Các tin tức tại MEDlatec

Các chỉ số xét nghiệm suy thận bạn cần biết để bảo vệ sức khỏe

Ngày 07/07/2025
Tham vấn y khoa: Ths.BSNT Trần Hiền
Suy thận là một bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến âm thầm nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Với sự hỗ trợ của các kỹ thuật y khoa hiện đại, việc nhận diện sớm các dấu hiệu tổn thương thận đã trở nên khả thi. Vậy các chỉ số xét nghiệm suy thận mang ý nghĩa gì? Hãy cùng tìm hiểu để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

1. Mức độ nguy hiểm của bệnh lý suy thận 

suy thận là tình trạng suy giảm chức năng lọc máu và đào thải độc tố của thận, gây tích tụ các chất cặn bã trong cơ thể và rối loạn cân bằng nội môi. 

Căn bệnh này được chia thành hai dạng chính: suy thận cấp (xảy ra đột ngột, có thể hồi phục) và suy thận mạn (tiến triển âm thầm, không thể phục hồi hoàn toàn). Dù ở dạng nào, suy thận cũng mang đến những nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe:

  • Gây biến chứng toàn thân: Suy thận ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như tim (suy tim, cao huyết áp), hệ thần kinh (mất ngủ, co giật), hệ tiêu hóa (chán ăn, buồn nôn), và hệ tạo máu (thiếu máu);

Bệnh lý suy thận gây ra nhiều biến chứng toàn thân nguy hiểm 

  • Nguy cơ tử vong cao: Nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát đúng cách, bệnh có thể tiến triển đến giai đoạn cuối, buộc phải lọc máu định kỳ hoặc ghép thận để duy trì sự sống;
  • Ảnh hưởng chất lượng sống: Người bệnh phải đối mặt với mệt mỏi kéo dài, chi phí điều trị cao, chế độ ăn uống nghiêm ngặt và giảm khả năng lao động;
  • Diễn tiến âm thầm, khó phát hiện sớm: Các triệu chứng giai đoạn đầu thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường như mệt mỏi, chán ăn, tiểu đêm.

Vì vậy, việc tầm soát định kỳ và theo dõi các chỉ số xét nghiệm chức năng thận đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh lý suy thận.

2. Các chỉ số xét nghiệm suy thận

Xét nghiệm y học là một trong những công cụ cốt lõi giúp bác sĩ phát hiện và đánh giá mức độ tổn thương chức năng thận, ngay cả khi bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng. So với các phương pháp chẩn đoán khác như siêu âm hay chụp CT, xét nghiệm có thể phát hiện sớm những thay đổi nhỏ trong chỉ số sinh hóa máu và nước tiểu, từ đó kịp thời cảnh báo nguy cơ suy thận hoặc bệnh thận mạn. Cần lưu ý rằng các giá trị bình thường của xét nghiệm có thể thay đổi tùy thuộc vào phòng xét nghiệm hoặc đặc điểm bệnh nhân (tuổi, giới, chủng tộc).

Theo đó, các chỉ số xét nghiệm suy thận quan trọng bao gồm: 

Các chỉ số xét nghiệm máu đánh giá chức năng thận

Creatinine huyết thanh (Serum Creatinine)

Ý nghĩa: Creatinin là chất thải từ quá trình chuyển hóa cơ, được thận lọc ra ngoài qua nước tiểu.

Ngưỡng bình thường ở mức:

  • Nam: 0,6 – 1,2 mg/dL;
  • Nữ: 0,5 – 1,1 mg/dL

Trong trường hợp tăng cao cho thấy dấu hiệu thận hoạt động kém, thường thấy ở người suy thận.

Creatinine là một trong những chỉ số xét nghiệm suy thận quan trọng 

Ure máu (BUN – Blood Urea Nitrogen)

Ý nghĩa: Ure là sản phẩm thoái hóa protein, cũng được thận lọc ra khỏi cơ thể.

Giá trị bình thường: 7 – 20 mg/dL

Trong trường hợp tăng cao cho thấy chức năng lọc của thận bị suy giảm hoặc mất nước, nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa.

eGFR (Estimated Glomerular Filtration Rate – Ước tính mức lọc cầu thận)

Ý nghĩa: Đánh giá mức độ lọc máu của cầu thận – chỉ số quan trọng nhất trong chẩn đoán giai đoạn suy thận. eGFR thường được ước tính từ công thức dựa trên Creatinine, tuổi, giới và chủng tộc. 

