Các tin tức tại MEDlatec
Da bé bị nổi hạt sần sùi: nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa cho bé
da bé bị nổi hạt sần sùi
Da bé bị nổi hạt sần sùi: nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa cho bé
Da bé bị nổi hạt sần sùi có thể là kết quả của các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ. Tình trạng này gặp nhiều ở những trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ từ 1 - 6 tháng tuổi bởi vì trẻ ở giai đoạn này có làn da mỏng rất nhạy cảm, dễ mắc các vấn đề da liễu. Để tìm hiểu những nguyên nhân khiến da bé bị nổi hạt sần sùi và phương pháp điều trị, mời các bậc phụ huynh cùng theo dõi qua những thông tin trong bài chia sẻ sau đây của MEDLATEC.
1. Nguyên nhân nào khiến da bé bị nổi hạt sần sùi?
Vùng da bị nổi hạt sần sùi có thể xuất hiện ở các vị trí như mặt, mông, chân, tay, đùi, thậm chí là ở bẹn và nặng hơn là toàn thân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng đa dạng, chủ yếu là do:
● Hăm tã: các vết hăm thường xuất hiện ở những vùng da có nếp gấp, ví dụ như 2 bên bẹn, xung quanh bộ phận sinh dục, vùng mông. Hăm tã khiến bé bị khó chịu, đau rát, ngứa ngáy bởi vì việc mặc bỉm thường xuyên làm cho làn da vốn rất nhạy cảm của bé phải tiếp xúc với mồ hôi và chất thải trong thời gian dài. Do vậy, cha mẹ cần chú ý thay bỉm cho bé khoảng 1 - 2 tiếng/lần, mỗi lần thay hãy vệ sinh sạch sẽ vùng da này bằng nước ấm, sau đó lau khô.
● Rôm sảy: tiết trời nắng nóng, oi bức sẽ khiến làn da của bé ra nhiều mồ hôi, gây bít tắc lỗ chân lông và nổi hạt sần sùi như mụn nước trên bề mặt da. Nó sẽ mọc lên chủ yếu ở các vùng như da đầu, lưng, cổ, vai, nách, háng, ngực. Trong quá trình tắm và vệ sinh cho trẻ, cha mẹ nên thao tác nhẹ nhàng, không kỳ quá mạnh sẽ làm vỡ bọng nước gây đau rát cho trẻ. Ngoài ra, hãy cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và thấm hút tốt mồ hôi.
Da bé bị nổi hạt sần sùi có thể là kết quả của các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ
● Chàm sữa: biểu hiện của tình trạng này đó là xuất hiện những hạt sần sùi trên da của trẻ, tập trung thành từng mảng hoặc nằm riêng rẽ, cảm giác sần sùi và khô ráp khi chạm vào. Chàm sữa có thể mọc lên ở má, sau đó nó sẽ dần lan sang những vùng da khác. Trẻ sẽ khó chịu, quấy khóc, ngủ không sâu giấc, bỏ bú, ngứa ngáy và gãi. Chàm sữa mức độ nhẹ sau thời gian ngắn có thể tự hết, đối với tình trạng nặng hơn cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chứ không được tự chữa mẹo ở nhà và tránh không cho trẻ ăn đồ dễ gây dị ứng.
● Bệnh tay chân miệng: xảy ra khi xung quanh miệng, lòng bàn tay, chân, vòm họng, đầu gối, vùng da mông của bé có các hạt sần sùi. Ngoài ra, trẻ còn có các triệu chứng như tiêu chảy, nôn ói, sốt cao, bỏ ăn và quấy khóc. Virus là nguyên nhân gây ra căn bệnh này và hiện không có loại thuốc đặc hiệu giúp điều trị triệt để tay chân miệng. Vì vậy cha mẹ chỉ có thể tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà.
● Nổi mề đay mẩn ngứa: hiện tượng này khiến da trẻ mọc lên những nốt ban đỏ hoặc hồng, sần sùi, ban đầu kết thành đám nhỏ nhưng về sau có thể lan rộng ra, kèm với đó là triệu chứng nóng rát, ngứa ngáy dữ dội, viêm sưng tay chân, quấy khóc, chóng mặt, khó thở. Nguyên nhân thường là do trẻ bị dị ứng với lông động vật, phấn hoa, khói bụi ô nhiễm, đậu phộng hay hải sản. Ngoài ra, nổi mề đay còn xuất phát từ tình trạng sưng amidan, viêm tai giữa, thay đổi thời tiết đột ngột.
