Các tin tức tại MEDlatec
Đột ngột hết ốm nghén - Coi chừng thai lưu, vậy nguyên nhân do đâu?
- 13/07/2019 | Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ khi nào và ở đâu?
- 11/07/2019 | Chữa vô sinh hiếm muộn ở đâu tốt nhất?
Thai lưu - nỗi lòng quặn đau của mẹ mang thai nhiều lần nhưng chưa thành công
Thai lưu, nỗi đau của các chị em mang thai.
Kết hôn 4 năm và vợ chồng đều khát khao một mụn con, nhưng cả hai lần chị Phạm Phương N., 29 tuổi (Q.10, TP.HCM) mang thai đều chưa qua 12 tuần tuổi thì thai nhi đã chết lưu chỉ với một dấu hiệu: đột ngột hết ốm nghén.
Những dòng nhật ký của chị N. khiến người khác nghẹn lòng: “29/5/2013: 2 vạch; 8/6/2013: bức ảnh siêu âm đầu tiên của con; 22/6/2013: con 7 tuần rồi mà không thấy nhịp tim... mẹ đã khóc ở bệnh viện; 1/7/2013: tạm biệt con yêu. 1/4/2014: 2 vạch; 13/4/2014: BS bảo có thể là 2 baby; 22/4/2014: mẹ thấy phập phồng nhịp tim con; 2/5/2014: 10 tuần con của mẹ đáng ra phải to hơn và nghịch ngợm rồi chứ, sao con vẫn nhỏ xíu và yên lặng thế này? Con lưu, mẹ đau quặn lòng”. Bất hạnh nhân đôi, nhân ba
Sau hai lần mất con, chị N. trở nên hoang mang và bị stress nặng. Mỗi lần thấy trẻ con, chị lại khát khao làm mẹ, nhưng nỗi đau mất con vẫn còn ám ảnh, chị sợ lần thứ ba, thứ tư vì chị được bác sĩ (BS) liệt vào nhóm không rõ nguyên nhân.
Chị Trương Thị A. 30 tuổi (ở H.Bình Chánh, TP.HCM) đã ba lần tưởng chạm tay vào hạnh phúc, nhưng cả ba lần chị đều bị thai lưu ở tuần thứ 8-9. Sau hai lần mất con, vợ chồng chị A. cẩn thận làm đủ xét nghiệm. Chị đi siêu âm, chụp tử cung, vòi trứng, xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm yếu tố Rh, nhiễm sắc thể, kháng đông lupus... Chồng chị cũng xét nghiệm tinh dịch đồ, Rh, nhiễm sắc thể… Kết quả đều bình thường, vợ chồng chị tràn đầy hy vọng ở lần mang thai thứ ba vào tháng 5/2015.
Chị kể: “Lần này mình chuẩn bị rất kỹ, đi siêu âm biết có thai là xin nghỉ việc. BS cho mình uống thuốc nội tiết để giữ thai, chỉ số beta HCG tăng rất tốt, có tim thai ở tuần thứ 6 và tuần 7, 8 vẫn bình thường. Đến tuần thứ 9, siêu âm phát hiện song thai cũng là lúc không còn nghe được tim thai. Mình sụp đổ, đau đớn vì không thể giữ con, và càng bất lực hơn khi không biết nguyên nhân vì sao”.
Không chỉ tuổi thai còn nhỏ mới xảy ra tình trạng chết lưu. PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Phó chủ nhiệm bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược, Trưởng khoa Sản bệnh, BV Hùng Vương kể: “Có những trường hợp, tối đo tim thai và siêu âm thai nhi bình thường, đã dặn sản phụ nhịn ăn để sáng hôm sau mổ, vậy mà hôm sau thai đã lưu. Giới chuyên môn gọi đây là tai nạn do dây rốn, là tai biến không thể lường trước được”.
Nguyên nhân thai lưu do đâu?
Nguyên nhân thai lưu do đâu là mối quan tâm của nhiều thai phụ.
Thai lưu là tình trạng thai ngừng phát triển và chết lưu trong tử cung của mẹ. Theo BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, thai lưu có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Trung bình mỗi năm tại BV Hùng Vương có khoảng 150-200 ca thai lưu trên tổng số hơn 40.000 ca sinh sống.
Một số dấu hiệu của thai lưu như: bụng mềm, nhỏ đi, ngực hết căng tức, đột ngột mất ốm nghén, thai không máy (cử động) hoặc thai đạp dữ dội, đau bụng, tiêu chảy, ói nhiều. Thai lưu có thể gây ra biến chứng rối loạn đông máu, dẫn đến nguy cơ băng huyết.
Có rất nhiều nguyên nhân gây thai lưu như:
Bệnh lý của mẹ: tim mạch, thận, suy giáp, cường giáp, béo phì, bất thường tử cung, đái tháo đường hay nhiễm rubella, sốt rét, viêm nhiễm phụ khoa. Đặc biệt, huyết áp cao trong thai kỳ dễ dẫn đến hội chứng tiền sản giật, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho thai nhi.
Phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ tai biến khi mang thai càng cao, kể cả tỷ lệ thai lưu. Bác sĩ sản khoa khuyến khích độ tuổi sinh nở từ 25 đến trước 35 tuổi. Vì sau 35 tuổi thì tỷ lệ thai bất thường, dị tật ở thai nhi cao gấp năm-bảy lần.
Bất thường ở thai nhi: thai lưu do bào thai thông thường thuộc nhóm khó xác định và khó khắc phục như thai có dị tật, yếu, bất thường về nhiễm sắc thể... Không ít trường hợp thai lưu là có vấn đề ngay từ trong quá trình thụ thai như tinh trùng bất thường nên thai bị đào thải sớm, trước 12 tuần.
Bất thường ở phần phụ của thai: đó là bất thường ở dây rốn, suy bánh nhau sớm hay đa ối, thiểu ối, dây rốn xoắn quá mức hay thắt nút…
Ngoài ra, cuộc sống công nghiệp, áp lực công việc, không an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường ô nhiễm cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng thai lưu. Đặc biệt, có khoảng 2-3% thai lưu ở cuối thai kỳ là do tai nạn dây rốn.
BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang kể: “Trong khi nghiên cứu, siêu âm ghi nhận trường hợp thai nhi cầm dây rốn bỏ vô miệng... nhai, hay xoắn dây rốn đột ngột làm thai nhi bị thiếu ôxy và tử vong. Tai nạn này rất bất ngờ và không thể lường trước hay phòng ngừa”. Ngoài ra có khoảng 10% thai lưu chưa rõ nguyên nhân.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!