Các tin tức tại MEDlatec

Nghe kém: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị tốt nhất

Ngày 21/04/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Nghe kém là tình trạng suy giảm khả năng nghe ở một hoặc cả hai bên tai. Hiện tượng này thường dễ gặp ở người cao tuổi nhưng do sự tác động của bệnh lý, môi trường sống,... nên ngay cả người trẻ tuổi vẫn có khả năng bị nghe kém. Bài viết sau sẽ chia sẻ nguyên nhân và cách chẩn đoán, điều trị nghe kém để bạn tham khảo và biết cách xử trí khi gặp phải.

1. Về khái niệm và phân loại nghe kém

Nghe kém là tình trạng tai mất dần khả năng tiếp nhận hoặc xử lý âm thanh, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc nghe và giao tiếp. Nghe kém có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển dần dần theo thời gian.

Tùy vào mức độ và nguyên nhân, nghe kém có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Một số người bị nghe kém mức độ nhẹ có thể không nhận ra tình trạng của mình cho đến khi khả năng nghe bị giảm sút nghiêm trọng hơn.

Theo phân loại từ thính lực đồ, nghe kém gồm 3 loại:

- Nghe kém dẫn truyền: Do sự cản trở đường truyền âm thanh từ tai ngoài đến tai giữa, thường do ráy tai, viêm tai giữa, thủng màng nhĩ.

- Nghe kém tiếp nhận: Do tổn thương dây thần kinh thính giác hoặc tai trong khiến cho âm thanh không được tiếp nhận ở tai nên não cũng không nhận được thông tin. Dạng nghe kém này không có khả năng khôi phục, dễ gặp ở người lớn tuổi, người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, điếc bẩm sinh.

- Nghe kém hỗn hợp: Tổn thương hỗn hợp xảy ra ở tai giữa và tai trong nên người bệnh giảm sức nghe rõ rệt.

Viêm tai giữa có thể gây suy giảm khả năng nghe

2. Nguyên nhân nào dẫn đến nghe kém?

Tình trạng nghe kém thường xuất phát từ các vấn đề như:

- Tuổi tác

Lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất gây nghe kém. Lão hóa dây thần kinh thính giác theo thời gian khiến khả năng tiếp nhận âm thanh giảm dần.

- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn

Làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn như công trường, nhà máy, hoặc nghe nhạc với âm lượng lớn trong thời gian dài có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho thính giác.

- Tích tụ ráy tai

Ráy tai được sinh ra để vệ tai. Nếu tích tụ quá nhiều, nó có thể cản trở sóng âm và gây nghe kém tạm thời.

- viêm tai giữa

Tổn thương tai do viêm tai giữa mạn tính, viêm mê nhĩ, viêm thần kinh ốc tai, có thể làm giảm khả năng truyền âm thanh từ tai ngoài đến tai trong.

- Tổn thương tai hoặc chấn thương đầu

Các chấn thương vùng đầu như chấn thương sọ não, chấn thương xương thái dương có thể gây tổn thương dây thần kinh thính giác hoặc các cấu trúc bên trong tai, dẫn đến nghe kém.

- Bệnh lý di truyền và bẩm sinh

Một số người sinh ra đã mắc các dị tật về tai hoặc mang gen gây nghe kém bẩm sinh.

- Tác dụng phụ của thuốc

Sử dụng thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid,... có thể gây độc cho tai trong và dẫn đến nghe kém.

- Bệnh lý tim mạch

Các mạch máu nuôi dây thần kinh tai trong bị hẹp hoặc co thắt đột ngột dẫn đến rối loạn chức năng nghe, có thể gây điếc đột ngột.

3. Chẩn đoán bệnh nghe kém bằng cách nào?

Để chẩn đoán bệnh nghe kém, bác sĩ sẽ khai thác thông tin về bệnh sử từ phía người bệnh, kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng tai để xác định nguyên nhân gây giảm thính lực. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thực hiện các biện pháp khác như:

3.1. Kiểm tra thính lực chủ quan

Tùy vào đối tượng và mức độ nghe kém được phán đoán sau thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp kiểm tra phù hợp như:

- Đo thính lực tăng cường hình ảnh: Thường áp dụng với trẻ chậm phát triển hoặc khi có yêu cầu đưa ra trẻ chưa thể có hành động để đáp ứng.

- Đo thính lực bằng giọng nói: Bác sĩ cho người bệnh đeo tai nghe ở trong môi trường phòng kín, với các mức âm lượng khác nhau, người bệnh cần nhắc lại thông tin mà mình đã nghe được trong tai nghe.

