Các tin tức tại MEDlatec
Động mạch và tĩnh mạch là gì?
- 01/04/2025 | Động mạch cánh tay: Cấu trúc, chức năng và những điều cần biết
- 27/04/2025 | Bệnh động mạch chi dưới: Triệu chứng cảnh báo và phác đồ điều trị
- 19/06/2025 | Hẹp van động mạch phổi có nguy hiểm không? Điều trị bệnh bằng cách nào?
- 23/06/2025 | Xơ vữa động mạch vành là gì? Nguy hiểm ra sao? Phòng bệnh bằng cách nào?
- 30/06/2025 | Cách đọc khí máu động mạch và những lưu ý khi làm xét nghiệm
1. Động mạch và tĩnh mạch là gì?
Hệ thống mạch máu là một hệ thống ống dẫn có nhiệm vụ mang máu từ tim đến các bộ phận trong cơ thể để thực hiện các hoạt động trao đổi chất. Chất dinh dưỡng và oxy có trong máu là những yếu tố vô cùng cần thiết đối với tất cả các tế bào trong cơ thể. Các tế bào sẽ chết nếu không có 2 yếu tố này. Nhờ hoạt động co bóp của tim, những dưỡng chất và oxy sẽ thông qua hệ thống mạch máu để đến các mô và các bộ phận trong cơ thể, từ đó, duy trì các hoạt động sống.
Các loại mạch máu có cấu tạo khác nhau và có chức năng khác nhau
Ngoài nhiệm vụ vận chuyển oxy, mạch máu còn đảm nhiệm chức năng vận chuyển CO2 cùng với một số sản phẩm dư thừa ra khỏi mô. Cụ thể, CO2 sẽ được phổi loại bỏ ra khỏi cơ thể và thận sẽ là cơ quan có nhiệm vụ đào thải những sản phẩm dư thừa.
Có 3 loại mạch máu cơ bản là mao mạch, động mạch và tĩnh mạch. Mỗi loại mạch máu này sẽ có những vai trò riêng. Cụ thể như sau:
- Động mạch: Là các mạch máu có chứa nhiều oxy đi từ tim đến các mô và tế bào trong cơ thể. Động mạch sẽ bao gồm nhiều tiểu động mạch, hay chính là những mạch máu nhỏ – những mạch máu này có thể đưa máu đến những vị trí xa nhất trong cơ thể để nuôi dưỡng tế bào và đảm bảo hoạt động của các tế bào.
Động mạch có nhiệm vụ xử lý áp lực lớn từ dòng máu nhưng không mang theo lượng máu lớn. Cả động mạch cũng như các tiểu động mạch đều rất linh hoạt, có thể giãn ra hoặc co lại để duy trì huyết áp.
- Mao mạch: Là những mạch máu liên kết động mạch và tĩnh mạch có vai trò chính trong việc trao đổi chất với các cơ quan trong cơ thể trước khi về tĩnh mạch. Kích thước của mao mạch thường rất nhỏ và cấu tạo của loại mạch máu này bao gồm lớp tế bào nội mô với những lỗ nhỏ. Mao mạch là nơi dưỡng chất và oxy được trao đổi để lấy CO2, chất thải.
- Tĩnh mạch: Nhiệm vụ của tĩnh mạch là mang máu từ tế bào về tim. Trong đó, những tĩnh mạch gần tim sẽ có kích thước lớn hơn. Những tĩnh mạch nhỏ còn được gọi là các tiểu tĩnh mạch. Tĩnh mạch lớn nhất là tĩnh mạch chủ.
Tuy không mang máu có áp lực lớn như động mạch nhưng tĩnh mạch lại cần phải mang lượng máu lớn đã được khử oxy quay về tim. Thành tĩnh mạch mỏng và tính đàn hồi không cao sẽ giúp tĩnh mạch có thể xử lý được lượng mạch máu lớn với áp suất thấp. Phần lớn các tĩnh mạch đều có van đóng mở để có thể kiểm soát lưu lượng máu, đảm bảo máu được chảy theo một hướng.
