Tin tức

Bệnh sởi: các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải và cách phòng ngừa

Ngày 27/08/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI Nguyễn Thị Ngoại
Bệnh sởi có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp nên rất dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Thời gian gần đây, ở nước ta, nhiều vùng đang có dấu hiệu bùng phát dịch sởi. Bài viết dưới đây của MEDLATEC sẽ chia sẻ đến bạn thông tin về nguy cơ biến chứng và cách phòng ngừa bệnh lý này để mỗi cá nhân có thể tự bảo vệ mình.

1. Khái quát sơ bộ về bệnh sởi

Sởi gây nên bởi virus sởi, là bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu bùng phát vào mùa đông xuân, ở trẻ em dưới 5 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng tỉ lệ thì ít hơn so với trẻ em.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là khởi phát với tình trạng sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, ... Sau sốt 2 ngày, người bệnh thường xuất hiện các hạt Koplik ở lớp niêm mạc bên trong má. Sự xuất hiện của hạt Koplik là là dấu hiệu đặc hiệu để chẩn đoán sớm bệnh sởi . Ban trong bệnh sởi xuất hiện theo trình tự bắt đầu từ sau tai, gáy sau đó xuất hiện ở vùng trán, má. Sau giai đoạn này, ban sởi sẽ nhanh chóng lan khắp toàn bộ vùng đầu - mặt - cổ và thân mình. Khi ban mọc đến 2 chi dưới thì những nốt ban trên vùng đầu mặt cũng bắt đầu bay. Sau 1 tuần, các nốt ban sởi có xu hướng nhạt màu rồi lặn dần theo trình tự khi ban mọc.

Hình ảnh mô phỏng triệu chứng bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ

Hình ảnh mô phỏng triệu chứng bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ

2. Những biến chứng có thể xảy ra khi mắc bệnh sởi

Trẻ nhỏ mắc bệnh sởi hoặc người lớn bị sởi có hệ miễn dịch yếu thường tăng nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm:

2.1. Biến chứng sởi trên đường hô hấp

Viêm phổi là một trong những biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất của bệnh sởi, nhất là khi xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi và người cao tuổi. Viêm phổi thường xuất phát do sự tấn công của virus sởi vào phổi hoặc bội nhiễm vi khuẩn khi suy yếu miễn dịch sau sởi.

Viêm phổi gây nên các triệu chứng: sốt cao kéo dài, thở nhanh và nông, khó thở, đau ngực, đôi khi có thể kèm ho khan hoặc ho có đờm.

Viêm phổi do sởi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em mắc bệnh sởi do tình trạng suy hô hấp. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm phổi có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.

Viêm phế quản - phổi là biến chứng xảy ra do bội nhiễm, thường xuất hiện sau khi ban sởi mọc. Biểu hiện nặng ở trẻ là tình trạng sốt cao, khó thở, tăng bạch cầu, nghe phổi phát hiện âm ran phế quản, có nốt mờ rải rác hai bên phổi trên phim chụp X-quang. Đây là trường hợp biến chứng nguy hiểm, dễ gây suy hô hấp và tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Viêm thanh quản là cũng là biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, hay gặp ở trẻ nhỏ. Trong giai đoạn sớm, sau khi ban sởi bắt đầu mọc, trẻ sẽ gặp biến chứng này với triệu chứng điển hình là cơn khó thở do co thắt thanh quản. Ở giai đoạn muộn, biến chứng viêm thanh quản thường do bội nhiễm, xuất hiện sau khi ban mọc, chủ yếu xảy ra ở trẻ bị sởi nhiễm phế cầu, liên cầu,... Tình trạng này tiến triển nặng sẽ gây sốt cao, khó thở, khàn tiếng, tím tái, ho ông ổng,...

Viêm tai giữa do sởi biến chứng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, gây nên tình trạng ban sởi đã lặn nhưng trẻ vẫn bị sốt hoặc trẻ bị sốt lại sau khi bay hết ban sởi.

2.2. Biến chứng thần kinh

Viêm não - màng não - tủy cấp dễ để lại di chứng nặng nề, nguy hiểm nhất là nguy cơ tử vong, dễ gặp ở trẻ trong độ tuổi đi học. Biến chứng này thường xuất hiện vào giai đoạn ngày 3 - 5 khi ban mọc. Các triệu chứng của biến chứng viêm não - màng não - tủy cấp khởi phát rất đột ngột, trẻ sốt cao, mê sảng ảo giác, có thể bị co giật, lú lẫn, trằn trọc hoặc hôn mê, loạn hướng, bị liệt một bên chân tay hoặc nửa người, có triệu chứng ngoại tháp: tăng trương lực cơ, run, múa vờn, múa giật,... thậm chí còn bị rối loạn phản xạ, dương tính với Babinsky.

