có dấu hiệu ngay mà trải qua giai đoạn ủ bệnh 10 - 14 ngày. Vì thế, hầu như cha mẹ không hề biết con đã bị nhiễm sởi.
- Giai đoạn khởi phát (viêm long)
Các triệu chứng bệnh sởi ở giai đoạn này chủ yếu là tình trạng viêm, thường kéo dài 3 - 4 ngày, khiến trẻ gặp các tình trạng: sốt, đỏ mắt, viêm kết mạc, chảy nước mắt và nước mũi, xuất tiết mũi họng, ho, sưng hạch ngoại biên,...
- Giai đoạn toàn phát (phát ban)
Sau khi bị sốt 3 - 4 trẻ sẽ nổi ban sởi trên da. Khoảng thời gian phát ban sởi thường 4 - 6 ngày. Trẻ giảm sốt khi ban bắt đầu mọc.
Khởi phát ban sởi ở phía sau tai và gáy sau đó lan dần sang khắp vùng đầu - mặt rồi chuyển dần xuống thân, chi dưới. Ban sởi có màu đỏ, hơi gồ lên trên da, có thể liên kết thành đám hoặc tồn tại riêng lẻ.
- Giai đoạn hồi phục (ban bay)
Điểm đặc biệt của bệnh sởi ở trẻ em là tình trạng ban sởi lặn dần theo đúng trình tự mọc ban đầu. Khi ban sởi bay hết trên da sẽ có vết thâm. Nếu ban không còn mà trẻ vẫn sốt thì cần thận trọng bởi có thể bệnh sẽ tiến triển nguy hiểm.
Hình ảnh chỉ dẫn dấu hiệu nhận diện và cách phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em
2.2. Bệnh sởi ở trẻ em thể không điển hình
Cũng có những trường hợp bệnh sởi ở trẻ em không thể phát hiện sớm vì có các dấu hiệu không điển hình như: ban ít, viêm long nhẹ, sốt nhẹ, không có nhiều thay đổi về sức khỏe,...
Với thể này, nếu trẻ thuộc các trường hợp sau thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế thăm khám để có biện pháp chẩn đoán đúng:
- Trẻ dưới 1 tuổi chưa từng tiêm vắc xin sởi.
- Trẻ trên 1 tuổi mới tiêm 1 mũi vắc xin sởi.
- Trẻ sống trong môi trường đang có dịch sởi.
- Trẻ đã có tiếp xúc với người hoặc môi trường nghi ngờ có virus sởi.
Đặc biệt, trẻ cần được đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu: đau mắt khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ngủ nhiều, đầu đau dữ dội, hôn mê, khó thở,...
3. Điều trị bệnh sởi ở trẻ em như thế nào?
Hiện nay, phương pháp điều trị sởi ở trẻ em vẫn chỉ nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng và giúp giảm sự khó chịu của triệu chứng ở trẻ:- Sốt: trẻ được kê đơn thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, thường là thuốc paracetamol hoặc ibuprofen.
- Ho và đau họng: sử dụng thuốc giảm ho, long đờm dạng siro thảo dược, súc miệng nước muối hoặc chanh đào mật ong (với trẻ trên 1 tuổi).
- Vệ sinh mắt: giảm cường độ ánh sáng trong phòng của trẻ và tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Hàng ngày trẻ cần được vệ sinh mắt với nước muối sinh lý để loại bỏ ghèn.
Ngoài ra, điều trị sởi ở trẻ còn cần được bổ sung vitamin A theo liều chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc làm này giúp giảm thiểu biến chứng nguy hiểm cho trẻ, Vitamin A có tác dụng quan trọng tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, cải thiện chức năng của mắt. Trẻ em thiếu vitamin A có nguy cơ cao mắc các biến chứng viêm phổi và viêm giác mạc.
Cha mẹ nên cho con khám bác sĩ Nhi khoa nếu nghi ngờ dấu hiệu sởi ở con
Điều trị các biến chứng là một phần quan trọng trong việc điều trị bệnh sởi ở trẻ em. Tùy vào biến chứng gặp phải mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ hiệu quả để ngăn chặn tiến triển nặng, nhất là viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa.
Sau khi trẻ đã hết các dấu hiệu của sởi cha mẹ vẫn cần được theo dõi con trong vài tuần để đảm bảo không có biến chứng nào xuất hiện. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sốt cao trở lại, khó thở, hoặc co giật, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Cha mẹ cũng cần đưa con tới tái khám theo lịch bác sĩ đã hẹn trước sau khi điều trị khỏi sởi. Việc làm này sẽ giúp trẻ được kiểm tra, phát hiện bất thường sức khỏe và đánh giá khả năng hồi phục sau sởi.
Bệnh sởi ở trẻ em tuy có khả năng tiến triển nhanh và dễ gặp biến chứng nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin và chăm sóc vệ sinh cá nhân. Cha mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để giúp trẻ can thiệp điều trị kịp thời.
Trường hợp nghi ngờ dấu hiệu sởi ở trẻ, để có kết quả chẩn đoán đúng, cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tận nơi của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!