Tin tức
Cây bạch đàn có thể dùng để chữa bệnh gì?
- 18/09/2024 | Khám phá công dụng của cây ô môi đối với sức khỏe
- 18/09/2024 | Cây núc nác: công dụng chữa bệnh và các bài thuốc chi tiết
- 18/09/2024 | Cây si: dược liệu chữa bệnh ít ai biết tới
1. Một số đặc điểm của cây bạch đàn
Cây bạch đàn được biết tới với tên khác là khuynh diệp, an thụ,... Đây là loài cây thuộc họ Sim, nguồn gốc ở châu Úc, thân gỗ lớn, nhánh vuông, vỏ thân nhẵn, cao trên 10m, đường kính trung bình 9 - 10cm, tán hẹp và thưa.
Lá bạch đàn trên cành non thường mọc đối, phiến hình trái tim hoặc trứng, dài 10 - 15cm, màu lục, gần như không có cuống. Ở nhánh già, lá mọc so le, riêng biệt, hình liềm, cuống ngắn và cong, lá có thể dài tới 25cm. Soi sáng vào phiến lá có thể thấy các chấm trong là túi tinh dầu.
Cây bạch đàn ra hoa vào tháng 5. Nụ hoa bạch đàn mọc ra từ kẽ lá, có cuống ngắn, gồm 4 cạnh với 4 lá đài, nhị hoa dài 1.5cm. Quả bạch đàn dạng nang, hình chén, chứa hạt bên trong.
Rễ bạch đàn ăn sâu vào lòng đất, hút nước tốt, mọc nhanh. Bạch đàn có khả năng thích ứng với nhiều loại khí hậu, chủ yếu được trồng để lấy gỗ.
Bạch đàn được trồng ở nước ta nhiều nhất với mục đích phủ trống đồi trọc, thường ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc,...
Tinh dầu từ lá bạch đàn có khả năng đuổi muỗi
2. Thành phần hóa học và cách bào chế dược liệu từ cây bạch đàn
2.1. Thành phần hóa học
Hàm lượng tinh dầu trong lá bạch đàn chiếm khoảng 1 - 3%. Ngoài ra, trong lá của loài cây này còn chứa tanin, chất vô cơ, chất đắng, chất nhựa, acid phenol, flavonoid,...
2.2. Bào chế dược liệu
Lá bạch đàn có thể dùng làm dược liệu, thu hoạch vào mùa hè để phơi khô rồi cất trong túi kín. Chỉ dùng lá hình liềm làm dược liệu.
Người Trung Quốc khai thác lá bạch đàn bằng cách: Ở các mốc tuổi 3 và 7 của cây, đem chặt toàn bộ thân để lấy phần gỗ và lá. Sau một thời gian, chồi non sẽ mọc ra, lại cắt lấy lá, chỉ để lại 2 nhánh cho cây phát triển. Tiếp tục quy trình này với 2 nhánh đó, cuối cùng chỉ để lại 1 nhánh để thay thế cây đã cắt.
Lá bạch đàn có mùi thơm mạnh do tinh dầu tạo ra. Để thu hoạch tinh dầu từ lá bạch đàn nên dùng CO2, chưng cất hơi nước không cho hiệu quả cao. Đây là công nghệ trích ly không sử dụng nhiệt độ mà sử dụng dung môi CO2. Kết quả thu được tinh dầu giữ nguyên thành phần và mùi vị tự nhiên. Tinh dầu thu được trong, hơi vàng đục, thơm và không có cặn.
Lá bạch đàn nấu nước tắm giúp chữa ghẻ ngứa da
3. Công dụng chữa bệnh của cây bạch đàn
3.1. Theo Y học hiện đại
Các thành phần trong cây bạch đàn có tác dụng:
- Chữa trị bệnh đường hô hấp: Chiết xuất từ lá bạch đàn có thể dùng để cải thiện các triệu chứng bệnh đường hô hấp, long đờm, chữa cảm lạnh hoặc cảm cúm,...
- Chống lại tác nhân gây bệnh: Chiết xuất từ lá của cây bạch đàn cũng có tác dụng chống viêm kháng khuẩn, tiêu diệt nấm men gây nhiễm trùng, vi khuẩn E. Coli. Đây còn là vị thuốc tự nhiên giúp sức đề kháng được cải thiện.
