Các tin tức tại MEDlatec
Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị dị ứng thức ăn
- 06/05/2021 | Dị ứng thức ăn ở trẻ - những điều cha mẹ cần biết
- 19/04/2021 | Các triệu chứng cho thấy bạn bị dị ứng thức ăn và cách xử lý
1. Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị dị ứng thức ăn
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do là do trẻ có cơ địa mẫn cảm với một số loại thức ăn hoặc có thể được di truyền từ gia đình tình trạng này. Trong những năm đầu đời, hệ miễn dịch và đường ruột của trẻ vẫn còn rất non nớt. Khi mới tiếp xúc với các loại thực phẩm từ bên ngoài đưa vào, cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, nếu thức ăn chứa yếu tố dị nguyên không tương thích với kháng thể, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện một số dấu hiệu như sau:
-
Da, niêm mạc: da phồng rộp, phát ban, nổi mề đay, mẩn ngứa, sưng đỏ, phù nề tại nhiều vị trí như lưỡi, mắt, tai,… hoặc thậm chí toàn thân.
-
Hô hấp: chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, thở khò khè, khó thở,…
-
Tim mạch: mạch nhanh, huyết áp hạ,…
-
Tiêu hóa: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy,…
-
Một số biểu hiện khác: quấy khóc, ăn kém, mệt mỏi,…
Các biểu hiện khi trẻ bị dị ứng có thể khác nhau tùy theo mức độ phản ứng của cơ thể đối với yếu tố dị nguyên
2. Nên làm gì để phòng tránh trẻ sơ sinh bị dị ứng thức ăn?
Để có thể ngăn ngừa các biểu hiện dị ứng cùng các biến chứng của nó ngay từ sớm, bố mẹ cần lưu ý một vài điểm trong việc chăm sóc trẻ như sau:
Loại bỏ yếu tố dị nguyên
Cách phòng tránh tối ưu nhất đối với trẻ sơ sinh bị dị ứng thức ăn chính là loại bỏ yếu tố dị nguyên trong mỗi bữa ăn hàng ngày của trẻ. Trong khi đó, đối với trẻ sơ sinh thì nguồn thức ăn chủ yếu là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vì vậy, mẹ cần ghi nhớ kỹ và lựa chọn cẩn thận các loại thực phẩm bản thân sử dụng mỗi ngày cũng như loại sữa công thức bổ sung cho bé.
Dưới đây là một số thức ăn thường gây ra biểu hiện dị ứng ở trẻ mẹ nên cẩn trọng trong việc sử dụng. Đặc biệt, nếu bé yêu đã có biểu hiện bị dị ứng với các triệu chứng đã nêu ở phần đầu bài viết thì mẹ nên tránh đưa vào các bữa ăn hàng ngày.
-
Sữa bò: hàm lượng protein cao trong sữa có thể khiến đường ruột của trẻ chưa kịp hoàn thiện khó lòng thích nghi và dẫn đến tình trạng dị ứng. Nhưng may mắn rằng sự mẫn cảm này thường tự biến mất khi trẻ lớn hơn (khoảng sau 3 tuổi).
-
Trứng: nếu trẻ có tình trạng dị ứng với trứng thì hầu như trẻ thường bị dị ứng với protein có trong lòng trắng trứng, nhiều trường hợp còn dị ứng với cả lòng đỏ. Những biểu hiện dị ứng có thể diễn ra sau vài phút hoặc vài giờ, nếu trẻ đã dùng trứng quá nhiều thậm chí có thể gây ra hội chứng sốc.
-
Hải sản: cá, tôm, cua, hàu,… có thể gây ra những biểu hiện dị ứng nghiêm trọng đối với trẻ cơ địa mẫn cảm. Tình trạng này có thể tiếp diễn cho đến khi trẻ trưởng thành, vì vậy bố mẹ nên loại bỏ thực phẩm này khỏi bữa ăn hằng ngày của trẻ.
-
Các loại hạt: đậu phộng, hạt macca, hạt điều, quả óc chó, hạnh nhân,… tùy thuộc vào cơ địa mà trẻ có thể dị ứng với một loại hạt hoặc là nhiều loại hạt khác nhau.
-
Gluten có trong ngũ cốc: lúa mì, ngô, yến mạch,…
-
Chất bảo quản thực phẩm: nếu trẻ có cơ địa dị ứng với các thành phần trong chất bảo quản thực phẩm, bố mẹ nên lưu ý khi bản thân tiêu thụ các loại thức ăn đóng gói như: xúc xích, snack, bánh kẹo,…
-
Một số thực phẩm dễ gây kích ứng khác: bột ngọt, dưa leo, cà chua,…
Mẹ nên tránh sử dụng nhóm thức ăn được xác định là yếu tố dị nguyên đối với trẻ
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa là các cơ quan giúp trẻ hấp thu các chất dưỡng chất cần thiết. Đồng thời cung cấp cho mọi chức năng sinh lý trong cơ thể, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng khi trẻ bị dị ứng.
-
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn tối thiểu 6 tháng đầu: sữa mẹ là nguồn cung cấp dưỡng chất đầy đủ cho trẻ trong những ngày đầu tiên trong đời, giúp đường ruột của bé dần dần thích nghi và hoạt động tốt hơn trước khi tiếp xúc với các loại thức ăn khác. Chỉ nên tập cho trẻ ăn dặm sau 12 tháng tuổi.
-
Đa dạng thực phẩm hằng ngày: khi đến giai đoạn ăn dặm, trẻ vẫn cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng một cách đa dạng. Vì vậy, ngoại trừ những yếu tố dị nguyên khiến trẻ bị dị ứng, bố mẹ vẫn phải cho trẻ được ăn đầy đủ các nhóm chất cần thiết, đặc biệt là rau củ và trái cây.
-
Hỗ trợ men tiêu hóa: các loại vi sinh vật trong đường ruột của trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc hấp thu các chất dinh dưỡng. Cho nên, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng men vi sinh cho trẻ sơ sinh bị dị ứng thức ăn.
Các món ăn dặm cho trẻ phải đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết theo 04 nhóm cơ bản gồm: glucid, protid, lipid, đặc biệt là rau củ quả
3. Biện pháp xử trí khi trẻ bị dị ứng thức ăn
Với trường hợp nhẹ
Nếu trẻ chỉ bị ngứa ngoài da, vết mẩn đỏ không nhiều,… bạn có thể giúp trẻ chườm nước đá giúp làm giảm cảm giác khó chịu. Các biểu hiện dị ứng có thể sẽ tự khỏi sau vài ngày.
Với trường hợp nặng
Khi nhận thấy các dấu hiệu như vết mẩn đỏ lan rộng toàn thân, mí mắt và tay chân sưng phù, có biểu hiện khó thở, thở khò khè, tức ngực,… hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp và xử trí khẩn cấp. Không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc áp dụng các mẹo vặt dân gian như đắp lá, bôi mỡ trăn,… cho trẻ, có thể làm lỡ mất khoảng thời gian vàng trong điều trị đồng thời khiến tình trạng thêm nghiêm trọng.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu nhận thấy các biểu hiện dị ứng có mức độ nặng hoặc tiến triển nặng một cách nhanh chóng
Trẻ sơ sinh bị dị ứng thức ăn hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu các bậc phụ huynh lưu ý kỹ hơn trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ mỗi ngày. Qua những thông tin trên, nếu bạn đọc vẫn còn những thắc mắc chưa được giải đáp, hãy liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua số 1900.56.56.56 để được tư vấn cụ thể và nhận được sự hỗ trợ y tế trong trường hợp cần thiết.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!