- Đo thính lực đơn âm: Người bệnh được đưa vào phòng cách âm, cầm remote và dùng tai nghe. Bác sĩ sẽ bật âm thanh với các tần số khác nhau để phát qua tai nghe và thiết bị gắn sau vành tai, nếu nghe được âm thanh người bệnh cần bấm remote.

Người bệnh đo thính lực chẩn đoán nghe kém cùng bác sĩ chuyên khoa

3.2. Kiểm tra thính lực khách quan

Các biện pháp đo thính lực khách quan sau sẽ được bác sĩ chỉ định:

- Đo nhĩ lượng: Người bệnh được đặt đầu dò bên trong tai sau đó bác sĩ bịt kín ống tai lại. Đầu do này sẽ đo lường chuyển động màng nhĩ khi có sự thay đổi áp suất không khí ở ống tai để chẩn đoán bệnh lý tai giữa.

- Đo phản xạ cơ bàn đạp: Cơ này có tác dụng bảo vệ tai trước sự tác động của âm thanh lớn. Dựa trên phản xạ của cơ bàn đạp trước âm thanh, bác sĩ sẽ có căn cứ loại trừ bệnh thần kinh thính giác hoặc chẩn đoán bệnh xốp xơ tai.

- Đo âm ốc tai: Bác sĩ sẽ đưa loa chuyên dụng và đầu dò gắn micro vào tai bệnh nhân sau đó phát âm thanh. Khi có âm thanh được truyền đến ốc tai, ốc tai sẽ phát ra âm thanh và bác sĩ sẽ căn cứ trên phản ứng phát âm thanh đó để đánh giá khả năng tổn thương ốc tai.

- Đo điện thính giác thân não: Người bệnh sẽ được gắn các điện cực lên đầu để bác sĩ theo dõi phản ứng của sóng não với âm thanh. Từ hình ảnh đo điện thính giác thân não, bác sĩ sẽ có căn cứ để chẩn đoán.

- Đo điện thính giác thân não ổn định: Phương pháp này chủ yếu áp dụng với trẻ nhũ nhi, được thực hiện khi trẻ ngủ để ghi lại đáp ứng của dây thần kinh thính giác đến não. Từ kết quả đo của phương pháp này kết hợp với kết quả đo điện thính giác thân não, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán.

- Các xét nghiệm liên quan bệnh lý nội khoa: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh tuyến giáp hoặc xét nghiệm miễn dịch.

- Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp: CT- Scanner xương thái dương, MRI sọ não.

4. Có thể chữa bệnh nghe kém được không?

Khả năng chữa khỏi bệnh nghe kém phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây nên và mức độ suy giảm thính giác ở người bệnh. Bác sĩ thường cân nhắc các biện pháp như:

- Điều trị bằng thuốc

+ Sử dụng thuốc kháng sinh nếu viêm tai do nhiễm khuẩn.

+ Dùng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau để cải thiện triệu chứng cho người bệnh.

+ Dùng thuốc chống phù nề để giảm áp lực trong tai giữa.

+ Nguyên nhân tim mạch: thuốc giãn mạch, lợi tiểu, oxy cao áp,...

- Lấy ráy tai, loại bỏ dị vật

Nếu nguyên nhân gây nghe kém do tắc nghẽn ống tai, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh tai đúng cách hoặc lấy dị vật ra khỏi tai.

- Dùng máy trợ thính

Với người bị nghe kém vĩnh viễn hoặc không thể điều trị bằng thuốc sẽ cần dùng đến máy trợ thính để cải thiện khả năng nghe.

- Cấy ốc tai điện tử 

Đây là phương pháp áp dụng cho bệnh nhân bị nghe kém nặng, không thể dùng máy trợ thính. Ốc tai điện tử sẽ kích thích thần kinh thính giác đưa tín hiệu âm thanh đến não để nhận diện.

- Phẫu thuật

Nếu nghe kém do dị dạng tai giữa, cholesteatoma tai xương tai bị tổn thương hoặc u bướu, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật để phục hồi chức năng nghe.

Máy trợ thính được sử dụng cho bệnh nhân mất khả năng nghe hoàn toàn

Việc phát hiện sớm tình trạng nghe kém để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị ngay sẽ giúp ngăn chặn suy giảm thính lực nghiêm trọng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Quý khách hàng nếu đang gặp phải tình trạng ù tai kéo dài, bỗng nhiên nghe kém, khó nghe thấy âm thanh trong đám đông hoặc khi xem tivi, đau tai, chóng mặt,... có thể liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cùng bác sĩ Tai mũi họng - Hệ thống Y tế MEDLATEC. Bằng cách này, quý khách sẽ tìm ra nguyên nhân suy giảm khả năng nghe và điều trị kịp thời.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.