Các tin tức tại MEDlatec
Chỉ điểm 8 triệu chứng chính của sỏi mật không thể bỏ qua
- 27/10/2020 | Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi mật
- 24/10/2020 | Tìm hiểu về sỏi mật và một số phương pháp tán sỏi mật hiệu quả cao
- 16/10/2020 | Các loại sỏi mật thường gặp và thông tin có liên quan bạn nên biết
1. Sỏi mật hình thành như thế nào
Sỏi mật là căn bệnh đường tiêu hóa xảy ra khi trong túi mật, hệ thống đường dẫn mật trong gan và ống mật chủ có sỏi. Bình thường, dịch mật được dự trữ trong túi mật để tiêu hóa chất béo có trong thức ăn ở gan. Khi thức ăn đi vào cơ thể, túi mật sẽ co bóp và tiết mật vào ruột non nhưng nếu chức năng gan suy giảm, viêm hay vận động đường mật kém sẽ gây ứ mật khiến thành phần trong dịch mật bị xáo trộn và kết tụ thành sỏi mật.
Sỏi ở trong túi mật của người bệnh
Sỏi mật xuất hiện gây cản trở dòng chảy dịch mật, tổn thương đường mật hoặc túi mật, gây viêm đồng thời làm tăng áp lực trong đường mật khi túi mật co bóp. Nó chính là lý do khiến người bị sỏi mật có triệu chứng đầy bụng, đau bụng, khó tiêu, sốt, nôn,...
2. 8 triệu chứng chính của sỏi mật
Do không biết triệu chứng chính của sỏi mật nên nhiều người nhầm lẫn bệnh lý này với bệnh dạ dày. Tuy nhiên, trên thực tế cơn đau sỏi mật và dạ dày có vị trí không giống nhau, sỏi mật thường gây đau ở hạ sườn phải đồng thời gây nên các triệu chứng điển hình sau:
2.1. Đau bụng
Cơn đau bụng do sỏi mật gây ra thường khởi phát sau bữa ăn giàu chất béo hoặc vào ban đêm, đau từ hạ sườn phải và có thể lan ra thượng vị, sau lưng.
2.2. Khó tiêu
Khó tiêu nhất là sau mỗi bữa ăn cũng được xem là triệu chứng chính của sỏi mật. Bình thường, dịch mật sẽ được túi mật co bóp tống đẩy xuống ruột non để tiêu hóa chất béo nhưng khi sỏi xuất hiện nó làm cản trở lưu thông dịch mật, khiến cho mật để hấp thu chất béo bị thiếu gây nên chướng bụng, khó tiêu.
2.3. Mắt vàng, da vàng
Dịch mật do gan sản xuất ra, đóng vai trò tiêu hóa chất béo và giúp gan đào thải độc tố. Nếu túi mật có sỏi sẽ chặn sự lưu thông của dịch mật, gây ứ tắc dịch mật và các chất thải do gan bài tiết ra không được đào thải ra ngoài nên quay ngược lại vào máu và gây nên tình trạng da vàng, mắt vàng.
Vàng mắt là một trong 8 triệu chứng chính của sỏi mật
2.4. Sợ đồ dầu mỡ, chán ăn
Do thường xuyên phải trải qua những cơn đau quặn mật sau khi ăn nên chán ăn cũng là triệu chứng chính của sỏi mật. Điều đáng nói là hầu hết mọi người lại cho đây là rối loạn tiêu hóa mà thôi nên chủ quan không thăm khám, không phát hiện bệnh kịp thời.
2.5. Buồn nôn và nôn sau ăn
Sau những bữa ăn giàu chất béo nếu có hiện tượng cảm thấy buồn nôn và nôn thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị sỏi mật. Điều này được lý giải do sỏi mật làm tăng áp lực trong túi mật khi co bóp và tống đẩy dịch mật khiến mật không tiêu hóa được chất béo có trong thức ăn, người bệnh cảm thấy đau tức thượng vị.
2.6. Phân màu bạc, nước tiểu sẫm màu
Dịch mật có màu xanh, do cholesterol, muối canxi bilirubinat và sắc tố mật tạo thành. Bình thường, nó đi xuống ruột non rồi nhào trộn với thức ăn và được tái hấp thu qua quá trình tiêu hóa còn chất cặn bã bị đào thải ra khỏi cơ thể qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên, khi mật bị tắc nó sẽ không xuống được đường tiêu hóa nên thành phần trong dịch mật không được chuyển hóa đúng cách từ đó sinh ra phân có màu bạc, nước tiểu sẫm màu.
2.7. Sốt cao kèm ớn lạnh
Một triệu chứng chính của sỏi mật nữa là hiện tượng sốt cao kèm cảm giác ớn lạnh. Nó chính là hệ quả của tình trạng nhiễm trùng đường mật, túi mật do sỏi mật.
2.8. Ngực đau và nóng
Mặc dù hiếm gặp nhưng đây vẫn là một triệu chứng dễ xảy ra của sỏi mật và khiến nhiều người nhầm lẫn với cơn đau tim. Sở dĩ có hiện tượng đau nóng ngực là bởi sỏi gây nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn đường mật nghiêm trọng, dẫn đến trào ngược dịch vị.
Thăm khám khi nghi ngờ triệu chứng sỏi mật để phát hiện và điều trị kịp thời
3. Một vài lưu ý
Sỏi mật nếu không được phát hiện và điều trị ngay sẽ dồn lại gây ứ sỏi, tắc nghẽn dịch mật, viêm đường mật, viêm túi mật và thậm chí là sốc nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật, nhiễm khuẩn huyết, viêm tụy cấp, viêm phúc mạc,… đe dọa tới tính mạng. Nếu sỏi hình thành trong đường dẫn mật gan có thể gây ứ mật và tắc nghẽn mật lâu ngày sinh ra xơ gan và suy gan khiến khả năng chuyển hóa trong cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhìn chung, sỏi mật thường diễn tiến âm thầm, ít khi thể hiện thành triệu chứng. Vì thế khi có những hiện tượng như đã nói đến trên đây, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định đúng tình trạng sức khỏe của mình.
Khám sức khỏe định kỳ được xem là giải pháp tốt nhất để phát hiện và điều trị sỏi mật kịp thời. Bên cạnh đó, ăn uống khoa học để tránh béo phì, tránh dùng thuốc oestrogen chữa bệnh cho người bị sỏi mật từ trước, tẩy giun 6 tháng/lần, ăn chín uống sôi,... được xem là biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với bệnh sỏi mật. Nếu thừa cân và phải giảm cân thì không nên giảm quá nhanh để tránh làm tăng nhanh nồng độ cholesterol trong dịch mật tạo điều kiện thúc đẩy sỏi mật hình thành.
Đối với những người đã từng phẫu thuật sỏi mật, để tránh biến chứng cần:
- Tuân thủ chế độ ăn: cung cấp đủ 1,5 - 2 lít nước cho cơ thể mỗi ngày, tăng cường bổ sung chất xơ và trái cây, hạn chế tối đa dầu mỡ và thực phẩm giàu chất béo.
- Tập thể dục mỗi ngày để tăng cường thể chất cho cơ thể.
- Thăm khám định kỳ để biết được chắc chắn việc sỏi mật có quay trở lại hay không để điều trị kịp thời bằng đơn thuốc phù hợp.
Qua những thông tin trên đây chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn đọc biết được triệu chứng chính của sỏi mật để kịp thời thăm khám, có biện pháp xử trí hiệu quả, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nếu cần bất kỳ sự hỗ trợ y tế nào, đừng ngần ngại liên hệ tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giúp đỡ hữu ích.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!