● Viêm da cơ địa: tương tự như các bệnh về da nêu trên, viêm da cơ địa có thể làm các nốt mụn nước xuất hiện trên da trẻ, mẩn đỏ, sần sùi, mọc nhiều ở cổ, trán, chân tay và mặt trẻ. Đối với những trường hợp nặng, mụn nước còn mọc thành mảng lớn, khiến da bị sưng đỏ và ngứa dữ dội. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ tắm bằng loại sữa tắm an toàn, mặc quần áo được làm từ chất liệu thoáng khí, thiết kế rộng rãi.
Da bé bị nổi hạt sần sùi có thể là do bị hăm tã
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh vẫn còn khá non nớt nên việc gặp phải những vấn đề về da liễu là điều dễ hiệu. Tuy tình trạng nổi hạt sần sùi trên da không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng sẽ khiến trẻ khó chịu nhiều, quấy khóc và bỏ ăn, điều này vô tình ảnh hưởng đến thể trạng chung của trẻ.
2. Cách điều trị tình trạng nổi hạt sần sùi trên da của trẻ
Khi nhận thấy sự xuất hiện của các nốt hạt sần sùi trên da của bé, nếu chúng không chứa mủ, xuất hiện ít thì trước tiên cha mẹ hãy quan sát biểu hiện của chúng, chú ý việc vệ sinh sạch sẽ nốt mụn cho trẻ hàng ngày, tránh cọ xát hay bôi bất kỳ loại thuốc hoặc các bài thuốc dân gian nào khi chưa xin ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa. Cụ thể như sau:
● Tắm rửa hàng ngày cho trẻ nhưng không được kỳ mạnh vì sẽ làm các nốt mụn bị vỡ và khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, dễ bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, không để trẻ tắm bằng nước quá nóng hay quá lạnh vì nước quá nóng sẽ khiến trẻ bị khô da, nên nước có độ ấm vừa phải nên được ưu tiên. Thời gian tắm chỉ nên trong vòng 10 - 15 phút, không nên tắm cho trẻ quá lâu.
● Thường xuyên giặt giũ, vệ sinh các đồ vật cá nhân của bé như chăn mền, đồ chơi để tránh vi khuẩn xâm nhập và gây nên các bệnh về da ở trẻ.
● Cho trẻ mặc những bộ quần áo vải mềm mịn, thoáng mát, thấm hút mồ hôi để giúp bé cử động dễ chịu và thoải mái hơn khi tham gia các hoạt động hàng ngày.
● Khi đưa trẻ ra ngoài, cha mẹ hãy che chắn và bảo vệ da thật kỹ cho bé, để trẻ tránh xa các dị nguyên và các yếu tố gây kích ứng. Nếu trời chuyển lạnh hãy chú ý giữ ấm cho cơ thể bé.
● Trẻ cần được đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và sinh sống trong môi trường sạch sẽ, lành mạnh.
Hãy cho trẻ tắm rửa sạch sẽ hàng ngày để tránh tình trạng da bé bị nổi hạt sần sùi
Nhìn chung tình trạng da bé bị nổi hạt sần sùi là biểu hiện không ít trẻ mắc phải. Khi đó các bậc phụ huynh cần bình tĩnh theo dõi các biểu hiện của trẻ và chăm sóc trẻ theo những khuyến cáo nêu trên. Nếu các biểu hiện nổi mẩn ngoài da tăng nặng, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được điều trị hiệu quả.
Nếu còn nhiều thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp, cha mẹ có thể liên hệ tới MEDLATEC qua hotline 1900565656. Nhân viên y tế của MEDLATEC sẽ giúp các bậc phụ huynh đặt lịch khám cùng các bác sĩ Chuyên khoa Da liễu để tư vấn chi tiết hơn về tình trạng bệnh mà trẻ đang gặp phải.
BS Chỉnh đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!