Các tin tức tại MEDlatec
Cách chữa vết bỏng bị phồng rộp nước nhanh khỏi
- 09/07/2020 | Cách chữa bỏng bô xe máy đơn giản mà không để lại sẹo
- 21/04/2020 | Bật mí cách chữa bỏng bô xe máy hiệu quả
- 24/04/2020 | Những nguyên tắc cơ bản tuyệt đối cần thực hiện đúng khi sơ cứu bỏng
- 21/03/2021 | Các cấp độ của bỏng và hướng dẫn cách xử trí khi bị bỏng
- 14/03/2021 | Di chứng của bỏng có nguy hiểm không và cách điều trị ra sao?
- 26/02/2022 | Mách bạn 3 cách trị bỏng không để lại sẹo ngay tại nhà
1. Nguyên nhân khiến vết bỏng bị phồng rộp nước
Trước khi nói về cách chữa vết bỏng bị phồng rộp nước, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến vết bỏng bị phồng. Đa số các trường hợp vết bỏng bị phồng nước là do sự tác động của nhiệt độ cao khiến các tế bào da phản ứng và tiết ra dịch làm mát nhằm mục đích tự vệ.
Các vết bỏng có thể được chia làm 3 cấp độ khác nhau bao gồm:
- Cấp 1: Vết bỏng chỉ làm tổn thương lớp biểu bì ở ngoài cùng khiến làn da bị ửng đỏ, có cảm giác rát và không có hiện tượng bong tróc hay sưng phồng.
- Cấp 2: Tổn thương do vết bỏng gây nên đã vượt qua lớp biểu bì ở tầng trên cùng và đi vào bên trong gây nên những nốt phồng rộp, đau nhức. Khi lớp da bên trong đã được tái tạo thì vết phồng nước này sẽ tự vỡ ra.
- Cấp 3: Những vết bỏng bị tổn thương với diện tích lớn, đi sâu vào trong mạch máu, gân và các dây thần kinh là mức độ nghiêm trọng nhất. Lúc này, người bệnh không còn cảm nhận được sự đau đớn vì các dây thần kinh đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Theo sự phân cấp ở trên, những vết bỏng phồng nước nằm ở cấp 2 với mức độ trung bình. Những vết phồng rộp này có vai trò như một tấm lá chắn để ngăn cách các tổn thương ở bên trong với các tác nhân bên ngoài. Nhờ đó, giúp giảm bớt nguy cơ bị nhiễm trùng và giúp cho vết bỏng nhanh lành hơn.
2. Cách chữa vết bỏng bị phồng rộp an toàn và hiệu quả
Đối với những vết bỏng phồng nước, cách xử lý và điều trị sẽ được chia làm hai trường hợp như sau:
2.1. Đối với vết bỏng phồng rộp còn nguyên
Những vết bỏng vẫn còn nguyên tình trạng phồng rộp cần được chăm sóc cẩn thận để tránh làm vỡ những nốt phồng này. Phần dịch nước ở bên trong vết phồng xuất hiện là do các huyết thanh vô khuẩn. Để lớp thượng bì được tái tạo ổn định thì vết phồng này sẽ duy trì trong khoảng 7 - 14 ngày.
Trong khoảng thời gian này, bạn cần cẩn thận tránh để nốt phồng bị vỡ quá sớm nhằm phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo xấu. Những trường hợp vết phồng rộp có kích thước quá lớn thì việc giữ nguyên trong thời gian dài là tương đối khó. Vì vậy, bạn có thể tìm đến các cơ sở y tế để được bác sĩ hỗ trợ hút dịch ở bên trong và phủ thuốc sát trùng bảo vệ vết thương.
2.2. Đối với vết bỏng phồng nước bị vỡ
Những vết bỏng phồng rộp sẽ khiến người bệnh cảm thấy khu vực da chỗ đó bị căng cứng và gây cảm giác khó chịu trong các hoạt động hàng ngày. Vì vậy, rất nhiều người đã chọc để vết phồng nước này vỡ ra. Việc làm này rất nguy hiểm.
