Các tin tức tại MEDlatec

Móm răng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Ngày 05/05/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Móm răng (khớp cắn ngược) là sự sai lệch về vị trí của răng hoặc hàm khi cắn lại, không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ gương mặt mà còn khiến cho việc ăn uống gặp nhiều khó khăn, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Thông tin giải đáp chi tiết móm răng là gì và hướng khắc phục sẽ được trình bày ngay sau đây!

1. Móm răng là gì? 

Móm răng là tình trạng răng hàm dưới đưa ra trước so với răng hàm trên. Đây là một dạng sai lệch khớp cắn phổ biến, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt, chức năng ăn nhai và có thể gây ra các vấn đề về răng miệng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây móm răng:

  • Sai lệch xương hàm: Sự mất cân bằng giữa sự phát triển của xương hàm dưới và xương hàm trên gây ra tình trạng móm;
  • Răng mọc lệch lạc: Răng cửa hàm trên mọc chậm hơn hoặc bị thiếu bẩm sinh có thể khiến răng hàm dưới không có điểm chặn và trượt ra trước gây móm;
  • Di truyền: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Nếu trong gia đình có người bị móm, con cái có nguy cơ cao gặp tình trạng tương tự;

Tình trạng móm răng có thể do yếu tố di truyền 

  • Thói quen xấu: Các thói quen từ nhỏ như mút ngón tay, đẩy lưỡi, ngậm núm vú giả kéo dài có thể tác động đến sự phát triển của răng và xương hàm, dẫn đến răng bị móm;
  • Mất răng sớm: Mất răng sữa hoặc răng vĩnh viễn sớm mà không có biện pháp phục hình có thể khiến các răng còn lại di chuyển, gây sai lệch khớp cắn và dẫn đến móm;
  • Khớp thái dương hàm mất ổn định: Sự lỏng lẻo của khớp nối xương hàm dưới và xương sọ khiến hàm dưới bị đẩy ra phía trước;
  • Đặt lưỡi sai vị trí: Thường xuyên đẩy lưỡi vào răng cửa dưới có thể khiến hàm dưới đưa ra trước. 

2. Những tác hại của móm răng

Móm răng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống:

Ảnh hưởng đến chức năng nhai

  • Răng cửa hàm dưới nằm trước răng cửa hàm trên gây khó khăn trong việc cắn và xé thức ăn, đặc biệt là các loại thức ăn dai hoặc cứng;
  • Lực nhai không đều, dồn nhiều vào các răng sau, gây mỏi hàm, đau khớp thái dương hàm, và làm giảm tuổi thọ của răng;
  • Thức ăn không được nhai kỹ có thể gây áp lực lên hệ tiêu hóa, dẫn đến các vấn đề về dạ dày và đường ruột.

Ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt

  • Móm răng làm cho cằm nhô ra trước, môi dưới dày hơn môi trên, tạo đường nét "lưỡi cày" cho khuôn mặt khi nhìn nghiêng, gây mất hài hòa;
  • Sự sai lệch răng và khuôn mặt có thể khiến người bị móm cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp và cười nói;
  • Gương mặt trông già hơn do các đường nét trên gương mặt mất sự mất cân đối.

Móm răng ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ 

Khả năng phát âm bị ảnh hưởng 

Những người gặp phải tình trạng móm răng có thể ảnh hưởng đến khả năng phát âm. Nhiều người bị nói ngọng, nói không rõ chữ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng

  • Răng mọc lệch lạc tạo ra các khe kẽ khó làm sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ, dẫn đến sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu;
  • Sự sai lệch khớp cắn có thể khiến các răng không tiếp xúc đúng cách khi ăn nhai, dẫn đến tình trạng mòn men răng không đều; Kích thước các răng hàm dưới nhỏ hơn so với răng hàm trên.
  • Lực nhai bất thường có thể làm tăng nguy cơ nứt, vỡ hoặc gãy răng.

Khớp thái dương hàm bị ảnh hưởng 

Khớp cắn ngược có thể tác động lên khớp thái dương hàm, dẫn đến đau ở vùng khớp, đau đầu, đau cổ, khó há miệng, dẫn đến các rối loạn chức năng của khớp thái dương hàm.

3. Cách điều trị móm răng an toàn, hiệu quả

Để điều trị móm răng (hay khớp cắn ngược) an toàn và hiệu quả, các bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây móm, mức độ nghiêm trọng của tình trạng và độ tuổi của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị móm răng phổ biến:

Điều trị móm răng ở trẻ em

Đây là giai đoạn vàng để can thiệp điều trị móm răng vì xương hàm còn đang phát triển và dễ dàng điều chỉnh, đặc biệt, trong độ tuổi từ 7 - 15 tuổi là thời điểm răng sữa được thay thế hoàn toàn bằng răng vĩnh viễn. Tùy vào mức độ phức tạp của khớp cắn, thời gian nắn chỉnh có thể kéo dài từ 1 - 2 năm. Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:

Sử dụng khí cụ chỉnh nha tháo lắp

  • Hàm trainer: Dụng cụ bằng silicone mềm, giúp định hướng răng mọc đúng vị trí, điều chỉnh thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi;
  • Mặt nạ kéo ngược: Khí cụ đeo ngoài mặt, tạo lực kéo hàm trên ra trước, thường được chỉ định cho trường hợp móm do xương hàm trên kém phát triển;
  • Khí cụ nong hàm: Mở rộng cung hàm trên để tạo đủ khoảng trống cho răng mọc đúng vị trí.

Chỉnh nha cố định 

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định niềng răng mắc cài sớm để điều chỉnh các răng mọc lệch lạc và khớp cắn.

Điều trị móm răng ở người lớn

Khi xương hàm đã phát triển hoàn chỉnh, việc điều trị móm răng thường phức tạp hơn và có thể bao gồm các phương pháp sau:

  • Chỉnh nha cố định: Đây là phương pháp phổ biến nhất để điều trị móm răng ở người lớn. Thời gian niềng răng thường kéo dài từ 18 tháng đến 3 năm tùy thuộc vào mức độ móm;

Niềng răng là biện pháp được áp dụng nhằm điều trị tình trạng móm răng ở người lớn 

  • Chỉnh nha trong suốt: Sử dụng các khay niềng trong suốt, có thể tháo lắp, để di chuyển răng một cách thẩm mỹ và kín đáo hơn so với mắc cài truyền thống. Phương pháp này phù hợp với những trường hợp móm nhẹ đến trung bình và đòi hỏi sự tuân thủ cao của người bệnh;
  • Phẫu thuật chỉnh nha: Được chỉ định cho các trường hợp móm nặng do sự phát triển bất thường của xương hàm. Phẫu thuật sẽ can thiệp để điều chỉnh kích thước và vị trí của xương hàm trên và/hoặc xương hàm dưới, sau đó kết hợp với niềng răng để hoàn thiện khớp cắn;
  • Kết hợp chỉnh nha và phục hình: Trong một số trường hợp, sau khi niềng răng để đưa các răng về vị trí tương đối, bác sĩ có thể sử dụng các biện pháp phục hình như bọc răng sứ, dán veneer để cải thiện thêm về thẩm mỹ và chức năng.

Trên đây là toàn bộ thông tin bạn đọc nên tham khảo về tình trạng móm răng, từ đó nhận biết sớm và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời để cải thiện thẩm mỹ và đảm bảo sức khỏe răng miệng. Nếu có thêm thắc mắc liên quan cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám chuyên khoa Răng hàm mặt, bạn đọc hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.