Các tin tức tại MEDlatec
Maltodextrin - Phụ gia thực phẩm quen thuộc nhưng không nên lạm dụng
- 27/03/2025 | Thực phẩm hạ men gan và dấu hiệu cảnh báo men gan cao không thể bỏ qua
- 01/04/2025 | Cách tăng estrogen cho nữ từ thực phẩm và những điều chị em cần lưu ý
- 03/04/2025 | Top 4 viên uống thực phẩm chức năng bổ gan của Nhật được tin dùng
- 12/04/2025 | Bật mí 5 loại thực phẩm chức năng hỗ trợ tiểu đường hiệu quả
- 17/04/2025 | Khám phá 8 thực phẩm giúp giết chết tế bào ung thư
1. Maltodextrin là gì?
Maltodextrin được biết đến như một loại phụ gia quen thuộc sử dụng trong chế biến thực phẩm giúp tăng hương vị, kéo dài thời gian sử dụng. Đây thực chất là một loại tinh bột đã trải qua quá trình thủy phân. Dưới tác dụng của nước, enzyme cùng axit, tinh bột lần lượt bị phá vỡ thành mảnh siêu nhỏ. Để tạo vị ngọt, đường sẽ được thêm vào loại tinh bột này.
Maltodextrin là một loại phụ gia từ tinh bột đã qua quá trình thủy phân
Nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất Maltodextrin là bột ngô, bột lúa mì, bột khoai tây,... Mặc dù không có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng Maltodextrin lại tương đối dễ tiêu.
2. Tác dụng chính của Maltodextrin
Dưới đây là phần phân tích những tác dụng chính của tinh bột Maltodextrin:
2.1. Cải thiện thể hình
Vận động viên thể thao cần dùng đến carbohydrate dạng đơn giản để phục hồi năng lượng. Maltodextrin được cho là có thể khiến lượng đường huyết và Insulin tăng, giúp tái tổng hợp Glycogen, cải thiện thể hình hiệu quả hơn.
Maltodextrin có thể giúp vận động viên thể thao cải thiện thể hình
2.2. Giúp điều chỉnh lượng đường huyết
Maltodextrin có khả năng khiến lượng đường huyết trong máu tăng. Đặc điểm này đặc biệt hữu ích với người thường xuyên bị hạ đường huyết. Bên cạnh đó, loại tinh bột này còn giúp ổn định lượng đường ở người bị giảm glucose.
2.3. Hỗ trợ phòng chống ung thư đại tràng
Theo nghiên cứu đăng tải trên website của Thư viện Y khoa Hoa Kỳ, Maltodextrin có khả năng kìm hãm sự phát triển của khối u tại đại trực tràng. Loại carbohydrate này có thể được bổ sung vào chế độ ăn của người bị ung thư đại trực tràng.
2.4. Một số tác dụng khác
Maltodextrin là thành phần có khá nhiều loại thực phẩm, đồ uống. Một số tác dụng chính của loại tinh bột này phải kể đến là:
- Giúp tăng hương vị và độ kết dính của thành phần nguyên liệu.
- Kéo dài thời gian sử dụng, giúp thực phẩm dễ bảo quản hơn.
- Thích hợp thay thế cho đường và chất béo bởi lượng calo thấp.
3. Trường hợp không nên dùng Maltodextrin
Khi tiêu thụ một lượng lớn Maltodextrin, lượng đường huyết trong máu sẽ tăng lên nhanh. Chính vì thế, nếu đang bị tiểu đường kèm tình trạng kháng Insulin hoặc có nguy cơ cao mắc tiểu đường, bạn tốt nhất nên tránh sử dụng loại tinh bột này.
Nếu bị tiểu đường, bạn không nên sử dụng các sản phẩm chứa Maltodextrin
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học PLoS ONE vào năm 2012, Maltodextrin có thể khiến hệ vi sinh vật trong đường ruột mất cân bằng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về đường ruột. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những vi khuẩn gây hại như E.coli có xu hướng phát triển mạnh hơn dưới sự tương tác của Maltodextrin, dễ dẫn đến bệnh lý tự miễn như bệnh Crohn. Do vậy, nếu đang gặp vấn đề về đường tiêu hóa, bạn cũng không nên dùng Maltodextrin.
