Các tin tức tại MEDlatec

Các bài tập phục hồi teo cơ chân đơn giản

Ngày 20/11/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Teo cơ chân có thể khiến bắp chân nhỏ hơn bình thường và có thể gây đau. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng và một số bài tập có thể giúp bạn cải thiện tình trạng này. Dưới đây là gợi ý về một số bài tập phục hồi teo cơ chân đơn giản mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà.

1. Triệu chứng và nguyên nhân gây teo cơ chân

Trước khi hướng dẫn về các bài tập phục hồi teo cơ chân, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn teo cơ là như thế nào và nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh này. 

Teo cơ xảy ra khi cơ bắp bị yếu đi và giảm kích thước. Tình trạng này có thể xảy ra ở cơ đùi, cơ bàn chân, cẳng chân,.... Khi bị teo cơ, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng phổ biến như giảm sức mạnh và sức bền của cơ bắp, giảm khả năng co rút cơ và khả năng điều khiển cơ bắp. Nếu bị teo một bên chân thì khi quan sát và so sánh, bạn có thể dễ dàng thấy bên bị teo cơ sẽ có kích thước nhỏ hơn so với bên còn lại. 

Teo cơ chân có thể do nhiều nguyên nhân

Tình trạng teo chân không chỉ làm giảm khả năng vận động, gây ra nhiều khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày, mà còn ảnh hưởng đến dáng đi của bệnh nhân, gây mất thẩm mỹ. Đó cũng chính là lý do người bệnh cảm thấy mất tự tin trong giao tiếp. 

Các nguyên nhân gây teo cơ chân: 

- Bị teo cơ chân từ nhỏ: Trẻ có thể bị teo cơ chân do bị bại liệt hay một số bệnh lý bẩm sinh, tổn thương khớp háng,... Những căn bệnh này khiến cho một chân của trẻ yếu hơn chân còn lại. Theo thời gian, chân bị yếu cơ sẽ có đội dài xương và khối lượng cơ thấp hơn đáng kể so với chân khỏe mạnh. 

Trong tương lai, trẻ có thể phải đối mặt với tình trạng một chân dài hơn và một bên chân lại ngắn hơn, khiến trẻ không thể đi bình thường, dáng đi khập khiễng. Vấn đề này không chỉ gây mất thẩm mỹ và khó khăn khi vận động mà nó còn ảnh hưởng đến cột sống, gây vẹo cột sống, biến dạng khung chậu, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ. 

- Một số nguyên nhân gây teo cơ khác có thể kể đến như: 

+ Thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là protein, các loại vitamin,... khiến giảm lượng cơ và giảm sức mạnh của cơ bắp. 

+ Người bệnh gặp phải một số vấn đề về sức khỏe và ít vận động trong suốt một thời gian dài cũng khiến cơ bắp dễ bị teo. 

Ít vận động trong thời gian dài có thể gây teo cơ chân

+ Một số bệnh lý có thể gây teo cơ chân như đa xơ cứng, vấn đề về khớp, viêm cơ,...

2. Điều trị teo cơ chân bằng cách nào?

Tình trạng teo cơ chân có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh, mức độ teo cơ của mỗi bệnh nhân để cân nhắc và áp dụng những cách điều trị phù hợp. Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến: 

- Phương pháp vật lý trị liệu: Người bệnh sẽ thực hiện một số bài tập giúp kéo giãn cơ bắp. Tác dụng của phương pháp này là giúp ngăn ngừa tình trạng bất động cơ, giúp lưu thông máu tốt hơn, cải thiện tình trạng co cứng cơ và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp. 

Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp

- Dùng điện kích thích chức năng: Các bác sĩ sẽ gắn các điện cực vào bên cơ chân bị teo. Qua đó, truyền một dòng điện để kích hoạt chuyển động của cơ. 

- Phẫu thuật: Nếu tình trạng teo cơ chân là do những vấn đề về biến dạng cấu trúc chân khiến cơ và dây chằng bị căng quá mức,... bệnh nhân có thể được phẫu thuật để cải thiện bệnh. 

- Phương pháp siêu âm hội tụ: Là cách dùng các chùm sóng siêu âm để kích hoạt chuyển động của cơ. Phương pháp này đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm, trước khi áp dụng điều trị mở rộng. 

- Cung cấp đủ dưỡng chất để cải thiện tình trạng teo cơ. 

3. Các bài tập phục hồi teo cơ chân tại nhà

Nếu kiên trì thực hiện kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, những bài tập phục hồi teo cơ chân có thể cải thiện đáng kể vấn đề sức khỏe của bạn. Phần lớn những bài tập này đều rất đơn giản và bạn có thể áp dụng ngay tại nhà. 

- Bài tập đứng lên ngồi xuống: 

+ Bước 1: Bạn ngồi thoải mái trên ghế, để hai chân rộng bằng hông. 

+ Bước 2: Đứng lên từ từ. Lưu ý dùng sức của chân, không dùng lực của tay, mắt nhìn thẳng về phía trước. 

+ Đứng thẳng người lên. Sau đó lại ngồi xuống. 

+ Nên dùng hoàn toàn lực của chân và thực hiện bài tập này 5 lần. 

- Bài tập mini-squat: Tác dụng của bài tập này là giúp tăng cường sức mạnh và sức chịu đựng của cơ cẳng chân. 

+ Đầu tiên, bạn đặt tay lên lưng ghế, sau đó mở rộng 2 chân. 

+ Ngồi xuống và uốn cong đầu gối. Lưu ý thực hiện một cách nhẹ nhàng. Giữ thẳng lưng và không đưa đầu gối vượt qua ngón chân. 

+ Sau đó, đứng lên từ từ. Khi thực hiện, nhớ siết chặt cơ mông để mang lại hiệu quả tốt nhất. 

+ Thực hiện bài tập này lặp lại 5 lần. 

- Nâng cơ chân: Tác dụng của bài tập này là rèn luyện sức chịu đựng của cơ chân. 

+ Đầu tiên, bạn đứng thằng và dùng tay để tựa vào lưng ghế. 

+ Nhấc gót chân lên với khoảng cách xa nhất so với mặt đất, tùy theo khả năng của bạn. Di chuyển nhẹ nhàng đồng thời đảm bảo kiểm soát lực của chân. 

+ Thực hiện động tác này 5 lần. Nếu muốn tăng mức độ khó, bạn không tựa vào lưng ghế mà hãy hoàn toàn dùng lực của đôi chân. 

4. Lưu ý về các bài tập phục hồi teo cơ chân

Để nâng cao hiệu của của các bài tập phục hồi teo cơ chân và giảm nguy cơ rủi ro khi tập, bạn cần lưu ý: 

- Lựa chọn bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn cụ thể về các bài tập. Trường hợp nghiêm trọng, bạn nên tập luyện dưới sự giám sát của chuyên gia.

- Thời gian đầu, nên tập luyện nhẹ nhàng để tránh tình trạng quá sức và nguy cơ chấn thương. 

- Nên thường xuyên luyện tập kết hợp với chế độ ăn hợp lý. 

Bạn nên đi khám nếu có biểu hiện teo cơ chân

Hi vọng qua bài viết này bạn đã hiểu rõ về teo cơ chân, nguyên nhân gây bệnh và một số bài tập phục hồi teo cơ chân tại nhà. Nếu còn thắc mắc hoặc muốn kiểm tra sức khỏe xương khớp, mời bạn gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn.

Từ khoá: xương khớp

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.