Tin tức

Đau mắt đỏ do virus lây như thế nào và biện pháp phòng tránh

Ngày 04/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Đau mắt đỏ do virus là bệnh lý thường gặp và rất dễ lây. Vậy đau mắt đỏ do virus lây như thế nào? Làm sao để phòng tránh lây nhiễm? Đây có lẽ là thắc mắc của rất nhiều người, nhất là vào mùa cao điểm, khi bệnh có khả năng phát triển, lây nhanh trong cộng động.

1. Tổng quan về đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ, còn được biết đến với tên gọi viêm kết mạc, có thể bị gây ra bởi vi khuẩn, virus hoặc các chất gây dị ứng. Triệu chứng điển hình của bệnh là lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi bị viêm bị đỏ, mí mắt sưng, có dịch chảy ra hoặc đóng vảy trên mi mắt, cụ thể như sau: 

Nguyên nhân

Nhiễm virus là nguyên nhân chính gây đau mắt đỏ, điển hình trong đó là virus Adenovirus. Ngoài ra còn có các virus khác như Varicella-zoster virus, Simplex virus hay SARS-CoV-2.

Một số trường hợp bị đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn, chẳng hạn như các vi khuẩn Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumonia và Pseudomonas aeruginosa.

Ngoài nhiễm khuẩn và virus, đau mắt đỏ có thể xảy ra khi tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng, kích ứng như bụi bẩn, lông thú, phấn hoa, mỹ phẩm, hóa chất,… Tình trạng này thường xảy ra với những người cơ địa bị dị ứng.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác dẫn đến đau mắt đỏ có thể kể đến như mắt bị chấn thương, mắt có dị vật, lạm dụng kính áp tròng. Đặc biệt, tiếp xúc gần với người bệnh ũng làm tăng nguy cơ mắc. Đó là lý do nhiều người tìm hiểu con đường lây nhiễm của bệnh để chủ động phòng tránh.

Biểu hiện mắt đỏ, sưng đau là triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh

Biểu hiện mắt đỏ, sưng đau là triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh

Triệu chứng

Những triệu chứng của đau mắt đỏ rất dễ nhận biết, bao gồm:

  • Lòng trắng mắt chuyển sang màu hồng hoặc đỏ.
  • Cảm giác nóng rát, ngứa, cộm xuất hiện một bên mắt và sau vài ngày, lan sang mắt còn lại.
  • Chảy nước mắt nhiều, có thể kèm theo dịch mủ. Hoặc dịch mủ khô và đóng vảy tại khóe mắt, trên mi mắt.
  • Mí mắt sưng húp và đau, thường gặp sau khi ngủ dậy.
  • Mắt nhạy cảm, khó chịu, tăng tiết dịch và nước mắt khi tiếp xúc với ánh sáng.
  • Nếu đau mắt đỏ do virus Adenovirus gây ra có thể xuất hiện thêm triệu chứng nóng sốt, ho, đau họng, sổ mũi, nhức mỏi,… 

2. Đau mắt đỏ do virus lây như thế nào?

Đau mắt đỏ có thể xảy ra với tất cả mọi người, bất kể giới tính hay độ tuổi. Bệnh thường xuất hiện mạnh nhất khi giao mùa từ hè sang thu. Nếu không được kiểm soát hiệu quả, bệnh có thể lây lan rộng và phát triển thành dịch. Vậy đâu là con đường lây nhiễm bệnh?

  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh, chẳng hạn như chạm vào ghèn, ghỉ, nước mắt, nước bọt,… Đây chính là nguồn lây nhiễm mạnh nhất.
  • Tiếp xúc gần với người bệnh, hay nói cách khác là lây nhiễm qua đường hô hấp khi bạn trò chuyện hay đứng gần người bệnh và người bệnh hắt xì, ho làm văng giọt nước bọt và nước mũi ra ngoài không khí. 
  • Sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn lau mặt, chậu rửa mặt chung,…
  • Chạm vào những bề mặt mà trước đó người bệnh đã chạm vào như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy,… rồi đưa tay lên dụi mắt.
  • Lây qua môi trường bể bơi, không khí hoặc vật trung gian ruồi, nhặng. 