Với loại phụ gia Maltodextrin sản xuất từ lúa mì, dù được loại bỏ hầu hết Gluten trong quá trình chế biến nhưng nếu bị dị ứng với Gluten, bạn tốt nhất nên tránh sử dụng. Vì chỉ một lượng nhỏ Gluten sót lại cũng có khả năng gây dị ứng.
4. Nguy cơ tiềm ẩn khi lạm dụng Maltodextrin
Bên cạnh tác dụng tăng hương vị và thời hạn sử dụng cho thực phẩm, hỗ trợ phòng ngừa ung thư đại tràng, Maltodextrin vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu chúng ta quá lạm dụng. Cụ thể:
4.1. Tích trữ dạng mỡ thừa
Maltodextrin là một dạng carbohydrate hấp thụ nhanh, dễ khiến lượng đường huyết tăng cao đột ngột. Khi chưa được cơ thể sử dụng ngay, loại carbohydrate này dễ tích trữ dưới dạng mỡ thừa.
4.2. Ngăn chặn quá trình phát triển của lợi khuẩn Probiotics
Maltodextrin có khả năng ngăn chặn sự phát triển của lợi khuẩn như Probiotics, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa.
Nếu lạm dụng Maltodextrin, hệ vi sinh vật đường ruột dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng
Theo một nghiên cứu thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Lerner (Ohio), những polysaccharide như Maltodextrin có thể gây ra tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Cụ thể, chế độ ăn nhiều đường phức hợp của người phương Tây dễ làm tăng nguy cơ mắc viêm ruột mạn tính.
4.3. Chịu tác động từ thực phẩm biến đổi gen
Phần lớn Maltodextrin sản xuất tại Bắc Mỹ đều là từ ngô biến đổi gen. Lâu nay, một số tổ chức nghiên cứu độc lập vẫn lo ngại về ảnh hưởng của thực phẩm biến đổi gen đến sức khỏe. Việc lạm dụng nhóm thực phẩm này được cho là có thể gia tăng nguy cơ tổn thương thận, dị ứng, suy giảm khả năng sinh sản.
4.4. Dễ gây dị ứng, tác dụng phụ
Một nghiên cứu đăng tải trên ResearchGate đã chỉ ra rằng, lạm dụng Maltodextrin là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng khó chịu tại đường tiêu hóa như khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy.
Lạm dụng Maltodextrin có thể khiến cơ thể bị khó tiêu, đầy hơi
Nhìn chung, Maltodextrin vẫn được xem là phụ gia an toàn sử dụng trong ngành thực phẩm. Thế nhưng, đối với một số người, loại phụ gia này dễ làm tăng nguy cơ bị dị ứng, tác dụng phụ không mong muốn.
4.5. Không cung cấp cho cơ thể đủ lượng dinh dưỡng cần thiết
Ngoài carbohydrate thì trong Maltodextrin gần như không có dưỡng chất nổi bật nào khác. Bởi tinh bột qua quá trình tinh chế đã mất đi hầu hết dưỡng chất tự nhiên. Mặc dù giúp tăng lượng đường trong máu nhưng Maltodextrin đôi khi lại ảnh hưởng không tốt đến đường ruột.
Trong ngành chế biến thực phẩm, Maltodextrin chỉ có tác dụng tăng độ kết dính của các thành phần, tạo độ phồng và tăng thời hạn bảo quản. Nếu muốn bổ sung đa dạng dinh dưỡng, bạn nên tìm đến các loại thực phẩm khác thay vì sử dụng Maltodextrin.
4.6. Dễ gây tăng cân
Tuy rằng không chứa nhiều dinh dưỡng nhưng Maltodextrin có thể khiến cơ thể tăng cân. Bởi loại tinh bột này có khả năng cung cấp năng lượng nhanh, gia tăng lượng calo hấp thụ. Do đó nếu muốn giảm cân, bạn không nên tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa Maltodextrin.
Maltodextrin là loại phụ gia quen thuộc dùng trong ngành thực phẩm với tác dụng tăng hương vị, tạo độ kết dính và kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên, loại tinh bột này hầu như không có giá trị dinh dưỡng, có nguy cơ ảnh hưởng đến đường ruột. Nhìn chung nếu không thực sự cần thiết, bạn không nên lạm dụng phụ gia thực phẩm. Để được tư vấn kỹ hơn về chế độ dinh dưỡng, kiểm tra tình hình sức khỏe, bạn hãy duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu cần đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!