Các tin tức tại MEDlatec

Góc tư vấn: viêm mũi dị ứng khác gì viêm mũi thông thường?

Ngày 24/02/2022
Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, song phổ biến hơn ở người lớn với triệu chứng mạn tính, gây khó chịu và phiền toái cho cuộc sống. Nhiều bệnh nhân nhầm lẫn viêm mũi dị ứng với viêm mũi thông thường dẫn đến điều trị sai phương pháp và không đạt được hiệu quả tốt. Trong bài viết này, MEDLATEC sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu viêm mũi dị ứng khác gì viêm mũi thông thường và cách điều trị bệnh lý này.

1. Tìm hiểu thông tin cơ bản về bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là phản ứng quá miễn của hệ miễn dịch xảy ra để đáp ứng với chất dị nguyên gặp phải. Bệnh lý này khá phổ biến ở Việt Nam, được chia thành 2 loại gồm viêm mũi dị ứng có chu kỳ và không có chu kỳ.

Viêm mũi dị ứng do phản ứng quá mức của hệ miễn dịch với dị nguyên

Trong đó, viêm mũi dị ứng theo chu kỳ xảy ra vào những thời điểm cụ thể trong năm, hầu hết là đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng. Những người mắc bệnh mạn tính sẽ khởi phát bệnh mỗi khi đến thời điểm đó, gặp các yếu tố thuận lợi là thời tiết hay dị nguyên.

1.1. Triệu chứng viêm mũi dị ứng

Triệu chứng bệnh sẽ kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, đặc trưng gồm:

  • Cảm giác ngứa mũi, khó chịu, cay ở trong mũi khiến bệnh nhân hắt hơi liên tục.

  • Chảy nhiều dịch mũi trong suốt như nước lã, dịch có thể đặc hơn chứa mủ nếu nhiễm trùng thứ phát.

  • Cay mắt, đỏ mắt, chảy nhiều nước mắt.

  • Bệnh nhân hắt hơi liên tục kèm theo chảy nước mũi, nhất là vào thời điểm sáng sớm khi vừa ngủ dậy hoặc khi ra ngoài thời tiết lạnh.

  • Cảm giác ngứa khó chịu ở vùng hầu họng.

Viêm mũi dị ứng thường theo chu kỳ tại những thời điểm nhất định trong năm

Biểu hiện của viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ cũng tương tự, tuy nhiên bệnh không xuất hiện theo mùa, cũng không phụ thuộc vào thời tiết mà do các dị nguyên khác. Triệu chứng viêm mũi xảy ra đột ngột, ban đầu thường chỉ là dấu hiệu hắt hơi nhẹ, sau nặng dần gây nghẹt mũi kéo dài theo từng cơn.s

Người bệnh viêm mũi dị ứng thường đi khám và điều trị khi đã tiến triển mạn tính do các dấu hiệu cấp tính dễ bị nhầm lẫn với viêm mũi thông thường. Khi đã đến giai đoạn này, dấu hiệu chảy dịch mũi, nghẹt mũi sẽ thường xuyên xảy ra gây ù tai, đau nặng đầu, nhức đầu,… Nhiều trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài còn gây loạn khứu giác, nghẹt mũi khi ngủ, khó thở,…

1.2. Viêm mũi dị ứng có chữa được không?

Nếu điều trị tích cực ngay từ đầu giai đoạn cấp tính, viêm mũi dị ứng không khó điều trị song hầu hết trường hợp mạn tính mới đi khám và điều trị. Dù bệnh không gây nguy hiểm cho tính mạng song triệu chứng liên tục xảy ra gây không ít ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Nhiều bệnh nhân do điều trị không tốt mà phải chung sống với bệnh nhiều năm, kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe như mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, lo lắng, khó chịu, trầm cảm,…

Viêm mũi dị ứng có thể trở thành mạn tính tái phát nhiều năm nếu không điều trị tốt

2. Viêm mũi dị ứng khác gì viêm mũi thông thường?

Triệu chứng ban đầu của viêm mũi dị ứng rất giống với viêm mũi thông thường nên thường không được bệnh nhân lưu ý điều trị. Từ đó bệnh tiến triển nặng và kéo dài hơn, điều trị cũng khó khăn hơn.