Viêm màng não là biến chứng thần kinh khác của bệnh sởi, tồn tại dưới dạng viêm màng não mủ sau bội nhiễm viêm tai, viêm màng não kiểu thanh dịch.

Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa tuy là biến chứng ít gặp nhưng để lại di chứng nặng, khó tiên lượng, thường phải sau vài năm mắc sởi mới xuất hiện, chủ yếu gặp ở độ tuổi 2 - 20. Đây là bằng chứng cho thấy sự ẩn náu của virus sởi bên trong cơ thể người bệnh đáp ứng miễn dịch bất thường. Thời gian diễn tiến biến chứng có thể kéo dài từ vài tháng cho đến 1 năm. Người bệnh thường bị tăng trương lực cơ, co cứng mất não và tử vong.

Ngoài những biến chứng thần kinh thường gặp trên đây thì cũng sẽ có một số biến chứng ít gặp như: viêm thị thần kinh, viêm tiểu não, áp xe não do bội nhiễm vi khuẩn.

Viêm não biến chứng do bệnh sởi có thể gây nguy hiểm cho sự sống của người bệnh

Viêm não biến chứng do bệnh sởi có thể gây nguy hiểm cho sự sống của người bệnh

2.3. Biến chứng đường tiêu hóa

Một trong những biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra ở đường tiêu hóa là viêm niêm mạc miệng. Biến chứng này xảy ra vào giai đoạn đầu của bệnh sởi, thường tự mất cùng ban sởi. Nếu biến chứng xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh sởi thì căn nguyên chính là bội nhiễm, chủ yếu gặp ở người có điều kiện vệ sinh kém, dẫn đến tình trạng viêm hoại tử trong miệng, sốt, viêm loét môi.

Viêm dạ dày ruột gây tiêu chảy cấp hoặc kéo dài là biến chứng thường gặp ở trẻ em bị sởi. Biến chứng này có thể gặp ở giai đoạn các triệu chứng sởi khởi phát hoặc sau khi cắt sốt và giảm dần ban sởi. Tiêu chảy kéo dài dễ dẫn đến mất nước với các tình trạng: trũng mắt, miệng khô, tiểu ít,... Người bệnh không được bù nước đúng cách, kịp thời có thể bị sốc, suy thận, tử vong. Diễn tiến nặng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy do sởi, nhất là trẻ suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, biến chứng đường tiêu hóa ít gặp hơn khi bị sởi là tình trạng tăng men gan, vàng da,...

2.4. Các biến chứng hiếm gặp khác

- Viêm cơ tim, viêm đài bể thận, xuất huyết giảm tiểu cầu sau nhiễm khuẩn, biến chứng mắt gây viêm loét giác mạc.

- Suy giảm miễn dịch: virus sởi có thể khiến hệ miễn dịch bị suy yếu. Sự suy yếu của hệ miễn dịch khiến cho một thời gian dài sau sởi, cơ thể giảm khả năng chống lại các bệnh lý nhiễm trùng. Sau mắc sởi có thể làm bệnh lao có sẵn tiến triển nặng hơn, hoặc xuất hiện bệnh lao mới.

3. Phương pháp phòng ngừa bệnh sởi

Tiêm vắc xin sởi là giúp phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ biến chứng do bệnh sởi

Tiêm vắc xin sởi là giúp phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ biến chứng do bệnh sởi

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp được khuyến nghị để phòng ngừa bệnh sởi. Vắc xin này đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng của Bộ Y tế dành cho trẻ em: 

- Mũi đầu tiên được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi.

- Mũi thứ hai được tiêm vào thời điểm trẻ được 18 tháng tuổi.

Người mắc bệnh sởi cần thực hiện cách ly để tránh bệnh lây lan cho người khác, lây lan trong cộng đồng và bùng phát thành dịch. Thời gian cách ly thường kéo dài từ khi xuất hiện triệu chứng cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.

Hiểu được biến chứng có thể gặp phải và cách phòng ngừa bệnh sởi sẽ giúp bạn thấy được tính chất nguy hiểm của bệnh để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, bạn sẽ an toàn hơn trước nguy cơ bùng phát bệnh sởi.

Trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bệnh sởi, quý khách hàng có thể đến trực tiếp Hệ thống Y tế MEDLATEC thăm khám hoặc liên hệ đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tại nhà qua tổng đài 1900 56 56 56 để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và định hướng điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.