Các tin tức tại MEDlatec

Các giai đoạn của bệnh gout và triệu chứng bệnh gout sớm

Ngày 24/03/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Gout là một dạng bệnh viêm khớp do chế độ ăn uống, sinh hoạt không phù hợp, gây đau đớn nghiêm trọng cho người bệnh. Triệu chứng bệnh gout sớm có thể chưa rõ ràng song nếu chú ý vẫn có thể phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả từ giai đoạn này. Đến khi bệnh gout tiến triển, không những đau đớn nghiêm trọng, thường xuyên hơn mà điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.

1. Bệnh gout và các giai đoạn tiến triển

Bệnh gout xảy ra khi acid uric tích tụ quá mức trong cơ thể sau một thời gian dài, dẫn tới hình thành tinh thể urate trong và xung quanh khớp. Kết quả là tình trạng viêm quanh khớp ngày càng lan rộng. Theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh, triệu chứng và tổn thương khớp sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều trị tốt nhất vẫn là khi phát hiện bệnh gout ở giai đoạn sớm.

Bệnh gout thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân đầu tiên

1.1. Bệnh gout giai đoạn 1

Ở giai đoạn này, người bệnh mới chỉ bị tăng nồng độ acid uric trong máu ở mức dưới giới hạn, chưa hình thành tinh thể và gây viêm khớp. Vì thế mà bệnh nhân cũng không có triệu chứng bất thường nào. Đa phần bệnh nhân ở giai đoạn này nếu được phát hiện không cần thiết phải điều trị, chăm sóc và thay đổi thói quen sẽ ngăn được bệnh tiến triển nặng.

Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng dư thừa acid uric tiến triển thành bệnh gout.

1.2. Bệnh gout giai đoạn 2

Giai đoạn này, triệu chứng bệnh đã xuất hiện tương đối rõ ràng. Lúc này, các tinh thể uric đã lắng đọng quanh khớp gây viêm cấp tính, người bệnh bị đau dữ dội, khó chịu. Thông thường các đợt khởi phát viêm do gout giai đoạn 2 chỉ kéo dài khoảng 3 - 10 ngày, triệu chứng đau ngày càng giảm dần.

Bệnh gout gây đau đớn vô cùng nghiêm trọng

Song nếu tiếp xúc với yếu tố kích thích như rượu bia, thức uống có cồn, căng thẳng, thời tiết lạnh,… thì triệu chứng đau do bệnh gout cấp sẽ càng rõ ràng hơn.

1.3. Bệnh gout giai đoạn 3

Sang đến giai đoạn gout tiến triển này, các đợt khởi phát viêm và triệu chứng gout cấp sẽ ngày càng gần nhau hơn. Điều này cảnh báo tinh thể uric đang không ngừng lắng đọng trong mô và ảnh hưởng đến các khớp

1.4. Bệnh gout giai đoạn 4

Ở giai đoạn bệnh gout cuối cùng này, có sự xuất hiện của tophi mãn tính và các khớp, thận có thể đã xuất hiện tổn thương vĩnh viễn. Không chỉ khớp ngón chân bị viêm, nhiều vùng khớp khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng như khớp cổ chân, khớp ngón tay,…

Nếu không điều trị sớm, biến chứng không phục hồi do gout giai đoạn 4 có thể phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng vận động của xương khớp.

2. Triệu chứng bệnh gout sớm

gout có thể gặp phải ở bất cứ khớp nào khi tinh thể urate tích tụ lâu ngày xung quanh khớp đó, song thường gặp nhất vẫn là vị trí khớp ngón chân cái. Ngoài ra, triệu chứng bệnh gout sớm cũng có thể xuất hiện ở khớp đầu gối, khớp bàn chân, khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay hay mắt cá chân,…

Bệnh gout xảy ra do sự lắng đọng tinh thể uric quanh khớp

Triệu chứng chủ yếu xuất hiện ở vùng khớp bị gout và xung quanh như sau:

Khó chịu đau đớn kéo dài

Bệnh nhân bị gout có thể bị thức giấc giữa đêm vì vùng khớp viêm gây ra những cơn đau nhói nghiêm trọng. Sau đó khoảng 12 - 24 giờ, triệu chứng đau mới phát triển nhanh chóng và thực sự gây đau đớn nặng.

