Các tin tức tại MEDlatec
Lạc nội mạc tử cung: nguyên nhân và triệu chứng nhận diện
- 10/08/2024 | Điều trị lạc nội mạc tử cung bằng phương pháp đốt sóng cao tần - bảo tồn tử cung và thiên chức làm mẹ cho phái đẹp
- 07/09/2024 | U lạc nội mạc tử cung: Hướng dẫn chi tiết phương pháp điều trị và phòng ngừa
- 17/09/2024 | Tìm hiểu phương pháp điều trị RFA lạc nội mạc tử cung
1. Như thế nào là lạc nội mạc tử cung?
Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô gần giống niêm mạc trong tử cung hình thành và phát triển ngoài vị trí niêm mạc tử cung - phổ biến nhất là khoang bụng hoặc các cơ quan trong khung chậu. Chúng cũng có thể sưng lên gây chảy máu giống như cách lớp niêm mạc tử cung bong ra vào kỳ kinh hàng tháng.
Sự hình thành lạc nội mạc tử cung
- U nang buồng trứng do ứ máu bên trong buồng trứng.
- Đau bụng nhiều trong những ngày hành kinh.
- Các mô sẹo hình thành và kết dính với nhau tăng nguy cơ vô sinh.
- Gặp vấn đề ở bàng quang và ruột.
Bệnh lạc nội mạc tử cung tiến triển qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: một số mô cấy và mô lót nhỏ ở vùng bụng và chậu, mô sẹo có ít hoặc không có.
- Giai đoạn 2: số lượng mô cấy tăng lên, nằm sâu bên trong mô, đã có thể xuất hiện mô sẹo.
- Giai đoạn 3: mô cấy sâu tăng và xuất hiện u nội mạc tử cung ở vòi trứng, mô sẹo ở buồng trứng.
- Giai đoạn 4: gia tăng mô cấy sâu, có mô sẹo dính vào buồng trứng, tử cung, ruột.
2. Phân loại bệnh lạc nội mạc tử cung
Dựa trên nơi xuất phát của khối u, có thể chia bệnh lạc nội mạc tử cung thành 3 loại:
- Tổn thương ngoài phúc mạc: thường gặp nhất. Người bệnh bị tổn thương màng bụng.
- U nội mạc tử cung: là loại u nang tối màu, chứa chất lỏng bên trong, nằm ở buồng trứng, khiến mô lân cận bị phá hủy.
- Nội mạc tử cung xâm nhập sâu: khối u nằm dưới phúc mạc, gây tổn thương cơ quan gần tử cung.
3. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh lạc nội mạc tử cung
3.1. Nguyên nhân lạc nội mạc tử cung
Hiện nguyên nhân gây bệnh lạc nội mạc tử cung vẫn chưa xác định chính xác nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố sau tác động khiến bệnh hình thành:
Máu kinh trào ngược lên vùng chậu có thể gây lạc nội mạc tử cung
- Trào ngược kinh nguyệt
Khi các tế bào nội mạc tử cung trong máu kinh không chảy ra ngoài mà chảy ngược lên vùng chậu và ống dẫn trứng sẽ khiến cho các tế bào này dính vào thành vùng chậu cùng các cơ quan lân cận. Theo thời gian, chúng ngày càng dày lên và hình thành khối u nội mạc tử cung.
- Tế bào phúc mạc bị biến đổi
Nhiều nhà khoa học cho rằng các yếu tố miễn dịch hoặc hormone làm thúc đẩy tế bào phúc mạc biến đổi thành tế bào nội mạc tử cung.
- Tế bào phôi bị biến đổi
Một số loại hormone, điển hình là estrogen trong quá trình dậy thì có khả năng biến đổi tế bào phôi thai thành tế bào nội mạc tử cung.
- Sẹo hình thành sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể hình thành tế bào nội mạc tử cung ngay trên vết mổ.
- Sự dịch chuyển của tế bào nội mạc tử cung
Dịch của mô hoặc mạch máu có thể khiến cho các tế bào nội mạc tử cung di chuyển đến những vị trí khác của cơ thể, nhất là vòi trứng và vùng chậu.
- Bất thường hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch có sự phát triển bất thường sẽ khiến cơ thể không phát hiện được nên không phá huỷ mô nội mạc tử cung hình thành ngoài tử cung.
Bất cứ phụ nữ nào bước vào độ tuổi sinh sản cũng có thể bị lạc nội mạc tử cung nhưng nguy cơ cao hơn khi ở độ tuổi 30 - 40 và:
- Chưa từng mang thai.
- Kỳ kinh kéo dài > 7 ngày.
- Chu kỳ kinh < 27 ngày.
- Tiền sử gia đình có người thân bị lạc nội mạc cổ tử cung.
- Gặp vấn đề sức khỏe khiến cho dòng chảy của máu kinh ra khỏi cơ thể trong kỳ kinh bị chặn lại.
3.2. Triệu chứng bệnh lạc nội mạc tử cung
Không phải ai cũng có thể phát hiện bệnh lý này vì triệu chứng lạc nội mạc tử cung thường khác nhau ở mỗi người. Có những người chỉ có một vài triệu chứng nhẹ, nhưng cũng có người lại có triệu chứng ở mức trung bình hoặc nặng.
Đau bụng là triệu chứng lạc nội mạc tử cung thường gặp nhất
Thông thường, người bị lạc nội mạc tử cung thường gặp các triệu chứng như:
- Đau: đây là triệu chứng thường gặp nhất nhưng tính chất cơn đau ở mỗi người sẽ có sự khác nhau:
+ Đau bụng kinh: đau có thể tăng dần theo thời gian.
+ Đau mạn tính ở xương chậu và lưng dưới.
+ Đau trong hoặc sau quan hệ tình dục, cơn đau có cảm giác sâu, âm ỉ và kéo dài.
+ Đau ở ruột.
+ Đau trong kỳ kinh khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện. Một số ít trường hợp sẽ xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc phân.
+ Đau chân khiến việc đi lại gặp khó khăn do lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng tới các dây thần kinh kết nối với chân, hông và háng.Tùy từng trường hợp mà người bệnh có thể đi khập khiễng hoặc phải thường xuyên nghỉ ngơi.
- Chảy máu giữa chu kỳ kinh.
- Gặp vấn đề về tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, đầy bụng, nhất là trong những ngày hành kinh.
Hầu hết nữ giới không thể tự phát hiện chính xác bệnh lạc nội mạc tử cung. Vì thế, định kỳ thăm khám phụ khoa 1 năm/lần hoặc 6 tháng/ lần (với người có tiền sử bệnh lý phụ khoa) là cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh lý này. Đây cũng là cách giúp nữ giới chủ động điều trị bệnh từ sớm, ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch khám phụ khoa cùng bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể gọi điện đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cách thức xác nhận lịch hẹn nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!