Các tin tức tại MEDlatec

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu - tất tần tật thông tin bạn cần biết

Ngày 01/11/2023

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu - tất tần tật thông tin bạn cần biết

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng xảy ra rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải nhưng thường gặp hơn ở phụ nữ. Nếu không được thăm khám và có biện pháp điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thận, sốc nhiễm trùng hay thậm chí là nhiễm trùng huyết,...

1. Tìm hiểu chung về bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu hay nhiễm trùng đường tiểu xảy ra khi một hay nhiều bộ phận thuộc hệ tiết niệu bị viêm nhiễm. Đó có thể là niệu quản, niệu đạo, thận hay bàng quang,... Trong đó, đa phần những trường hợp bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu là thường gặp phải ở niệu đạo và bàng quang.

Vi khuẩn E.coli (tên đầy đủ: Escherichia coli) là nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Chúng xâm nhập vào niệu đạo, sau đó dần dần tấn công lên hệ tiết niệu trong cơ thể người. E.coli thường hoạt động chủ yếu trong đường tiêu hóa. Sở dĩ nó có thể lan sang hệ tiết niệu là do di chuyển ngược từ hậu môn vào niệu đạo.

Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu

2. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Sau đây là những yếu tố khiến nữ giới dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cao hơn so với nam giới:

● Hoạt động tình dục: ở những phụ nữ thường xuyên phát sinh quan hệ tình dục thường sẽ dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu hơn so với những người ít khi quan hệ.

● Cấu tạo cơ thể: nữ giới có cấu tạo niệu đạo, hậu môn và âm đạo nằm ở vị trí ngay gần nhau nên vi khuẩn rất dễ đi từ hậu môn hoặc âm đạo tấn công vào niệu đạo, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

● Những biện pháp tránh thai: các phương pháp tránh thai ở phụ nữ như thuốc diệt tinh trùng, màng chắn tránh thai sẽ tạo điều kiện khiến vi khuẩn sinh sôi ở khu vực vùng kín.

● Giai đoạn sinh nở: những thai phụ sinh mổ có tỷ lệ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cao hơn so với phụ nữ sinh thường.

● Thời kỳ mãn kinh: nồng độ hormone estrogen sụt giảm khi mãn kinh khiến cho môi trường của hệ tiết niệu có nhiều thay đổi, chị em vì thế cũng dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

● Đường tiết niệu có cấu trúc bất thường: nước tiểu do đó bị ứ đọng lại hoặc trào ngược về niệu đạo cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

● Tình trạng tăng sinh tuyến tiền liệt, sỏi thận sẽ khiến một lượng lớn nước tiểu bị giữ lại trong bàng quang khiến người bệnh dễ phát sinh tình trạng nhiễm khuẩn tại đây.

● Đường tiết niệu bị tắc nghẽn:

● Đang phải áp dụng các thủ thuật ở hệ tiết niệu hoặc dùng ống thông tiểu: khi có sự can thiệp của các dụng cụ y tế thì nguy cơ nhiễm trùng ở bộ phận này cũng cao hơn so với người bình thường.

3. Những triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn đường tiết niệu

3.1. Biểu hiện chung

Tùy thuộc vào vị trí bị viêm nhiễm ở hệ tiết niệu là cơ quan nào, triệu chứng nhiễm khuẩn sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nếu vị trí nhiễm trùng ở ở phía dưới thì thường bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng sẽ là niệu đạo và bàng quang, bao gồm những dấu hiệu như sau:

● Cảm thấy nóng rát và buốt khi đi tiểu.

● Nước tiểu có mùi hôi.

● Nước tiểu đục như màu nước trà đặc, thậm chí là có lẫn máu.

● Buồn tiểu, muốn đi tiểu liên tục nhưng khi tiểu lại ra rất ít.

● Ở nữ giới thì bị đau vùng chậu, ở nam giới là đau trực tràng.