Dưới đây là một số đặc điểm để phân biệt sớm viêm mũi dị ứng với viêm mũi thông thường:

2.1. Tiền sử bệnh

Bệnh viêm mũi dị ứng thường gặp hơn với bệnh nhân từng có tiền sử dị ứng, trong khi đó viêm mũi thông thường không do dị ứng. Thay vào đó, bệnh nhân bị viêm mũi thông thường là do nhiễm khuẩn, có thể lây từ những người mắc bệnh xung quanh hoặc do nhiễm khuẩn từ không khí, môi trường ô nhiễm.

2.2. Cơ chế phản ứng bệnh

Viêm mũi dị ứng bản chất là bệnh lý dị ứng, do vậy triệu chứng xuất hiện khi cơ thể phản ứng quá mức với dị nguyên và giải phóng histamin. Các dị nguyên thường gây bệnh bao gồm: phấn hoa, hóa chất, thời tiết, khói bụi, lông vật nuôi,… Do vậy bệnh thường gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm, từng có tiền sử dị ứng.

Cơ chế gây bệnh viêm mũi dị ứng khác với viêm mũi thông thường

Khác với viêm mũi dị ứng, viêm mũi thông thường là do nhiễm khuẩn, tác nhân có thể là virus hoặc vi khuẩn. Ngoài ra còn có trường hợp viêm mũi vận mạch không do vi sinh vật, nguyên nhân là do mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

2.3. Triệu chứng bệnh

Đặc điểm triệu chứng của viêm mũi dị ứng là triệu chứng xuất hiện nhanh, đột ngột và xuất hiện một loạt. Trong đó điển hình là tình trạng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi liên tục gây khó chịu cho người bệnh.

Ngược lại, viêm mũi thông thường thường không gây triệu chứng dồn dập, đột ngột, bệnh nhân hắt hơi ít hoặc chỉ hắt hơi trong thời gian đầu của bệnh. Tình trạng nghẹt mũi thường nặng, dịch nhầy đặc, chứa mủ chứ không loãng và trong như viêm mũi dị ứng.

2.4. Kết quả xét nghiệm

Ngoài dựa trên các đặc điểm trên, cách phân biệt viêm mũi dị ứng với viêm mũi thông thường chính xác là dựa trên xét nghiệm máu. Ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng, lượng tế bào bạch cầu ái toan trong máu sẽ tăng đáng kể, còn viêm mũi thông thường sẽ không gây tăng nên tế bào bạch cầu ái toan trong máu rất ít.

3. Cách chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả

Khi có triệu chứng nghi ngờ viêm mũi dị ứng, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị. Không nên chủ quan tự điều trị tại nhà bằng các thuốc kháng sinh, thuốc giảm triệu chứng nghẹt mũi,… như điều trị viêm mũi thông thường. Cách điều trị này không giúp loại bỏ bệnh triệt để, hơn nữa còn khiến viêm mũi dị ứng kéo dài và dễ tái phát hơn.

Bệnh nhân viêm mũi dị ứng cần cách ly dị nguyên để giảm phản ứng dị ứng, từ đó giảm triệu chứng. Bằng cách tiếp xúc từ từ với dị nguyên nghi ngờ, bạn có thể xác định được chính xác để cách ly hoàn toàn.

Nên tránh xa vật nuôi nếu lông vật nuôi là dị nguyên gây viêm mũi dị ứng

Nếu dị nguyên là lông vật nuôi, không nên nuôi vật nuôi trong nhà và tránh tiếp xúc với chúng ở mức tối đa. Nếu dị nguyên là bụi bẩn, hãy giữ vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ, hút bụi ở không gian nhà ở, nơi làm việc. Chăn ga, gối đệm, nệm, bọc ghế,… là những vật dụng dễ bám bụi và vi khuẩn phát triển gây bệnh, do vậy cũng cần giặt định kỳ để làm sạch.

Ngoài ra, người bị viêm mũi dị ứng cần lưu ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, mũi, mặt khi thời tiết giao mùa chuyển lạnh. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh thức khuya, căng thẳng mệt mỏi quá sức cũng là cách giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Nếu cần tư vấn chi tiết hơn về viêm mũi dị ứng khác gì viêm mũi thông thường cũng như cách xử trí khi mắc phải bệnh, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.