Giá trị bình thường: > 90 mL/phút/1,73m². Khi eGFR < 60 mL/phút/1,73m² trong hơn 3 tháng được dùng để chẩn đoán suy thận mạn. 

Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu

Protein niệu (đạm trong nước tiểu)

Ý nghĩa: Xuất hiện đạm niệu cho thấy tổn thương cầu thận. Mặc dù protein niệu nhẹ có thể xuất hiện trong các tình trạng không phải suy thận (ví dụ: sốt, tập thể dục nặng, nhiễm trùng tiểu). 

Có thể làm Test nhanh que nhúng hoặc định lượng 24h.

Albumin niệu (ACR – Albumin-to-Creatinine Ratio)

Ý nghĩa: Phát hiện sớm tổn thương thận, đặc biệt ở bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp;

Bình thường: < 30 mg/g;

Tăng cao cảnh báo bệnh thận mạn dù Creatinin vẫn bình thường.

Tổng phân tích nước tiểu (Urinalysis)

Kiểm tra hồng cầu, bạch cầu, trụ niệu, glucose, vi khuẩn…;

Giúp phát hiện viêm thận, nhiễm trùng tiểu, máu ẩn trong nước tiểu.

Các xét nghiệm hỗ trợ khác (khi cần)

Điện giải đồ (Na⁺, K⁺, Ca²⁺, P) – đánh giá rối loạn điện giải do suy thận;

Siêu âm thận phát hiện teo thận, sỏi, ứ nước;

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, đường huyết, HbA1c – tìm nguyên nhân gây suy thận (đái tháo đường, bệnh tự miễn...).

3. Các triệu chứng cảnh báo tình trạng suy thận 

Suy thận, đặc biệt là suy thận mạn, thường diễn tiến âm thầm qua nhiều năm. Các dấu hiệu ban đầu rất dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ, cơ thể vẫn phát ra nhiều tín hiệu cảnh báo bất thường, cụ thể như sau: 

Triệu chứng toàn thân

  • Mệt mỏi kéo dài, uể oải, giảm khả năng tập trung;
  • Khó ngủ, mất ngủ, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm;
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn, vị kim loại trong miệng;
  • Hơi thở có mùi lạ (do tích tụ ure);
  • Ngứa da toàn thân, đặc biệt vào ban đêm, thường rõ rệt hơn ở giai đoạn suy thận mạn giai đoạn cuối.

Triệu chứng liên quan đến tiểu tiện

  • Tiểu đêm nhiều lần, tiểu ít hoặc bí tiểu;
  • Nước tiểu sủi bọt nhiều (gợi ý có protein);
  • Nước tiểu có màu lạ: sẫm, đỏ hoặc đục;
  • Tiểu ra máu, cảm giác đau rát khi tiểu (nếu có kèm nhiễm trùng).

Dấu hiệu thể chất rõ rệt

  • Phù chân, mặt, mí mắt – do tích nước;
  • Tăng huyết áp không kiểm soát - đây là nguyên nhân và cũng là hậu quả của suy thận;
  • Sụt cân nhanh, không rõ lý do;
  • Khó thở do dịch ứ ở phổi trong suy thận giai đoạn cuối.

Cẩn trọng trước những triệu chứng cảnh báo suy thận 

Các triệu chứng thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, nên việc khám sức khỏe định kỳ và làm xét nghiệm chức năng thận là cách hiệu quả nhất để phát hiện sớm. Đặc biệt, đối với người mắc bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, sỏi thận, viêm cầu thận, càng cần cảnh giác với các dấu hiệu này.

Trên đây là toàn bộ thông tin về các chỉ số xét nghiệm suy thận bạn đọc cần nắm bắt để có phương án tầm soát sức khỏe kịp thời. Nếu có nhu cầu tư vấn các vấn đề sức khỏe có liên quan hoặc thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng thận nói riêng và chẩn đoán bệnh lý suy thận nói riêng, bạn đọc có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Từ khoá: suy thận

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.