3.2. Triệu chứng viêm niệu đạo

Bệnh nhân viêm niệu đạo thường sẽ gặp phải các dấu hiệu đó là:

● Tiểu gấp, khó tiểu, thường xuyên có cảm giác buồn tiểu, sốt hoặc cơ thể ớn lạnh,...

● Ở nữ giới, tình trạng này sẽ gây đau gia tăng khi giao hợp, tiết ra dịch âm đạo bất thường.

● Ở nam giới sẽ bị nóng rát khi đi tiêt, trong nước tiểu có lẫn máu hoặc tinh dịch, nổi hạch ở bẹn.

3.3. Biểu hiện viêm bể thận cấp tính

Triệu chứng viêm bể thận cấp tính thường sẽ diễn ra đột ngột, ví dụ như:

● Mệt mỏi, đau đầu.

● Sốt cao kèm theo rét run.

● Tiểu dắt, tiểu buốt, thậm chí là nước tiểu có mủ.

● Các cơn đau quặn thận, đau vùng hông.

3.4. Triệu chứng viêm bàng quang

Những trường hợp bị viêm bàng quang sẽ bộc lộ các dấu hiệu như:

● Nóng rát khi đi tiểu.

● Thường xuyên buồn tiểu nhưng thể tích nước tiểu ít.

● Sốt nhẹ.

● Đau vùng chậu.

● Nước tiểu có mùi khó chịu và lẫn máu.

4. Làm thế nào để đối phó với nhiễm khuẩn đường tiết niệu?

Dựa trên tình trạng và mức độ viêm nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị sao cho phù hợp. Cụ thể đó là:

4.1. Trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ

Đối với tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhẹ, một số loại thuốc có thể được chỉ định bao gồm:

● Fosfomycin (Monurol).

● Cephalexin (Keflex).

● Sulfamethoxazole/Trimethoprim (Septra, Bactrim,...).

● Nitrofurantoin (Macrobid, Macrodantin).

● Ceftriaxone.

Thuốc kháng sinh dùng để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cần phải do bác sĩ chỉ định

Không khuyến cáo sử dụng các thuốc kháng sinh nhóm fluoroquinolones như levofloxacin, ciprofloxacin,... để điều trị cho những bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhẹ vì các loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Chỉ sử dụng fluoroquinolones đối với những trường hợp nhiễm trùng thận hoặc nhiễm khuẩn phức tạp khi không còn phương án lựa chọn nào khác.

4.2. Đối với nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần

Những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát thường xuyên thì bác sĩ có thể cân nhắc các phương án điều trị như sau:

● Sử dụng kháng sinh liều thấp, dùng trong 6 tháng hoặc thời lượng lâu hơn tùy trường hợp.

● Nếu bệnh nhân đã bước sang thời kỳ mãn kinh thì có thể áp dụng liệu pháp estrogen.

● Nếu nhiễm khuẩn đường tiết niệu bắt nguồn từ quan hệ tình dục thì sau khi quan hệ sẽ cho sử dụng duy nhất 1 liều kháng sinh.

4.3. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng

Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng thì cần phải có phác đồ sử dụng kháng sinh phù hợp, thậm chí có thể kết hợp tiêm kháng sinh tại viện.

Như vậy, mặc dù nhiễm khuẩn đường tiết niệu có nguy cơ tái phát cao nhưng nếu được điều trị đúng cách thì có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh lý này. Tuy nhiên người bệnh cũng không được chủ quan vì nhiễm trùng tiết niệu có thể tiến triển thành các biến chứng phức tạp, nguy hiểm nếu phát hiện muộn.

Trong trường hợp phát hiện bản thân đang xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị an toàn.

Nếu bạn đang có nhu cầu cần được thăm khám tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hãy liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tổng đài viên tư vấn, hướng dẫn đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Tiết niệu ngay qua hotline 1900565656.

BS Thanh Tuấn đã duyệt

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.