Các tin tức tại MEDlatec
Khô khớp cổ tay: Cách nhận biết sớm và điều trị đúng cách
- 15/03/2020 | Siêu âm khớp cổ tay có thể phát hiện bệnh lý gì?
- 28/06/2021 | Đau khớp cổ tay là triệu chứng của bệnh gì?
- 19/07/2021 | Tràn dịch khớp cổ tay: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- 23/11/2021 | Khô khớp gối: Triệu chứng bệnh lý và chế độ dinh dưỡng cho người bệnh!
- 27/03/2025 | Tìm hiểu về tình trạng khô khớp và một số hướng điều trị
1. Giải phẫu khớp cổ tay và tình trạng khô khớp cổ tay
Cổ tay là một trong những khớp phức tạp nhất của cơ thể, được cấu tạo bởi các thành phần sau:
- 8 xương cổ tay: 8 xương cổ tay nhỏ được chia thành 2 hàng (xương thuyền, nguyệt, tháp, đậu, thang, thê, cả, móc), tạo thành khớp cổ tay chính.
- 2 xương cẳng tay: Bao gồm xương quay và xương trụ, tham gia vào khớp với các xương cổ tay, tạo thành khớp quay - cổ tay.
- Bao hoạt dịch: Bao quanh khớp là bao hoạt dịch chứa dịch khớp, đóng vai trò như chất bôi trơn, giảm ma sát giữa các đầu xương.
- Sụn khớp: Sụn khớp phủ lên các đầu xương, có vai trò hấp thụ lực và giảm chấn động.
Khô khớp cổ tay được hiểu là tình trạng lượng dịch khớp giảm, hoặc chất lượng dịch khớp bị suy giảm, khiến bề mặt khớp không được bôi trơn đầy đủ. Điều này dẫn tới các xương ma sát vào nhau gây đau nhức, kèm theo tiếng kêu lục cục, hạn chế vận động khớp cổ tay. Tình trạng này không phải bệnh lý riêng biệt, mà là biểu hiện của nhiều vấn đề như viêm khớp, thoái hóa khớp, tổn thương cơ học tại khớp,…
Cổ tay là một trong những khớp phức tạp nhất của cơ thể
2. Nguyên nhân gây khô khớp cổ tay
Khớp cổ tay là khớp thường xuyên phải vận động và chịu lực tác động khi gập, xoay hay chống đỡ, nên rất dễ bị tổn thương hoặc thoái hóa, dẫn đến hiện tượng khô khớp. Khô khớp có thể do một hoặc kết hợp nhiều nguyên nhân sau:
- Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới khô khớp. Tuổi tác, vận động quá mức, vận động sai tư thế trong thời gian dài khiến sụn khớp bị bào mòn và giảm sản xuất dịch khớp.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là bệnh lý tự miễn khiến hệ miễn dịch tấn công màng hoạt dịch, thúc đẩy quá trình thoái hoá thứ phát, dẫn đến khô khớp.
- Chấn thương khớp: Các chấn thương trực tiếp (ngã, va đập mạnh), gãy xương cổ tay, bong gân kéo dài,… đều có thể gây tổn thương sụn khớp, bao hoạt dịch và dây chằng cổ tay.
- Thiếu chất dinh dưỡng: Thiếu vitamin D, canxi và omega-3 ảnh hưởng đến sức khỏe sụn khớp, làm dịch khớp giảm dần.
Khô khớp có thể do một hoặc kết hợp nhiều nguyên nhân khác nhau
3. Triệu chứng nhận biết khô khớp cổ tay
Người bị khô khớp cổ tay có thể gặp một số dấu hiệu điển hình sau:
- Cảm giác lạo xạo khớp cổ tay: Đây là dấu hiệu điển hình, người bệnh thường cảm nhận được tiếng “lục cục” khi xoay hoặc gập duỗi cổ tay do khớp bị khô, thiếu chất nhầy, cử động không còn êm ái.
- Đau khớp cổ tay: Cơn đau tại khớp cổ tay có thể âm ỉ hoặc đau nhói, đau tăng khi vận động nhiều, nhất là lúc cầm nắm vật nặng, xoay cổ tay mạnh.
- Cứng khớp: Khô khớp cổ tay khiến người bệnh có cảm giác cổ tay bị cứng, khó cử động sau một đêm ngủ dậy hoặc sau khi nghỉ ngơi lâu, cần xoa bóp hoặc vận động nhẹ một lúc mới có thể hoạt động bình thường.
- Hạn chế vận động: Khô khớp cổ tay lâu ngày khiến khớp vận động kém linh hoạt, người bệnh thấy khó khăn khi xoay cổ tay, mở nắp chai, vặn tay nắm cửa… Lực tay cũng có xu hướng yếu dần do tổn thương sụn khớp và bao hoạt dịch.
