Các tin tức tại MEDlatec
Đau mắt đỏ lây như thế nào? Hướng dẫn phòng tránh lây nhiễm
- 04/10/2024 | Đau mắt đỏ do virus lây như thế nào và biện pháp phòng tránh
- 23/10/2024 | Trẻ bị đau mắt đỏ - Những lưu ý trong cách chăm sóc và phòng ngừa
- 28/10/2024 | Đau mắt hàn là gì? Cách chữa như thế nào?
- 01/11/2024 | Bà bầu bị đau mắt đỏ có sao không và chữa trị như thế nào?
1. Đau mắt đỏ là bệnh gì?
Trước khi trả lời thắc mắc đau mắt đỏ lây như thế nào, chúng tôi sẽ cung cấp một số thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm bệnh.
Đau mắt đỏ là dạng nhiễm trùng mắt thường gặp. Giao mùa là thời điểm bạn dễ mắc bệnh nhất vì lúc này hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả hơn, cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
Bệnh có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Khi bị bệnh, mắt bạn sẽ đỏ hơn so với bình thường. Ban đầu, hiện tượng này chỉ xảy ra ở một mắt, sau đó sẽ lan sang cả 2 mắt.
Đau mắt đỏ có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra
Ngoài đỏ mắt, bệnh nhân còn bị nóng rát mắt, cộm mắt và nhìn mờ, mi mắt bị sưng nề, mắt có nhiều ghèn và kèm theo tình trạng chảy nước mắt. Những triệu chứng này thường không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh. Tuy nhiên khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể bị tổn thương giác mạc, gây giảm thị lực mắt. Để hạn chế nguy cơ biến chứng và nguy cơ lây lan thành dịch, người bệnh đau mắt đỏ cần được phát hiện sớm và chăm sóc, điều trị đúng cách.
2. Vì sao bị đau mắt đỏ?
Phần lớn các trường hợp bị đau mắt đỏ đều là do vi khuẩn hoặc virus gây ra, đặc biệt là Adenovirus. Ngoài ra, những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh có thể kể đến như môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, do sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt với người khác,...
- Đau mắt đỏ do virus: Trong số các loại virus gây bệnh thì Adenovirus và herpesvirus được đánh giá là 2 loại virus gây đau mắt đỏ phổ biến nhất. Bên cạnh đó, đau mắt đỏ còn có thể do nhiễm trùng đường hô hấp, cảm lạnh.
- Đau mắt đỏ do vi khuẩn, trong đó các vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bao gồm Staphylococcus hay Streptococcus pneumonia... Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này nhưng trẻ em đang trong độ tuổi đi học là đối tượng dễ bị đau mắt đỏ do vi khuẩn.
- Đau mắt đỏ còn có thể là do dị ứng với các loại mỹ phẩm, phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật, clo trong bể bơi,...
3. Đau mắt đỏ lây như thế nào?
Đau mắt đỏ là bệnh có thể lây nhiễm dễ dàng và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch. Dù đã bị đau mắt đỏ bạn vẫn có thể bị tái nhiễm bệnh, do đó, một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần. Môi trường làm việc, lớp học hay một số địa điểm công cộng chính là những nơi dễ bị bùng phát dịch bệnh.
Vậy đau mắt đỏ lây như thế nào? Sau đây là những lời giải đáp chi tiết:
- Đau mắt đỏ có thể lây nhiễm khi bạn tiếp xúc với nước mắt, dịch mắt của người đang bị bệnh.
- Dùng chung đồ cá nhân như khăn mặt, gối của người bệnh hoặc chạm vào những vật dụng có chứa nguồn bệnh như tay nắm cửa, chìa khóa, điều khiển tivi,... cũng là những con đường lây nhiễm đau mắt đỏ rất phổ biến.
Bạn có thể bị lây đau mắt đỏ khi dùng chung khăn mặt với người bệnh
- Sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm nguồn bệnh.
- Người có thói quen dụi mắt, hay đưa tay lên mắt mũi miệng là những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh.
- Nếu nói chuyện trực tiếp với người bị đau mắt đỏ thì bệnh có thể lây qua đường giọt bắn, nhất là khi người bệnh đứng cạnh bạn và hắt hơi mạnh.
4. Làm thế nào để phòng ngừa đau mắt đỏ?
Hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa đau mắt đỏ, bên cạnh đó chưa có thuốc đặc trị và mầm bệnh có khả năng sống nhiều ngày trong điều kiện bình thường khiến tình trạng này dễ dàng lây sang người khác và bùng phát thành dịch. Chính vì thế, việc phòng ngừa bệnh là rất quan trọng, cả người khỏe mạnh và người đang bị bệnh đều cần đặc biệt chú ý đến vấn đề này. Cụ thể như sau:
- Người khỏe mạnh muốn phòng bệnh hiệu quả cần lưu ý:
+ Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hay dung dịch sát khuẩn. Trước khi ăn hay sau khi cầm nắm vào những vật dụng chung như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang,... bạn càng nên chú trọng đến việc rửa tay.
Loại bỏ thói quen dụi mắt để phòng ngừa đau mắt đỏ
+ Không nên dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, chẳng hạn như chậu rửa mặt, khăn lau mặt hay khăn tắm,...
+ Sau khi dùng khăn mặt, bạn nên giặt thật sạch và phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt tối đa những loại vi khuẩn gây bệnh.
+ Loại bỏ thói quen dụi mắt vì tay có thể chứa rất nhiều vi khuẩn và bạn sẽ không thể biết khi nào tay đang mang mầm bệnh. Việc dùng tay dụi mắt có thể vi khuẩn, virus từ tay xâm nhập vào mắt và khiến bệnh đau mắt đỏ dễ dàng lây lan.
- Đối với người bệnh đau mắt đỏ: Khi đang bị bệnh, bạn cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cá nhân và bên cạnh đó, cũng cần chủ động thực hiện một số biện pháp để tránh lây lan sang cho người khác. Cụ thể như sau:
+ Rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn hoặc cũng có thể dùng nước rửa tay khô.
+ Thường xuyên rửa mắt bằng dung dịch muối pha loãng vào các thời điểm sáng, trưa và tối.
+ Khi đang bị đau mắt đỏ, bạn không nên dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khỏe mạnh. Bên cạnh đó, không nên dùng chung khăn lau mặt, gối,... hay một số đồ dùng khác với người khỏe mạnh.
+ Hạn chế tiếp xúc với người khỏe mạnh để hạn chế lây bệnh cho họ.
+ Không nên đến những nơi đông người.
+ Không tự ý áp dụng các bài thuốc truyền miệng để đắp lên mắt.
+ Đeo kính râm để mắt hạn chế tiếp xúc với ánh sáng, giảm nguy cơ dụi mắt.
Bạn nên đi khám mắt nếu có biểu hiện bất thường
Qua bài viết trên đây, hi vọng bạn đã hiểu rõ đau mắt đỏ lây như thế nào và một số cách phòng tránh lây bệnh. Nếu bạn có biểu hiện nghi ngờ đau mắt đỏ, bạn không nên để tình trạng kéo dài mà cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh. Mọi thắc mắc hoặc nhu cầu đặt lịch khám sớm, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!