Các tin tức tại MEDlatec
Mách bạn những bài thuốc xông mũi an toàn và hiệu quả
- 27/08/2022 | Cách xông mũi họng giúp ngăn ngừa các bệnh lý đường hô hấp
- 29/07/2022 | Xông mũi họng như nào để vừa an toàn, vừa hiệu quả?
- 18/10/2022 | Viêm mũi là bệnh gì? Các dạng viêm mũi thường gặp
1. Xông mũi có tác dụng như thế nào đối với bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi niêm mạc mũi của người bệnh bị kích ứng khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Đó có thể là khói thuốc, phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc hay lông động vật,... Triệu chứng điển hình sẽ là sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi,...
Để khắc phục tình trạng này biện pháp được áp dụng khá phổ biến đó chính là xông mũi, đặc biệt là đối với những trường hợp mới chỉ bị viêm mũi dị ứng nhẹ và chưa diễn biến nặng. Các lợi ích khi thực hiện xông mũi đó là giúp khai thông đường thở, làm dịu niêm mạc mũi đang bị viêm, ức chế sự lây lan của phản ứng viêm nhiễm, làm loãng dịch mũi để dễ dàng đẩy chúng ra ngoài.
Xông mũi giúp bệnh nhân giảm thiểu các triệu chứng khó chịu do viêm mũi dị ứng gây ra
2. Danh sách các bài thuốc xông mũi dân gian hiệu quả
2.1. Bài thuốc xông mũi bằng lá trầu không
Lá trầu không có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn rất mạnh mẽ, nhờ đó nên loại thảo dược này rất phù hợp để làm thuốc chữa viêm mũi dị ứng. Bên cạnh tác dụng khai thông đường thở, xông mũi bằng lá trầu không còn giúp giảm thiểu tình trạng kích ứng và sưng viêm niêm mạc mũi. Các bước thực hiện bài thuốc như sau:
-
Trước khi xông hơi bạn hãy rửa sạch mũi bằng nước muối sinh lý;
-
Rửa sạch và vò nát 1 nắm lá trầu không;
-
Cho lá trầu vào nồi nước và đun sôi;
-
Bắc nồi ra, trùm kín đầu bằng khăn và bắt đầu hít thở đều để xông mũi;
-
Mỗi ngày bạn nên thực hiện bài thuốc này 1 lần trong vòng 15 - 20 phút. Duy trì từ 7 - 10 ngày.
2.2. Xông mũi bằng tỏi
Ít ai biết rằng trong tỏi có chứa một loại hoạt chất có tên là Allicin với cơ chế hoạt động như một chất kháng viêm tự nhiên. Allicin hỗ trợ tiêu diệt tác nhân gây bệnh và giúp thông thoáng đường thở. Dưới đây là bài thuốc xông mũi bằng tỏi bạn có thể tự tiến hành tại nhà:
-
Trước khi xông mũi hãy vệ sinh mũi sạch sẽ;
-
Chuẩn bị khoảng 3 - 5 tép tỏi tươi, bóc vỏ sau đó giã dập;
-
Cho tỏi vào nồi nước đun sôi rồi trùm khăn kín đầu, xông mũi;
-
Bạn chỉ nên áp dụng cách này 1 lần/ngày vào buổi tối.
Bài thuốc xông mũi từ tỏi khá hữu ích được nhiều người áp dụng thành công trong điều trị viêm mũi
2.3. Xông mũi với tinh dầu để chữa viêm mũi dị ứng
Các loại tinh dầu như tinh dầu tràm trà, chanh, sả được ứng dụng khá phổ biến trong việc điều trị viêm mũi dị ứng. Chúng giúp xoa dịu niêm mạc mũi, đồng thời cải thiện các biểu hiện khó chịu như nghẹt mũi, sổ mũi. Công thức thực hiện hết sức đơn giản:
-
Sau khi rửa sạch mũi, cho một lượng tinh dầu vừa đủ vào nồi nước đã đun sôi;
-
Trùm kín đầu và hít thở đều để hơi nước chứa tinh dầu có thể len vào trong các xoang mũi;
-
Nên làm theo cách này khoảng 1 - 2 lần/ngày, thực hiện liên tục từ 5 - 7 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
2.4. Lá bạc hà - vị thuốc xông mũi công hiệu
Các hoạt chất và tinh dầu chứa trong lá bạc hà bao gồm menthyl acetat, menthol có rất nhiều tác dụng tốt như kháng viêm, giảm sưng niêm mạc mũi giúp bạn cảm thấy dễ thở và ngủ ngon giấc hơn. Để xông mũi bằng lá bạc hà bạn nên thực hiện theo cách như sau:
-
Rửa sạch 1 nắm lá bạc hà (hoặc có thể thay thế bằng tinh dầu bạc hà);
-
Đem đun sôi lá bạc hà với 1 lít nước;
-
Cách xông tương tự như những nguyên liệu trên là dùng khăn trùm đầu xông khoảng 15 - 20 phút để tinh dầu bạc hà len lỏi vào trong xoang mũi.