- Cảm giác tê hoặc châm chích: Trong một số trường hợp nếu khô khớp kèm theo tình trạng viêm, chèn ép dây thần kinh (hội chứng ống cổ tay), người bệnh có thể cảm thấy tê buốt, châm chích ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa.
Cảm giác lạo xạo khớp cổ tay là dấu hiệu điển hình của bệnh
4. Điều trị khô khớp cổ tay như thế nào?
Việc điều trị khô khớp cổ tay nhằm giảm đau, cải thiện chức năng khớp và ngăn ngừa tổn thương thứ phát. Các phương pháp điều trị khô khớp cổ tay bao gồm:
4.1. Điều trị nội khoa
Tuỳ thuộc vào triệu chứng người bệnh gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:
- Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs): như ibuprofen, diclofenac... giúp giảm đau và viêm trong giai đoạn cấp.
- Thuốc bôi ngoài da chứa menthol hoặc capsaicin: Giúp giảm cảm giác đau nhẹ tại vùng cổ tay.
- Thuốc bổ sung glucosamine, chondroitin sulfate, MSM (methylsulfonylmethane): Hỗ trợ bảo vệ sụn khớp và làm chậm tiến triển thoái hóa.
Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng kéo dài.
4.2. Tiêm nội khớp (khi cần thiết)
Trong trường hợp đau nhiều, không đáp ứng điều trị nội khoa thông thường, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định tiêm nội khớp:
- Tiêm corticosteroid vào khớp cổ tay để giảm viêm.
- Tiêm PRP (huyết tương giàu tiểu cầu) giúp tái tạo sụn và mô khớp.
- Tiêm acid hyaluronic, collagen thuỷ phân.
Phương pháp này chỉ thực hiện tại cơ sở chuyên khoa, với điều kiện vô trùng tuyệt đối để tránh biến chứng nhiễm trùng khớp. Chính vì vậy, người bệnh không tự ý điều trị bằng tiêm nội khớp ở những cơ sở y tế không đảm bảo.
4.3. Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng
Đây là giải pháp giúp cải thiện vận động khớp, phục hồi chức năng sau khi đã ổn định triệu chứng:
- Liệu pháp nhiệt (chườm ấm, paraffin): giúp giãn mạch, tăng lưu thông máu tại vùng khớp.
- Bài tập vận động khớp cổ tay nhẹ nhàng: gập - duỗi - xoay khớp dưới sự hướng dẫn của chuyên viên, giúp kéo giãn cơ và tăng sức mạnh cơ vùng cẳng tay, bàn tay.
- Châm cứu, bấm huyệt: Các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền cũng được ứng dụng hiệu quả trong giảm đau, chống viêm.
Bài tập vận động khớp cổ tay giúp kéo giãn cơ và tăng sức mạnh cơ vùng cẳng tay, bàn tay
4.4. Phẫu thuật
Nếu khớp cổ tay bị thoái hóa nặng, lệch trục hoặc có tổn thương cấu trúc nghiêm trọng không thể phục hồi bằng điều trị nội khoa, phẫu thuật có thể là giải pháp cuối cùng. Các phương pháp thường được cân nhắc gồm: Nội soi khớp cổ tay, tái tạo dây chằng – sụn khớp, phẫu thuật thay khớp,…
4.5. Điều chỉnh lối sống
Điều chỉnh lối sống không chỉ là biện pháp điều trị mà còn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng khô khớp cổ tay. Người bệnh cần:
- Hạn chế các hoạt động lặp lại nhiều lần ở cổ tay như đánh máy liên tục, cầm nắm vật nặng, dùng chuột máy tính sai tư thế trong thời gian dài,…
- Duy trì tư thế đúng khi làm việc, tránh tỳ cổ tay lâu trên bề mặt cứng.
- Sử dụng nẹp cổ tay khi cần thiết, nhất là vào ban đêm hoặc trong lúc làm việc để giúp khớp nghỉ ngơi và tránh tổn thương thêm.
- Tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày, không để cổ tay vận động quá sức hoặc mang vác nặng.
- Bổ sung canxi, vitamin D, omega-3, collagen type II trong chế độ ăn.
- Uống đủ nước để hỗ trợ sản xuất dịch khớp.
- Tránh chấn thương lặp đi lặp lại do lao động sai tư thế.
Khô khớp cổ tay không phải là bệnh hiếm gặp, nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể phục hồi chức năng vận động gần như hoàn toàn. Hãy đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp nếu nghi ngờ mắc các vấn đề xương khớp để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn điều trị phù hợp. Mọi thông tin cần tư vấn và đặt khám, bạn vui lòng liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC theo hotline: 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!