Các tin tức tại MEDlatec
Cha mẹ nên biết: Làm thế nào khi chân bé bị vòng kiềng
1. Chân vòng kiềng là gì, tại sao trẻ bị chân vòng kiềng
1.1. Chân vòng kiềng là gì
Chân vòng kiềng (chân cong, chân hình chữ O) là hình dạng bất thường của chân thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Những trẻ chân vòng kiềng khi đứng ngón chân sẽ hướng về phía trước và dù 2 mắt cá chân chạm vào nhau thì hai bên đầu gối vẫn có khoảng cách chứ không thể chạm vào nhau như bình thường.
Trẻ bị chân vòng kiềng
1.2. Nguyên nhân khiến cho trẻ bị chân vòng kiềng
Sở dĩ trẻ nhỏ bị chân vòng kiềng là vì:
- Bị thiếu Vitamin D
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Vitamin D có tác dụng thúc đẩy cơ thể hấp thu tốt hơn canxi, photpho để xương có thể phát triển bình thường. Nếu trẻ bị thiếu vitamin D trong một thời gian dài thì khả năng hấp thu những chất này của xương gặp trở ngại từ đó sự phát triển của xương cũng bị ảnh hưởng theo.
- Nuôi con không khoa học
Những trẻ đi quá sớm kết hợp với thời gian tập đi quá dài và thiếu rèn luyện sức khỏe; hay địu trẻ trên lưng hoặc bế cắp nách quá sớm,... là những việc làm góp phần khiến cho trẻ bị chân vòng kiềng.
- Đối với trẻ sơ sinh
Riêng đối với trẻ sơ sinh, hầu hết các trường hợp bị chân vòng kiềng là do khi ở trong bụng mẹ, chân của trẻ thường xuyên bị gấp hoặc uốn cong nên đã thành thói quen. Sau khi sinh ra, hầu hết trẻ sẽ theo thói quen nằm co chân ấy vì nó là tư thế đã quen thuộc.
2. Cha mẹ nên làm thế nào khi chân bé bị vòng kiềng
2.1. Cách kiểm tra xem có đúng trẻ bị chân vòng kiềng không
Nếu băn khoăn làm thế nào khi chân bé bị vòng kiềng thì trước tiên cha mẹ cần kiểm tra xem có đúng là chân bé bị như vậy không đã. Muốn làm được điều này, trước tiên cha mẹ hãy đặt bé ở tư thế nằm ngửa, duỗi thẳng 2 chân, để cho 2 mắt cá trong chạm vào nhau rồi đo khoảng cách giữa 2 đầu gối của trẻ ở vị trí lồi cầu trong xương đùi.
Đo khoảng cách 2 đầu gối của trẻ để kiểm tra xem có bị chân vòng kiềng hay không
Khi kết quả đo thu được dưới 10cm thì chứng tỏ trẻ vẫn phát triển bình thường. Khi kết quả đo trên 10cm thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để có biện pháp can thiệp.
2.2. Việc cha mẹ nên làm khi phát hiện trẻ bị chân vòng kiềng
Như đã nói ở trên, đối với hầu hết trẻ sơ sinh thì hiện tượng chân vòng kiềng là do tư thế quen từ trong bụng mẹ khiến cho chân bị cong, theo thời gian dần dần chân trẻ sẽ trở lại bình thường nên cha mẹ không cần lo phải làm thế nào khi chân bé bị vòng kiềng. Trường hợp này cha mẹ cũng không cần nắn chân cho trẻ vì nó không có tác dụng gì cả.
Trong trường hợp quá 2 tuổi chân của trẻ vẫn bị vòng kiềng hoặc có những dấu hiệu dưới đây thì cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để biết mình nên làm thế nào khi chân bé bị vòng kiềng:
- Khi đi lại trẻ gặp nhiều khó khăn và thường xuyên kêu đau chân
Do chân của trẻ ngắn hơn bình thường nên việc đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn và hiện tượng đau chân cũng dễ xảy ra.
- Chân không đối xứng
Nếu chân vòng kiềng chỉ xuất hiện ở một bên chân hoặc chân có dấu hiệu không đối xứng thì cũng cần kiểm tra vì nó cảnh báo nguy cơ bệnh nguy hiểm ở trẻ.
3. Cách hỗ trợ điều chỉnh chân vòng kiềng cho trẻ
3.1. Bú sữa mẹ
Sữa mẹ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và các loại vitamin vô cùng tốt cho sự phát triển hệ xương của trẻ. Trong 6 tháng đầu tiên sau sinh, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn để hệ xương có được sự phát triển tốt nhất. Không những thế, sữa mẹ còn có vitamin D giúp hạn chế còi xương - nguyên nhân gây ra chân vòng kiềng. Khi trẻ đến độ tuổi ăn dặm, bên cạnh nguồn sữa mẹ thì cha mẹ cũng hãy cố gắng bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ thực phẩm cho trẻ để cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D.
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu chân vòng kiềng và đi lại gặp khó khăn cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để biết làm thế nào khi chân bé bị vòng kiềng
3.2. Nắn chân và tay cho trẻ
Nhẹ nhàng nắn đều hai chân cho trẻ không chỉ giúp lưu thông máu mà còn khiến trẻ có xu hướng duỗi thẳng chân ra. Việc làm này nên thực hiện một cách đều đặn từ 6 tháng - 1 năm. Khi nắn hãy hướng vào trong, đi từ đùi xuống mắt cá chân để hạn chế tật vòng kiềng, đến khoảng hơn 1 tuổi thì hiện tượng này sẽ hết.
3.3. Không tập đi sớm
Trẻ trước 9 tháng không nên cho ngồi xe tập đi quá sớm vì lúc này hệ xương chân của trẻ chưa đủ thời gian phát triển. Thời điểm thích hợp để làm việc này là ngoài 9 tháng vì khi tập đi quá sớm, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn ép xuống chân càng dễ khiến chân bị biến dạng.
Trước khi tập đi cho trẻ hãy tập cho trẻ giữ thăng bằng trọng lượng cơ thể đã. Trong quá trình tập đi cần luôn theo sát trẻ, dùng chăn hoặc gối chặn sát ngay sau trẻ để nâng đỡ, tránh việc trẻ bị ngã ảnh hưởng tới toàn bộ hệ chân hoặc đốt sống.
3.4. Bổ sung đủ canxi và vitamin D
Trong một thời gian dài, nếu trẻ bị thiếu vitamin D sẽ khiến cho việc hấp thu canxi và photpho giảm đi, gây trở ngại cho sự phát triển của hệ xương. Bản thân canxi và vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển xương của trẻ nên việc bổ sung đầy đủ những chất này là vô cùng cần thiết và giúp hạn chế được chân vòng kiềng.
Nói tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chân vòng kiềng và không phải trường hợp nào cũng là dấu hiệu bệnh lý. Với những trường hợp do yếu tố di truyền hay có các dấu hiệu như đã nói ở trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ trả lời cụ thể, chính xác làm thế nào khi chân bé bị vòng kiềng. Nếu còn thắc mắc nào khác cha mẹ có thể gọi tới tổng đài 1900565656 để chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp, làm sáng tỏ băn khoăn, yên tâm chăm sóc trẻ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!