Các tin tức tại MEDlatec

Mẹ bị tiểu đường cho con bú có được không - thắc mắc thường gặp

Ngày 08/11/2021
Mẹ bầu bị tiểu đường nghĩa là lượng đường trong máu cao có thể tác động xấu đến sức khỏe, sự phát triển của thai cũng như trẻ sinh ra sau này. Nhiều mẹ bầu thắc mắc khi bị tiểu đường cho con bú có được không? Nếu có thể cho con bú thì chế độ dinh dưỡng như thế nào? Những thắc mắc này sẽ được MEDLATEC giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Mẹ bị tiểu đường có thể ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Phụ nữ mang thai thường có lượng đường trong máu cao hơn bình thường, còn gọi là tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, tiểu đường thai kỳ thường sẽ hết khi mẹ kết thúc thai kỳ, song ở 1 số mẹ vẫn bị tiểu đường sau khi sinh trẻ ra.

Tiểu đường gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ sau sinh

Mẹ bị tiểu đường trong quá trình mang thai có thể gây 1 số ảnh hưởng cho sức khỏe của trẻ trong thai kỳ và sau khi sinh như:

1.1. Trẻ sinh ra to hơn bình thường

Nếu mẹ bị tiểu đường, trẻ sinh ra thường có kích thước lớn hơn những trẻ khác, tình trạng này cũng gặp phải ở các cơ quan nội tạng như tim, gan, tuyến thượng thận,…

1.2. Lượng đường trong máu thấp

Trẻ sinh ra có thể bị hạ đường huyết do mức insulin trong máu cao, có nguy cơ biến chứng nên cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe.

1.3. Nguy cơ dị tật bẩm sinh

Mẹ bị tiểu đường trước và trong khi mang thai thì trẻ sinh ra có có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn.

Kiểm soát tốt đường huyết trong thai kỳ giúp bảo vệ sức khỏe của chính mẹ và thai nhi, giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh và phát triển tốt hơn.

Mẹ bị tiểu đường trẻ sinh ra có nguy cơ dị tật cao hơn

2. Tiểu đường cho con bú có sao không?

Có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện kiểm tra mối liên hệ giữa phụ nữ cho con bú với bệnh tiểu đường type 2. Kết quả cho thấy, phụ nữ cho con bú ít nhất 6 tháng có thể giảm tới 47% nguy cơ mắc tiểu đường type 2 so với mẹ không cho con bú. Nguyên nhân được lý giải là do cơ chế sinh học đặc biệt khiến cơ thể người mẹ sinh ra chất giúp chống lại bệnh tiểu đường type 2.

Ở những mẹ mắc bệnh tiểu đường cho con bú cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để kiểm soát bệnh cũng như sản xuất sữa đủ chất lượng. Mẹ bị tiểu đường nếu kiêng khem, kiểm soát bệnh tốt thì vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ khỏe mạnh bình thường.

Hơn nữa, việc cho con bú còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ, giảm nguy cơ tiểu đường biến chứng nặng và giúp trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất.

Giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ

Mẹ bị tiểu đường trong thai kỳ và trong thời gian cho con bú thì trẻ sinh ra có thể có sức khỏe yếu hơn, nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Song nếu được uống đủ sữa mẹ với nguồn sữa tốt, sức đề kháng của trẻ được củng cố từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh cả hiện tại và tương lai.

Mẹ bị tiểu đường vẫn có thể cho trẻ bú bình thường

Giảm nguy cơ béo phì

Mẹ tiểu đường cho con bú thay vì sử dụng sữa uống công thức giúp trẻ có một sức khỏe tốt, hạn chế nguy cơ bị béo phì.

Giảm nguy cơ mắc ung thư vú ở mẹ

Mẹ tiểu đường cho con bú cũng như các mẹ không bị tiểu đường cho con bú trong ít nhất 6 tháng đầu tiên có nguy cơ bị ung thư vú thấp hơn nhiều so với mẹ không cho con bú hoặc cho con bú trong thời gian ngắn hơn.

Như vậy, mẹ bị tiểu đường vẫn nên cho trẻ bú để nuôi dưỡng trẻ tốt hơn, tuy nhiên cần đi khám, điều trị để kiểm soát bệnh cũng như cung cấp nguồn sữa tốt nhất cho trẻ.

3. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bị tiểu đường đang cho con bú như thế nào?

Mẹ sau sinh bị tiểu đường vẫn cần cho con bú bởi đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng không thể thiếu cho trẻ trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, mẹ cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để đảm bảo sức khỏe cũng như hoạt động tiết sữa cho trẻ bú.

Với mục tiêu trên, chế độ dinh dưỡng cho mẹ bị tiểu đường đang cho con bú cần lưu ý một số vấn đề sau:

3.1. Kiểm soát cân nặng

Không ít gia đình và bản thân mẹ sau sinh có suy nghĩ cần ăn nhiều hơn, đặc biệt là protein, chất béo, tinh bột,… để sản xuất nhiều sữa với chất lượng tốt cho con bú. Song thực tế nên ăn đủ để kiểm soát cân nặng của mình và đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng phù hợp trong sữa.

Mẹ bị tiểu đường nên kiểm soát cân nặng với chế độ dinh dưỡng phù hợp

Đặc biệt những mẹ bị tiểu đường thì càng cần chế độ ăn phù hợp, tránh tăng cân quá mức gây béo phì, tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

3.2. Hạn chế chất bột đường

Chế độ ăn của mẹ cho con bú bị tiểu đường nên hạn chế thực phẩm giàu chất bột đường, vừa giúp kiểm soát cân nặng vừa tránh tăng đường huyết đột ngột. Các thực phẩm có chỉ số GI thấp nên lựa chọn như khoai củ, gạo lứt,… thay thế cho bánh kẹo, nước ngọt, sữa,…

3.3. Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ

Mẹ bị tiểu đường không nên ăn quá nhiều trong 3 bữa ăn chính để tránh gây quá tải, khiến lượng đường trong máu tăng cao đột biến gây nguy hiểm. Thay vào đó là 3 bữa chính ăn vừa đủ cùng các bữa ăn phụ vào buổi sáng và chiều để duy trì đường huyết ổn định.

3.4. Ăn đủ chất đạm

Chất đạm rất quan trọng với sức khỏe của mẹ và cung cấp dinh dưỡng cho trẻ qua sữa mẹ. Mẹ nên ăn đủ chất đạm với lượng khoảng 4 quả trứng/tuần, 200g cá mỗi ngày và 500g rau xanh, quả chín,…

3.5. Ăn lượng chất béo vừa đủ

Trong giai đoạn cho con bú bằng sữa mẹ, các mẹ chỉ nên ăn khoảng 25g chất béo tinh chế mỗi ngày. Ngoài ra, nên ưu tiên các chất béo từ dầu thực vật hoặc mỡ cá, cung cấp chất béo tốt không no như: omega 3, omega 6,…

Mẹ cần uống đủ nước để có sữa cho trẻ bú

3.6. Uống đủ nước

Để cơ thể sản xuất đủ sữa chất lượng tốt cũng như duy trì đường huyết ổn định, mỗi ngày mẹ cần uống khoảng 2,5 lít nước. Ngoài nước cần uống sữa để bổ sung canxi, dinh dưỡng tốt cho việc bài tiết sữa.

Nếu gặp khó khăn trong chăm sóc trẻ và cho con bú, mẹ bị tiểu đường hãy liên hệ với bác sĩ của MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được khám và tư vấn, xây dựng chế độ ăn phù hợp nhất. Việc điều trị có thể là cần thiết để kiểm soát bệnh kể cả trong thời gian cho con bú.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.