Nếu bọng nước bị chọc vỡ, bạn ngay lập tức sẽ cảm thấy đau nhức hơn ở vùng bỏng. Và do phần da ở bên trong vẫn chưa được tái tạo nên các vi khuẩn sẽ dễ dàng tấn công, gây nên tình trạng nhiễm trùng. Nguy hiểm hơn, vết bỏng có thể bị hoại tử nếu không được xử lý và vệ sinh đúng cách.
Trường hợp bạn vô ý làm vết phồng nước bị vỡ, bạn hãy rửa nhẹ nhàng vết thương bằng nước sạch để không làm ảnh hưởng đến lớp da ở bên dưới. Sau đó, bạn sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch lại vùng da đang bị tổn thương này.
Kế đến, bạn cần sử dụng một chiếc kéo để cắt bớt phần da thừa ở nốt phồng rộp. Lưu ý: kéo phải được tiệt trùng bằng cồn hoặc bằng nước sôi. Bạn không nên cắt quá sâu để tránh làm tổn thương sang các vùng da khác.
Sau đó, bạn sử dụng thêm thuốc điều trị bỏng chuyên dụng để bôi lên vết thương và dùng băng gạc vô khuẩn để băng kín vết thương. Bạn cần thay băng và bôi thuốc đều đặn mỗi ngày cho đến khi vết bỏng lành hẳn. Trong quá trình phục hồi, việc tái tạo lớp da mới có thể gây cảm giác ngứa, nhưng bạn cố gắng không được gãi, tránh làm trầy vết thương và khiến da tiếp tục bị tổn thương, gây sẹo xấu.
3. Những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị vết bỏng bị phồng nước
Ngoài những thông tin về cách chữa vết bỏng bị phồng rộp nước đã được nêu ra ở trên, bạn cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề sau đây trong quá trình điều trị:
- Không chườm đá lạnh: Đá lạnh không tốt cho vết bỏng. Việc chườm đá lạnh sẽ khiến cho các tế bào da bị đông cứng lại. Nguy hiểm hơn, vùng da bỏng có thể bị hoại tử, tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn so với ban đầu.
- Không bôi kem đánh răng vào vết bỏng: Kem đánh răng có đặc tính the mát nên nhiều người lầm tưởng rằng chúng có thể làm dịu vết bỏng. Tuy nhiên, kem đánh răng có chứa kiềm và khi kết hợp với nhiệt độ cao ở vết bỏng sẽ khiến cho tổn thương trên da càng thêm nghiêm trọng. Vết bỏng cũng sẽ lâu lành hơn và dễ để lại sẹo.
- Không chọc vỡ bóng nước: Như đã nói, lớp bọng nước này chính là tấm chắn bảo vệ vùng da bỏng bị tổn thương khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường, thậm chí, chúng còn giúp giảm bớt tình trạng đau rát ở vết bỏng. Việc chọc vỡ bỏng nước sẽ khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Nhiều trường hợp sử dụng các dụng cụ không đảm bảo vệ sinh còn khiến cho các tổn thương này dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Đừng quên áp dụng một số biện pháp khác để phòng ngừa nguy cơ hình thành sẹo xấu sau bỏng ví dụ như kem trị sẹo, nghệ tươi,... Bạn chỉ nên sử dụng các sản phẩm trị sẹo sau khi vết bỏng đã lành lại và đang trong giai đoạn đầu hình thành sẹo.
Nhìn chung, đối với các vết bỏng phồng rộp nước, bạn có thể tự mình chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, việc tự điều trị không đảm bảo vệ sinh đôi khi còn khiến cho vết bỏng trở nên nặng hơn. Vì vậy, tốt nhất, khi bị bỏng thì bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Da Liễu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hỗ trợ xử lý vết bỏng một cách an toàn nhất. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn chi tiết hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!