Các tin tức tại MEDlatec
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp gây nhiều cản trở đối với cuộc sống thường ngày của bệnh nhân. Nhận biết sớm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể giúp bạn chủ động hơn trong việc đi thăm khám sớm và kịp thời điều trị. Tham khảo bài viết sau có thể giúp bạn tìm hiểu được thông tin đó.
1. Sơ bộ về bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (hay viêm đa khớp dạng thấp) là bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh bị rối loạn hoạt động và tự tấn công vào màng hoạt dịch của khớp. Từ đó, gây ra tổn thương, viêm nhiễm, khiến cho sụn và xương trong khớp bị phá hủy.
Đối tượng mắc bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 20 - 40 tuổi và tỷ lệ bệnh nhân là nữ cao hơn so với nam. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều khớp như khớp gối, khớp tay, khớp bàn chân,... trên cơ thể người bệnh.
Khi phải chịu đựng các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, tình trạng sức khỏe và các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh bị ảnh hưởng, đặc biệt là về khả năng vận động. Khi không sớm phát hiện và kịp thời thực hiện điều trị, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm ở mắt, tim, phổi, dạ dày, nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương, tổn thương thần kinh,...
Về nguyên nhân chính xác gây bệnh, hiện vẫn chưa tìm ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng di truyền là một yếu tố đáng quan tâm dẫn đến khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, cũng có một số yếu tố khác như nhiễm khuẩn, môi trường, lối sống,...
Bệnh viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh tự miễn
2. Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn sớm thường có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh xương khớp khác. Bệnh tiến triển qua 4 giai đoạn, khi không được điều trị tốt, tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian. Lúc này, người bệnh gặp phải những tổn thương nghiêm trọng với các triệu chứng cũng xảy ra nhiều hơn.
Cụ thể, những dấu hiệu biểu hiện của bệnh mà bạn cần lưu ý đến như sau:
Triệu chứng tại khớp
Biểu hiện thường thấy nhất của bệnh là tình trạng sưng, đau các khớp bị viêm, (thường là khớp cổ tay, khớp gối, khớp cổ chân, ngón tay,... đối xứng ở cả hai bên cơ thể), bị nóng, đỏ ở vị trí vùng da của khớp bị viêm. Bên cạnh đó, bệnh nhân có triệu chứng cứng khớp xảy ra vào thời điểm buổi sáng sau khi ngủ dậy và kéo dài trên 1 giờ.
Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có triệu chứng sưng, đau các khớp bị viêm
Triệu chứng toàn thân
Người bị viêm khớp dạng thấp cũng gặp phải các triệu chứng toàn thân như cảm thấy suy nhược, mệt mỏi, bị đau nhức mỏi cơ toàn thân, mất ngủ, biểu hiện chán ăn, da xanh xao,...
Viêm khớp dạng thấp gây đau nhức mỏi cơ toàn thân, mệt mỏi, suy nhược
Triệu chứng tại những cơ quan khác của cơ thể
Bên cạnh đó, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp cũng xuất hiện tại các cơ quan khác của cơ thể, cụ thể như sau:
- Dưới da nổi gồ lên các hạt hay cục không di động, thường xảy ra ở khớp khuỷu tay, khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối.
- Bị viêm, tràn dịch màng phổi.
- Ảnh hưởng đến tim: gặp các vấn đề tổn thương như viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, tắc nghẽn động mạch tim,...
- Vấn đề ở mắt: như bị viêm kết mạc, viêm khô giác mạc, mắt đỏ, khô mắt, đau mắt,...
- Tổn thương thanh quản, có tình trạng khàn giọng.
3. Các phương pháp chữa viêm khớp dạng thấp
Như vậy, bạn đã biết được các triệu chứng viêm khớp dạng thấp là như thế nào. Đối với việc điều trị bệnh, hiện vẫn chưa có phương pháp để chữa viêm khớp dạng thấp dứt điểm hoàn toàn. Các phương pháp được áp dụng trong điều trị căn bệnh này nhằm mục đích cải thiện những triệu chứng, hạn chế tổn thương xương khớp, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Đồng thời, khi người bệnh được điều trị tích cực ngay từ sớm có thể giúp kiểm soát và hạn chế tiến triển của bệnh, duy trì tốt hơn chức năng của khớp và giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng.
Cụ thể, có các phương pháp điều trị thường được áp dụng là:
Sử dụng thuốc
Dựa trên mức độ của các triệu chứng, tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp sử dụng thuốc để điều trị. Trong đó, có các loại thuốc thường được chỉ định như: thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) (như Naproxen, Ibuprofen,…), thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs), thuốc Corticosteroid, thuốc sinh học.
Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật để chữa viêm khớp dạng thấp có thể được bác sĩ xem xét đến khi bệnh nhân điều trị với thuốc không đem lại hiệu quả hoặc tình trạng bệnh quá nặng. Trong đó, có các phẫu thuật là: sửa chữa gân, phẫu thuật nội soi loại bỏ lớp lót bị viêm của khớp, thay thế toàn bộ khớp,... Thông qua phương pháp này, sẽ giúp sửa chữa các tổn thương khớp, khôi phục lại chức năng của khớp, giảm tình trạng đau.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ
Bên cạnh đó, các biện pháp điều trị hỗ trợ như tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng xương khớp; tập vận động để tránh co rút gân, teo cơ hoặc dính khớp; hoặc sử dụng những dụng cụ hỗ trợ đi lại cũng có thể được áp dụng.
Người bệnh tập vật lý trị liệu, tập vận động phù hợp áp dụng điều trị viêm khớp dạng thấp
Tóm lại, viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh tự miễn, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Việc phát hiện sớm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và đi thăm khám, điều trị tích cực kịp thời sẽ giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng hiệu quả hơn, ngăn ngừa bệnh tiến triển, duy trì chức năng của xương khớp.
Hy vọng rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đây có thể hữu ích cho bạn đọc. Nếu có nhu cầu được các bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thăm khám, tư vấn phương pháp điều trị, cải thiện cho các vấn đề liên quan đến cơ xương khớp, quý khách hàng có thể đến tại Hệ thống Y tế MEDLATEC. Mời quý khách gọi đến đường dây nóng: 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được các tổng đài viên giải đáp những vấn đề còn đang băn khoăn, thắc mắc. Đồng thời, nếu quý khách có nhu cầu đặt lịch khám sớm để tiết kiệm thời gian khi đi thăm khám trực tiếp, cũng sẽ được các tổng đài viên hỗ trợ nhiệt tình.
BS Chỉnh đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!