2. Một số bệnh lý mạch máu thường gặp
Những bệnh lý về mạch máu đều được đánh giá là nguy hiểm và cần xử trí sớm để tránh những nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là thông tin về một số bệnh lý mạch máu phổ biến:
- Phình động mạch: Những động mạch bị yếu và tổn thương có nguy cơ cao bị phình. Đây là tình trạng có thể xảy ra tại bất cứ vị trí nào trong cơ thể. Động mạch phình và vỡ ra sẽ dẫn đến chảy máu trong. Nếu tình trạng này xảy ra ở các động mạch lớn như động mạch chủ, nguy cơ tử vong là rất lớn.
- Bệnh động mạch vành: Là tình trạng lưu lượng máu đến cơ tim bị hạn chế. Nguyên nhân có thể là do động mạch vành bị thu hẹp khi cholesterol và một số chất tạo thành mảng bám vào thành động mạch. Bệnh có thể gây ra cơn đau tim, làm rối loạn nhịp tim và dẫn đến suy tim.
- Xơ vữa động mạch: Là những mảng bám bên trong động mạch được tạo ra bởi cholesterol, chất béo và một số chất khác. Xơ vữa động mạch có thể gây đau tim và đột quỵ.
- Bệnh động mạch ngoại biên: Là tình trạng tích tụ mảng bám trong động mạch ở cánh tay hoặc chân. Khi gặp phải tình trạng này, máu sẽ khó được vận chuyển đến khu vực bị ảnh hưởng.
- Cục máu đông: Có thể hình thành ở động mạch và tĩnh mạch. Những cục máu đông này có thể ngăn cản dòng máu và dẫn đến tắc động mạch, tắc mạch phổi, đột quỵ.
- Tăng huyết áp: Động mạch bị tác động bởi quá nhiều lực sẽ gây ra tình trạng tăng huyết áp. Nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, động mạch sẽ bị tổn thương và gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng như cơn đau tim và đột quỵ.
- Giãn tĩnh mạch: Là tình trạng tĩnh mạch bị suy yếu do chịu áp lực lâu dài dẫn tới máu tích tụ lại ở tĩnh mạch ngoại vi, gây tình trạng căng giãn tĩnh mạch. Người bệnh có thể quan sát những vị trí bị giãn tĩnh mạch có màu
xanh/tím ở bàn chân, mắt cá chân. Tình trạng này thường không gây biến chứng nghiêm trọng nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong một số trường hợp.
Giãn tĩnh mạch là bệnh lý mạch máu thường gặp
- Hội chứng Raynaud: Ở những bệnh nhân này, động mạch cung cấp máu cho da thường bị hẹp trong điều kiện nhiệt độ quá thấp. Đó là lý do khiến nhiều bệnh nhân gặp phải một số triệu chứng như đổi màu da, có cảm giác đau như kim châm. Một số tác nhân phổ biến gây ra hội chứng này là căng thẳng quá mức hay thời tiết lạnh.
- Viêm mạch máu: Đây là một dạng bệnh tự miễn khiến các mạch máu bị sưng tấy, từ đó làm gián đoạn quá trình lưu thông máu và gây ra những tổn thương các mô và các cơ quan trọng cơ thể.
3. Một số thắc mắc thường gặp
Dưới đây là một số thắc mắc về mạch máu và những lời giải thích tương ứng từ các bác sĩ chuyên khoa:
- Làm thế nào để biết mạch máu khỏe hay có bất thường?
Để kiểm tra tình trạng mạch máu, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như chụp động mạch, chụp CT, chụp MRI, đo điện tâm đồ, siêu âm mạch,...
- Làm thế nào để giữ mạch máu luôn khỏe mạnh?
Để mạch máu khỏe mạnh và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh lý về mạch máu, bạn nên ăn uống khoa học và thường xuyên tập thể dục, loại bỏ thói quen hút thuốc, kiểm soát huyết áp, hạn chế uống rượu, bia,...
- Những ai cần tầm soát các bệnh lý về mạch máu?
Những đối tượng cần lưu ý hơn về vấn đề kiểm tra sức khỏe mạch máu là:
+ Người trên 65 tuổi.
+ Người béo phì.
+ Người ít vận động.
+ Người có chỉ số cholesterol cao.
+ Bệnh nhân tiểu đường.
Người cao tuổi nên tầm soát các bệnh lý về mạch máu
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về mao mạch, động mạch và tĩnh mạch, chức năng của các loại mạch máu này và một số bệnh lý về mạch máu thường gặp. Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch kiểm tra sức khỏe, quý khách vui lòng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn cụ thể hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!