Các tin tức tại MEDlatec
Giải đáp băn khoăn vòng tránh thai là gì và cơ chế hoạt động ra sao
- 20/01/2021 | Thời điểm tốt nhất để đặt vòng tránh thai sau sinh mổ
- 28/01/2021 | Chuyên gia giải đáp: Đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng gì không?
- 15/05/2020 | Những thông tin chị em cần biết trước khi đặt vòng tránh thai!
1. Vòng tránh thai là gì và có cơ chế hoạt động như thế nào
1.1. Vòng tránh thai là gì
Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ được người ta đặt vào lòng của tử cung để tránh mang thai ngoài ý muốn. Phương pháp này dễ sử dụng, có chi phí thấp và không hề khiến chị em khó chịu mà vẫn cho hiệu quả tránh thai lên đến 98 - 99% nên được rất nhiều người lựa chọn.
1.2. Lý giải về cơ chế hoạt động của vòng tránh thai
Để có tác dụng ngăn cản quá trình thụ thai diễn ra, vòng tránh thai được hoạt động dựa trên cơ chế như sau:
- Nó chiếm một chỗ trong buồng tử cung để ngăn cho trứng đã được thụ tinh không thể có nơi làm tổ. Làm được điều ấy là do nó có khả năng tạo ra một môi trường không thuận lợi cho phôi nang hoặc không cho phôi nang có điều kiện tiếp cận và bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ.
Vòng tránh thai ngăn cản không cho phôi làm tổ trong tử cung
- Những vòng tránh thai có gắn thêm đồng sẽ không cho phôi thai làm tổ ở tử cung bằng cách dùng ion đồng để tác động lên các enzym tham gia vào quá trình đục thủng và xâm nhập vào niêm mạc tử cung của phôi thai. Ngoài ra, các ion đồng còn được giải phóng mỗi ngày để làm thay đổi chất nhầy âm đạo và ngăn sự di chuyển của tinh trùng cho quá trình thụ thai không thể diễn ra.
- Những loại vòng tránh thai có hormone progesterone sẽ khiến cho chất nhầy ở cổ tử cung tăng độ quánh và vì thế tinh trùng khó xâm nhập vào tử cung để thụ thai được.
Vậy, cơ chế hoạt động của vòng tránh thai là gì? Nó sẽ gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung và làm thay đổi cấu trúc sinh hóa tế bào nội mạc từ đó khiến cho trứng và tinh trùng không có điều kiện thuận lợi để xảy ra quá trình thụ thai.
2. Phân loại và những điều cần lưu ý về vòng tránh thai
2.1. Các loại vòng tránh thai đang được dùng hiện nay
Tính đến thời điểm này, các loại vòng tránh thai đang được sử dụng là:
- Vòng tránh thai hình chữ T
Vòng này có diện tích vòng đồng rất rộng nên hiệu quả ngừa thai cao. Thêm vào đó, do vị trí đồng ở cao và số lượng đồng ở cành ngang nên giúp cho đồng phóng ra đến tận đáy tử cung nhờ đó mà đảm bảo tốt cho sự ngừa thai. Vòng còn có thêm ưu điểm nữa là dễ dàng đặt vào và tháo ra.
Bên cạnh những ưu điểm nổi trội thì vòng tránh thai cũng có một số nhược điểm như: có thể có rong huyết trong vài chu kỳ đầu sau đặt, có thể đau lưng hoặc đau thắt do cơn co tử cung,... Những cơn đau như vậy có thể khỏi tự nhiên hoặc dùng thuốc giảm đau hỗ trợ. Ngoài ra, trong thời gian đặt vòng có thể ra nhiều khí hư, có khoảng 2 - 5% trường hợp bị rơi vòng, nếu không được phát hiện thì nguy cơ có thai rất dễ xảy ra.
Vòng tránh thai thường khiến cho phụ nữ bị đau bụng kinh nhiều hơn
- Vòng tránh thai nội tiết
Do có sự phóng thích đều đặn progestin nên hiệu quả tránh thai của vòng nội tiết cũng cao hơn vòng tránh thai thông thường. Không chỉ giúp giảm đau bụng kinh, vòng còn giảm triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường hay đau vùng chậu do lạc nội mạc tử cung gây nên. Cũng vì thế mà loại vòng này còn được sử dụng như một phương pháp để điều trị rong kinh cơ năng có liên quan đến nội tiết hoặc các trường hợp bị rong kinh do u xơ tử cung, bị lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, do chi phí tương đối cao nên đến nay vòng tránh thai nội tiết vẫn chưa được dùng phổ biến.
2.2. Những điều cần lưu ý về vòng tránh thai
- Bất kỳ loại vòng tránh thai nào cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như:
+ Rối loạn kinh nguyệt.
+ Ra khí hư nhiều hơn.
+ Ra máu, đau bụng kinh nhiều hơn.
+ Kỳ kinh dài hơn.
- Vòng tránh thai không ảnh hưởng tới sức khỏe và bất kỳ khi nào muốn sinh con chỉ cần tháo vòng ra là vẫn có thể mang thai bình thường.
- Những trường hợp không nên đặt vòng tránh thai gồm:
+ Người chưa từng mang thai lần nào.
+ Người đang nghi ngờ có thai hoặc đang mang thai.
+ Người đang bị viêm nhiễm phụ khoa, đang điều trị hoặc có khối u ở bộ phận sinh dục, chu kỳ kinh bị rối loạn.
+ Người có tiền sử mang thai ngoài tử cung hoặc sa tử cung.
- Trước khi đặt vòng cần tìm hiểu kỹ tác dụng của vòng tránh thai là gì, tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được phương thức và thời gian đặt vòng tránh thai tốt nhất.
Bác sĩ giải thích cơ chế hoạt động của vòng tránh thai là gì và tư vấn đặt vòng cho khách hàng
- Sau khi đã đặt vòng tránh thai xong cần nằm nghỉ tại chỗ 5 - 10 phút.
- 14 ngày đầu sau khi đặt vòng, để vòng không bị sai vị trí cần tránh quan hệ tình dục, hạn chế đi lại nhiều.
- 1 - 3 tháng sau khi đặt vòng tránh thai cần đi kiểm tra lại xem vòng có lệch vị trí không.
Một số ít trường hợp đặt vòng tránh thai bị viêm phần phụ, tổn thương tử cung,... Vì thế sau khi sử dụng phương pháp này cần phải kiểm tra vòng định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Ngoài ra, nếu bị đau bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục, nghi ngờ vòng tuột, khí hư có mùi khó chịu, rong kinh, nghi ngờ có thai,... thì nên sớm đến gặp bác sĩ.
Qua những thông tin được chia sẻ trên đây hy vọng đã giúp chị em phụ nữ hiểu được vòng tránh thai là gì, cơ chế hoạt động ra sao và cần lưu ý những gì xung quanh phương pháp này. Nếu cần được tư vấn thêm về các phương pháp tránh thai an toàn, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp chi tiết và hoàn toàn miễn phí.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!