3. Dùng thuốc tây để xông mũi
Bên cạnh các phương thuốc xông mũi theo kinh nghiệm dân gian, bạn cũng có thể vận dụng các loại thuốc tây y để đẩy lùi triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Ưu điểm của phương pháp này đó là các thành phần của thuốc có thể thẩm thấu một cách dễ dàng vào niêm mạc của đường hô hấp, nhờ đó các triệu chứng của bệnh sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Tuy nhiên trước tiên bạn cần đi thăm khám để bác sĩ chẩn đoán và lựa chọn phương án điều trị phù hợp. Tuyệt đối không nên sử dụng thuốc mà chưa có chỉ định từ bác sĩ. Có 2 loại thuốc Tây y được dùng phổ biến trong trường hợp này đó là Corticoid (nồng độ Hydrocortison dưới 50mg), hoặc thuốc Ephedrin, Naphazolin 2 - 3ml.
Trước khi xông mũi hãy rửa sạch mũi bằng nước muối sinh lý
Cách xông mũi bằng thuốc Tây:
-
Vệ sinh sạch sẽ và loại bỏ chất nhầy ra khỏi mũi;
-
Đảm bảo lượng thuốc lấy ra để sử dụng cần phải được hòa tan hoàn toàn. Trong trường hợp thuốc được bào chế, đóng gói trong ống hay lọ thì cần dùng ngay;
-
Khi xông hơi bằng máy, bạn cần đặt đầu ống xông hơi ở gần mũi, hít thở từ từ, không thở gấp hay nhịn thở trong quá trình xông.
4. Khi vận dụng các bài thuốc xông mũi cần lưu ý những gì?
Nhìn chung các thuốc xông mũi thường chỉ hỗ trợ điều trị triệu chứng chứ không phải là thuốc chính giúp chữa dứt điểm bệnh viêm mũi dị ứng. Trong khi thực hiện bạn cần ghi nhớ:
-
Giữ khoảng cách vừa phải giữa mặt và mức nước để tránh bị bỏng hoặc kích ứng da;
-
Các bài thuốc xông mũi dân gian hầu hết là chỉ được truyền miệng, không có kiểm nghiệm khoa học nên tốt nhất không áp dụng cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ;
-
Khi đã áp dụng các bài thuốc trên nhưng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí triệu chứng còn nghiêm trọng hơn thì bạn nên đi khám ngay;
-
Có thể kết hợp xông mũi với phác đồ điều trị do bác sĩ tư vấn để đảm bảo bệnh được khắc phục hoàn toàn;
-
Nên tránh xa các tác nhân gây viêm mũi dị ứng, chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường miễn dịch;
-
Bổ sung đủ nước để làm loãng chất nhầy trong mũi, từ đó giúp hạn chế tình trạng nghẹt mũi và sổ mũi.
Khi xông mũi bạn hãy giữ khoảng cách vừa phải giữa mặt và mức nước để tránh bị bỏng hoặc kích ứng da
Các bài thuốc xông mũi nêu trên có cách thực hiện khá đơn giản và lành tính, bạn hoàn toàn có thể làm tại nhà. Tuy nhiên để tình trạng viêm mũi dị ứng được chữa trị dứt điểm thì bạn nên tham khảo tư vấn từ bác sĩ để có liệu trình điều trị phù hợp nhất.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!