Các tin tức tại MEDlatec
Đau mắt đỏ ở trẻ em - Nên xử trí sao cho đúng cách?
đau mắt đỏ ở trẻ em
Đau mắt đỏ ở trẻ em - Nên xử trí sao cho đúng cách?
Đau mắt đỏ ở trẻ em thường do nhiều yếu tố tác động và tình trạng này gây ra không ít khó chịu cho trẻ. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện và điều trị sớm cho trẻ, đau mắt đỏ có thể làm ảnh hưởng tới thị giác và sinh hoạt hàng ngày của bé. Để tìm hiểu cách điều trị đau mắt đỏ cho trẻ đúng cách, mời quý bậc phụ huynh cùng MEDLATEC theo dõi các thông tin trong bài viết sau.
1. Nguyên nhân và triệu chứng khi trẻ bị đau mắt đỏ
1.1. Nguyên nhân
Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc xảy ra khi lớp màng ở mắt bị xung huyết, đỏ ngầu do gặp phải tổn thương hoặc bệnh lý nào đó gây ra. Nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em phần lớn là do virus xâm nhập. Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền nhanh chóng giữa người với người và khả năng bùng phát thành dịch cao.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như do ô nhiễm môi trường, vệ sinh mắt kém cũng là 2 yếu tố dẫn tới tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ em. Thông qua những hình thức tiếp xúc dưới đây, trẻ sẽ dễ gặp phải căn bệnh này:
● Tiếp xúc trực tiếp với những người đang bị đau mắt đỏ.
● Hay dùng tay dụi lên mắt.
● Dùng chung nguồn nước với bệnh nhân đau mắt đỏ.
● Dùng chung đồ vật hoặc chạm tay vào bề mặt chứa virus gây đau mắt đỏ từ người bệnh.
Đau mắt đỏ ở trẻ em thường do nhiều yếu tố tác động và tình trạng này gây ra không ít khó chịu cho trẻ
1.2. Trẻ bị đau mắt đỏ có những biểu hiện như thế nào?
Giai đoạn đầu bị bệnh, trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng như sau:
● Ngứa, đau, nóng cộm bên trong mắt.
● Mắt trẻ xuất hiện nhiều ghèn làm dính chặt mi sau khi thức dậy.
● Gỉ mắt hay ghèn mắt có màu trắng sữa, vàng hoặc xanh nhạt, có thể lỏng hay đặc. Ngay cả khi đã lau sạch mắt ghèn sẽ nhanh chóng xuất hiện lại.
● Mi mắt trên và cả mi mắt dưới đều bị sưng nề.
● Mắt trẻ khó chịu tăng dần, đỏ, có thể kèm theo các triệu chứng viêm long đường hô hấp như ho, chảy dịch mũi.
● Những trẻ đau mắt đỏ nặng còn có thể bị sốt nhẹ và nổi hạch đằng trước tai.
2. Điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em
Đã có một phương pháp dân gian truyền miệng rằng khi trẻ bị đau mắt đỏ thì người lớn hãy dùng sữa mẹ để nhỏ vào mắt trẻ. Điều này sẽ giúp mắt bé nhanh chóng hết bệnh. Tuy nhiên đây là phương pháp không được chứng thực bởi cơ sở khoa học, chính vì vậy cha mẹ không nên làm theo để tránh nguy cơ biến chứng.
Nếu nhận thấy trẻ đang có các triệu chứng nghi ngờ bị đau mắt đỏ, đặc biệt, nếu trẻ bị đau mắt và tình trạng này không thuyên giảm sau 3 - 5 ngày chăm sóc tại nhà, trẻ trở nên nhạy cảm với ánh sáng, mắt đau dữ dội, sưng nề mí mắt thì mẹ hãy đưa trẻ đi khám sớm. Dựa trên các biện pháp chẩn đoán y khoa, bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ các phương pháp điều trị đúng cách.
Khi bác sĩ đã thăm khám và kê đơn thuốc, cha mẹ cần cho con dùng thuốc theo đúng chỉ định, không được tự ý mua thuốc hay dùng đơn kê của người khác để chữa cho con. Việc nhỏ thuốc đúng cách cũng rất quan trọng, đó là mẹ cần nhỏ đều 2 bên mắt cho bé, không để đầu của lọ thuốc chạm trực tiếp vào giác mạc mắt trẻ để tránh nhiễm khuẩn. Khi nhỏ thuốc nên tránh tình trạng thuốc chảy hết ra ngoài vì như vậy sẽ không phát huy hết công dụng của thuốc.
Đau mắt đỏ gây ảnh hưởng tới thị giác của trẻ
3. Cách chăm sóc và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Như đã đề cập trước đó, bệnh đau mắt đỏ là do virus gây ra và có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. Bệnh sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cũng như làm ảnh hưởng tới thị lực của trẻ. Do đó, để phòng tránh nguy cơ trẻ sẽ bị đau mắt đỏ, cha mẹ hãy áp dụng ngay những cách sau đây:
● Vệ sinh sạch sẽ tay cho trẻ mỗi ngày bằng xà phòng diệt khuẩn, tập cho trẻ thói quen không dụi tay lên mắt.
● Không nên để trẻ tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân đang bị đau mắt đỏ Đặc biệt nếu ở khu vực sinh sống đang có dịch đau mắt đỏ thì cha mẹ không cho trẻ tụ tập ở những nơi đông người.
● Đồ dùng cá nhân của trẻ cần phải được giặt riêng. Đồ chơi của trẻ cũng nên được vệ sinh và tiệt trùng định kỳ.
● Không cho trẻ sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, ví dụ như khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước,...
● Nếu trẻ trước đây thường xuyên bị viêm kết mạc do dị ứng thời tiết, dị ứng phấn hoa, bụi bẩn,... thì cha mẹ nên đóng cửa sổ vào những ngày thời tiết hanh khô, gió bấc để hạn chế sự xâm nhập của các tác nhân này vào trong không gian sống.
● Cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể trẻ trong suốt thời gian điều trị bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt là mẹ hãy tăng cường trái cây tươi và rau củ xanh vì trong những thực phẩm này chứa rất nhiều vitamin tốt cho hệ miễn dịch của bé.
● Để trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hạn chế để mắt trẻ hoạt động quá nhiều, nhất là nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử.
● Không để bọt xà phòng, sữa tắm gội rơi vào mắt trẻ khi tắm.
● Không cho trẻ đi bơi khi đang trong quá trình điều trị.
● Vệ sinh mắt hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
● Khi cho trẻ đi ra ngoài hãy che chắn vùng mắt cẩn thận cho bé để hạn chế việc bụi bẩn có thể rơi vào mắt trẻ.
● Theo dõi những biểu hiện của bệnh, nếu tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ em trở nên nghiêm trọng, phụ huynh hãy đưa trẻ đi khám ngay.
Hãy cho trẻ đi khám và điều trị khi trẻ bị đau mắt đỏ
Hy vọng rằng những kiến thức do MEDLATEC chia sẻ trên đây đã giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em. Nếu cha mẹ nghi ngờ trẻ có dấu hiệu đau mắt đỏ thì hãy đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900565656. Qua kiểm tra thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng của trẻ, đồng thời hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc và điều trị phù hợp.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!