Ngoài thắc mắc đau mắt đỏ do virus lây như thế nào, nhiều người cũng nhầm lẫn nếu nhìn vào mắt của người bệnh thì sẽ bị lây bệnh. Theo các bác sĩ, đây là quan niệm sai lầm. 

Đau mắt đỏ lây khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với người bệnh

Đau mắt đỏ lây khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với người bệnh

3. Cách phòng tránh

Biết được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh lây nhiễm cho bản thân. Dưới đây là những hướng dẫn dành cho bạn.

Rửa tay thường xuyên

Đây là việc rất đơn giản nhưng sẽ giúp bạn phòng tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Sau khi ra ngoài về hoặc tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng, bạn hãy rửa tay cẩn thận với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để loại bỏ triệt để các yếu tố gây bệnh. 

Tránh chạm tay vào mắt

Điều này là rất quan trọng nếu bạn vừa tiếp xúc (ôm, bắt tay) với người bệnh hay chăm sóc người bệnh xong. Lúc này, cần tránh tối đa việc chạm tay vào mắt, nhất là khi bạn chưa rửa tay sạch sẽ. Ngoài ra, nếu trong gia đình có trẻ nhỏ, bạn cũng hãy hướng dẫn trẻ thực hiện tốt việc này. 

Không dùng chung đồ dùng cá nhân

Dù không có ai mắc bệnh trong nhà, bạn vẫn nên tránh sử dụng chung các đồ dùng cá nhân với người khác. Nếu có ai đó bị đau mắt đỏ, cần tách riêng hoặc thậm chí vứt bỏ đồ dùng của người bệnh sau mỗi lần sử dụng. Đặc biệt, các sản phẩm như thuốc nhỏ mắt hay thuốc bôi mắt không được dùng chung để tránh vi khuẩn bám vào đầu nhỏ thuốc, từ đó gây lây lan bệnh.

Không dùng chung đồ dùng cá nhân, đặc biệt là thuốc nhỏ mắt

Không dùng chung đồ dùng cá nhân, đặc biệt là thuốc nhỏ mắt

Ngoài các cách phòng tránh lây nhiễm đau mắt đỏ nói trên, để phòng ngừa đau mắt đỏ, bạn cần chú ý:

  • Vệ sinh cá nhân và đồ dùng cá nhân sạch sẽ. Đối với khăn lau mặt, cần dùng riêng, đồng thời giặt sạch và phơi khô sau mỗi lần sử dụng.
  • Hạn chế trang điểm cho mắt cũng như đeo kính áp tròng. Nếu trang điểm, bạn cần sử dụng mỹ phẩm chất lượng và tẩy trang ngay sau khi về nhà. Nếu dùng kính áp tròng, luôn vệ sinh kính trước và sau mỗi lần sử dụng.
  • Đeo kính râm khi ra ngoài, đặc biệt là khi di chuyển dưới trời nắng hoặc môi trường nhiều khói bụi.
  • Đeo khẩu trang, nhất là khi ở nơi đông người hoặc trong thang máy, khu vực có không gian chật hẹp. 
  • Tránh đi bơi ở bể bơi công cộng khi có dịch. Nếu là hồ bơi ở nhà, cần vệ sinh và thay nước hồ bơi thường xuyên.
  • Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt hàng ngày. 
  • Nâng cao sức khỏe tổng thể bằng cách bảo đảm chế độ ăn uống cân bằng, tập luyện thể dục thường xuyên mỗi ngày.

Rửa tay giúp phòng bệnh đau mắt đỏ và nhiều bệnh truyền nhiễm khác

Rửa tay giúp phòng bệnh đau mắt đỏ và nhiều bệnh truyền nhiễm khác 

Chúng ta đã cùng tìm hiểu đau mắt đỏ do virus lây như thế nào và các biện pháp phòng tránh. Nếu có biểu hiện bất thường, bạn có thể đặt lịch khám tại Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Tổng đài 1900 56 56 56 luôn sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi và hỗ trợ bạn 24/7.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