Các tin tức tại MEDlatec
Cây tam thất - nhân sâm của người Việt
- 17/09/2024 | Cây núc nác: công dụng chữa bệnh và các bài thuốc chi tiết
- 17/09/2024 | Cây si: dược liệu chữa bệnh ít ai biết tới
- 23/09/2024 | Cây bạch đàn có thể dùng để chữa bệnh gì?
1. Khái quát đặc điểm cây tam thất
Tam thất là cây thân thảo, tuổi thọ cao. Lá tam thất mọc vòng 3 - 4 lá một với phần cuống dài 3 - 6cm, mép lá có răng cưa.
Hoa tam thất mọc thành cụm tròn ở đầu cành, gồm cả hoa lưỡng tính và đơn tính. Hoa có màu xanh nhạt, gồm nhiều bông nhỏ chụm lại. Ở giữa hoa là nhụy và đài. Quả tam thất hình thận, mọng, có 2 hạt hình cầu bên trong.
Cây tam thất mọc ở địa hình đồi núi có độ cao 1.000 - 1.500m. Ở nước ta, tam thất có nhiều nhất ở các tỉnh: Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang,...
Hình ảnh cây và hoa tam thất
2. Thành phần hóa học và công dụng của cây tam thất
2.1. Thành phần hoá học
Chu Nhiệm Hoàng và Tiêu Thừa Cổ - tác giả người Trung Quốc đã công bố nghiên cứu vào năm 1937 - 1941 cho biết, tam thất chứa saponin Arasaponin A và B.
Nhà nghiên cứu Hứa Thực Phương người Trung Quốc cũng cho biết, chiết xuất từ tam thất chứa Saponin A tan trong rượu amylic nóng và một loại saponin không tan trong rượu amylic nóng. Cả hai hoạt chất này kết hợp với axit axetic khô kiệt tạo thành tinh thể C29H50O3 với độ chảy 216 độ C.
2.2. Công dụng của cây tam thất
2.2.1. Theo Y học hiện đại
Thông báo dược liệu vào năm 1977 từ các nhà nghiên cứu: Nguyễn Thị Thọ, Vũ Thị Tâm, Đoàn Thị Nhu thực hiện thí nghiệm tam thất trên súc vật cho thấy:
- Rễ cây tam thất kéo dài thời gian bơi của chuột.
- Rễ tam thất tăng đề kháng của súc vật trước các yếu tố độc hại bên ngoài như: nhiệt độ môi trường, liều độc Ouabain với tim,...
- Rễ tam thất kháng lại tình trạng giảm prothrombin trong máu thỏ và giảm khả năng đông máu thực nghiệm với dicumarol.
- Rễ tam thất không gây tăng huyết áp.
- Đối với nội tiết:
+ Thí nghiệm trên chuột cống cái con dùng rễ tam thất liều 5g/kg/6 ngày cho thấy trọng lượng tử cung tăng.
+ Thí nghiệm trên chuột cống đực non dùng rễ tam thất liều 5g/kg/6 ngày cho thấy không có sự thay đổi về trọng lượng tuyến tiền liệt và tinh hoàn.
+ Hoạt tính gây động đực được so sánh trên các loại rễ tam thất khác nhau về độ tuổi, nhận thấy: rễ 3 năm tuổi có thể khiến 50% súc vật thí nghiệm ở liều 10g/kg bị động đực; rễ tam thất 5 năm liều 5g/kg cũng gây ra tác dụng này. Như vậy có thể thấy rằng hoạt tính gây động dục ở rễ tam thất 5 năm mạnh hơn rễ tam thất 3 năm tuổi gấp 2 lần.
+ Nghiên cứu về khả năng gây động dục của rễ phụ và lá tam thất cho thấy hoạt tính của lá tam thất yếu hơn rễ củ tam thất 5 năm 8 - 10 lần.
Nụ tam thất được nhiều người hãm trà uống để chữa bệnh
2.2.2. Theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền thì tam thất tính ôn, vị ngọt xen đắng, kinh vị và can. Dược liệu này có công dụng cầm máu, hành ứ, lỵ ra máu, chảy máu cam, giảm phù nề,...