Ở một số bệnh nhân, đau nhức khớp có thể chỉ xuất hiện trong khoảng 4 - 12 giờ kể từ khi cơn đau khởi phát đầu tiên, sau đó giảm dần. Song nhiều bệnh nhân gout bị đau kéo dài đến vài tuần, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nếu không điều trị sớm, tình trạng viêm khớp gout sẽ lan rộng, gây ảnh hưởng tới nhiều khớp trong cơ thể.

Sốt, cơ thể mệt mỏi

Đây là triệu chứng toàn thân thường gặp do viêm, đặc biệt là viêm khớp như bệnh gout. Người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ có thể không ổn định, kéo dài, cơ thể thường xuyên mệt mỏi.

Viêm và đỏ vùng khớp bị gout

Khớp bị gout gây viêm sẽ có biểu hiện sưng, mềm, tấy đỏ, khi sờ thấy cảm giác nóng ấm khá rõ ràng. Bên cạnh đó, do sưng tích tụ dịch nên vùng da bao bọc quanh khớp bị bệnh sáng bóng, căng hơn, đôi khi còn bị bong tróc.

Bệnh gout gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động

Hạn chế chuyển động

Khi triệu chứng viêm khớp do gout phát triển, đau đớn khó chịu khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động. Đặc biệt khi gout xuất hiện ở các khớp chân, việc này khiến bệnh nhân lười vận động hơn và bệnh gout sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Xuất hiện nốt sần tophi

Nhiều người bệnh xuất hiện các nốt u sần quanh khớp bị gout, hay còn gọi là nốt tophi. Thực chất trong các nốt này là chất lỏng dạng mủ, có chứa tinh thể urate tích tụ quanh khớp gây gout. Các nốt này thông thường không gây đau đớn, song do phát triển ở các khớp nên có khả năng chèn ép, gây biến dạng khớp vĩnh viễn.

3. Làm sao để cải thiện triệu chứng bệnh gout?

Với bệnh gout giai đoạn đầu và mới tiến triển, đa phần bệnh nhân không nhất thiết phải điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. Thay vào đó, các phương pháp chăm sóc tại nhà, cải thiện lối sống đơn giản sẽ giúp triệu chứng nhanh chóng biến mất:

3.1. Giảm cân

Tình trạng béo phì không những tăng gánh nặng cho xương khớp mà các nguy cơ bệnh lý như kháng insulin, tiểu đường sẽ khiến nồng độ acid uric trong máu càng tăng cao. Bệnh nhân béo phì cần được hướng dẫn giảm cân lành mạnh, vừa đảm bảo sức khỏe vừa ngăn ngừa những cơn gout tấn công.

Cân nặng cũng là yếu tố dẫn tới bệnh gout và khiến bệnh nghiêm trọng hơn

3.2. Uống nhiều nước

Khi cơ thể nạp vào một lượng nước lớn, acid uric dư thừa sẽ được loại bỏ tốt hơn theo đường bài tiết nước tiểu. Như thế, các đợt khởi phát viêm do bệnh gout sẽ cách xa nhau hơn và đau đớn cũng bớt nghiêm trọng hơn.

3.3. Tập thể dục

Đau đớn do gout thường khiến người bệnh có xu hướng lười vận động để giảm đau, song thực tế điều này khiến tinh thể uric tích tụ càng nhiều hơn, gây viêm đau nghiêm trọng hơn. Vì thế, bệnh nhân bị gout cần được hướng dẫn tập thể dục thường xuyên với bài tập phù hợp để giảm triệu chứng gout, duy trì cân nặng tốt.

3.4. Lưu ý chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống kiêng khem với lượng thực phẩm phù hợp được khuyến cáo bắt buộc với bệnh nhân gout hoặc nguy cơ mắc bệnh gout. Những thực phẩm sẽ khiến acid uric tích tụ trong máu nhiều hơn, tăng triệu chứng bệnh gout bao gồm: rượu bia, thức uống có cồn, nội tạng động vật, thịt đỏ các loại,…

Bệnh gout không phải là bệnh hiếm gặp, song nếu không điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nguy hiểm hòa toàn có thể gây tàn phế suốt đời. Do đó khi phát hiện triệu chứng bệnh gout sớm, hãy sớm đi thăm khám và điều trị ngăn bệnh tiến triển nặng hơn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.