- Giảm căng thẳng: Tinh dầu bạch đàn có khả năng thư giãn hệ thần kinh, giảm căng thẳng, mệt mỏi.
- Chữa bệnh ngoài da như: Ghẻ, ngứa, hôi nách.
- Giảm đau khớp: Tinh dầu bạch đàn có khả năng làm mát nên khi thoa lên da sẽ giúp làm mát, giảm đau. Ngoài ra, loại tinh dầu này còn thư giãn cơ và hệ thần kinh, kích thích lưu thông máu tới vùng khớp chịu thương tổn nên sẽ giảm viêm, giảm đau hiệu quả.
- Tăng sức khỏe làn da: Khả năng chống viêm, kháng khuẩn của dầu bạch đàn rất tốt trong điều trị nhiễm trùng da, bệnh chàm, vết côn trùng cắn, phát ban,... Tuy nhiên, khi dùng dầu bạch đàn cần pha loãng để tránh làm hại da.
3.2. Theo Y học cổ truyền
Cây bạch đàn có tính bình, vị hơi cay và đắng, mùi thơm, công dụng sát khuẩn, tiêu viêm, giảm sốt, tán kết, tiêu thũng,... Tinh dầu bạch đàn có thể tiêu diệt ký sinh trùng, vi khuẩn,... nên có khả năng phòng ngừa bệnh nhiễm trùng.
Uống trà bạch đàn có thể kiểm soát tiểu đường
4. Một số bài thuốc dân gian chữa bệnh từ cây bạch đàn
- Chữa tiểu đường
Hãm một nhúm lá bạch đàn tươi như hãm trà rồi lấy nước uống mỗi ngày 1 - 2 chén nhỏ.
- Giảm căng thẳng
Lấy 5 lá bạch đàn tươi, rửa sạch rồi cho vào trong ấm nhỏ để hãm cùng nước sôi khoảng 5 phút. Lấy nước này uống 2 - 3 ngày.
- Chữa hôi nách
Rửa sạch một nắm lá bạch đàn tươi rồi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt rồi thoa đều khắp nách. Có thể dùng phần bã để chà xát khắp da sau đó tắm lại. Làm như vậy 1 lần/ngày, trong 1 tuần liên tiếp.
- Chữa ho
Thoa tinh dầu bạch đàn lên thái dương, ngực và cổ họng. Nếu không có tinh dầu bạch đàn thì dùng 1 nắm lá bạch đàn to đem nấu sôi với 10 nhánh xả rồi dùng nước này xông hơi. Khi nước hết hơi nóng thì dùng để tắm.
- Chữa đau nhức xương khớp
Xoa tinh dầu bạch đàn đều khắp vùng khớp bị đau nhức sau đó nhẹ nhàng massage 2 - 3 phút. Hoặc cũng có thể nấu lá bạch đàn lấy nước ngâm chân. Thực hiện theo cách này liên tiếp trong 2 tuần.
+ Chữa ghẻ, ngứa da
Rửa sạch 1 nắm lá bạch đàn rồi cho vào nồi nấu với 1.5 lít nước. Dùng phần nước để tắm, phần lá xoa nhẹ lên da.
+ Chữa á sừng chân tay
Nấu 1 nắm to lá bạch đàn với 3 lít nước trong 10 phút rồi cho một nhúm nhỏ muối vào, đợi đến lúc nước nguội thì ngâm chân và tay vào sao cho ngập nước.
Lưu ý khi sử dụng bạch đàn làm dược liệu: nên sử dụng lá già, hạn chế dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai. Nếu trong quá trình sử dụng có dấu hiệu dị ứng thì phải thông báo với bác sĩ ngay.
Mặc dù lá từ cây bạch đàn có thể dùng chữa bệnh nhưng không phải mọi trường hợp đều cần dùng chung một hàm lượng. Để tránh sử dụng sai liều, gặp phải độc tính, người bệnh nên đến gặp thầy thuốc có chuyên môn thăm khám, tư vấn cách dùng hiệu quả.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!