Dân gian dùng tam thất để cầm máu cho các trường hợp sưng đau do ứ huyết, chấn thương. Liều dùng 4 - 8g dạng nước thuốc sắc uống hoặc thuốc bột. Ngoài ra cũng có thể dùng tại chỗ để cầm máu.
Người dân nước ta xem củ tam thất có tác dụng bồi bổ không kém gì nhân sâm.
3. Cách chế biến, sử dụng tam thất
Có rất nhiều cách bào chế cây tam thất làm dược liệu tùy theo mục đích sử dụng:
- Dùng trực tiếp: Phần rễ tam thất rửa sạch rồi giã nát sau đó đắp trực tiếp lên vị trí bị thương.
- Dùng sống: Rễ tam thất rửa sạch, sấy hoặc phơi khô sau đó thái lát mỏng hoặc nghiền bột mịn. Bột tam thất thường dùng chữa trị bệnh gan, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, đi ngoài ra máu,...
- Dùng chín:
+ Cách thứ nhất: Có thể dùng toàn bộ cây tam thất, rửa sạch sau đó ngâm rượu cho mềm rồi thái mỏng, sao vàng, cuối cùng nghiền thành dạng bột mịn.
+ Cách thứ hai: Tam thất rửa sạch, thái từng lát mỏng, đem sao vàng cùng dầu ăn rồi nghiền bột mịn. Đây là cách dùng cho người có khí huyết kém, cơ thể suy nhược.
Khi sử dụng dược liệu cây tam thất cần lưu ý:
- Không dùng trong thời gian dài nếu có cơ địa thân nhiệt để tránh gây ngứa, dị ứng, nổi mụn,...
- Thận trọng khi cho trẻ nhỏ đang dùng thuốc uống tam thất vì có thể dẫn đến tác dụng phụ do tương tác thuốc.
- Tam thất có thể tương tác với các thực phẩm như hải sản, đồ cay nóng, cá, đậu tằm,... khiến cơ thể giảm hấp thu, bị ngộ độc hoặc dị ứng.
Mọi bộ phận của cây tam thất đều có thể khai thác, dùng làm dược liệu
4. Một số bài thuốc dân gian sử dụng dược liệu tam thất
- Chữa băng huyết
Tán nhỏ tam thất để uống cùng nước cơm, 8g/lần.
- Chữa thiếu máu
Tam thất tán nhỏ, tần với gà non để ăn hoặc dùng bột tam thất uống 6g/lần.
- Cầm máu vết thương
Giã nhuyễn lá cây tam thất rồi lọc lấy nước uống còn phần bã đắp lên vết thương.
- Chữa suy nhược cơ thể
Tán nhỏ: 12g tam thất, 40g ích mẫu, 40g sâm bố chính, 20g kê huyết đằng, 12g hương phụ rồi pha nước uống mỗi ngày 20g.
- Chữa viêm gan cấp tính
Chuẩn bị thang thuốc gồm: 20g tam thất, 40g nhân trần, 20g hoàng bá, 12g bồ công anh, 12g thạch hộc, 12g huyền sâm, 12g thiên môn, 12g mạch môn, 8g xương bồ. Những dược liệu này sau đó mang sắc lấy nước uống 2 lần trong ngày.
- Chữa viêm đường tiết niệu cấp
Dùng 12g từng loại dược liệu: mộc hương, cam thảo đất, sinh địa kết hợp với 16g từng dược liệu: kim ngân, cỏ nhọ nồi, lá tre và 4g tam thất, rửa sạch và sắc lấy nước uống.
- Chữa rong huyết
Sắc các dược liệu sau để lấy nước uống: 12g mẫu lệ, 12g long cốt, 12g ô tặc cốt, 12g ngải diệp, 4g tam thất, 8g đan sâm, 8g đan bì, 8g xuyên khung, 8g đương quy, 4g ngũ linh chi, 4g mộc dược.
Không thể phủ nhận những lợi ích sức khỏe của cây tam thất nhưng để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh và tính an toàn của dược liệu tự nhiên này, tốt nhất vẫn cần có sự chỉ định từ thầy thuốc chuyên môn.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!