Tin tức

Thuốc trị viêm đường tiết niệu và những điều bạn cần biết

Ngày 01/07/2023
Vũ Thị Thu Hương
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn

Thuốc trị viêm đường tiết niệu và những điều bạn cần biết

Viêm đường tiết niệu không phải là bệnh lý hiếm gặp. Đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này nhất đó chính là phụ nữ do cấu trúc niệu đạo và hậu môn của nữ giới ngay gần nhau nên dễ khiến bộ phận này bị nhiễm khuẩn. Các thuốc trị viêm đường tiết niệu chính là giải pháp giúp khắc phục hiệu quả tình trạng này. Bên cạnh việc dùng thuốc người bệnh cũng cần kết hợp thêm các cách khác giúp phòng tránh nguy cơ tái phát viêm đường tiết niệu.

1. Dấu hiệu nhận biết viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu chủ yếu là do vi khuẩn E.coli gây ra. Loại vi khuẩn này thường sinh sống trong đường tiêu hóa của người bệnh, theo phân đi ra ngoài hậu môn. Nếu bệnh nhân vệ sinh không kỹ thì vi khuẩn có thể từ hậu môn lây lan sang niệu đạo và dẫn tới viêm đường tiết niệu.

Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến những cơ quan khác trong hệ tiết niệu, bao gồm cả bàng quang và thận, có thể tiến triển thành nhiễm trùng thận và viêm bàng quang rất nguy hiểm. Một số triệu chứng cảnh báo tình trạng viêm đường tiết niệu đó là:

       Người bệnh đi tiểu rắt, tiểu buốt, cảm giác rất buồn tiểu nhưng khi đi lại ra rất ít nước tiểu. Nặng hơn là trong nước tiểu có thể lẫn máu, mủ, mùi hôi, kèm theo đó là dấu hiệu sốt hoặc gai người;

       Đối với trường hợp bị viêm thận hay viêm bể thận cấp thì triệu chứng sẽ xuất hiện rầm rộ hơn. Bên cạnh những dấu hiệu nêu trên bệnh nhân còn bị đau hông, đau lưng, kèm rét run, sốt cao, lưỡi bẩn, môi khô, hơi thở có mùi. Nghiêm trọng hơn là bị sốc nhiễm khuẩn, huyết áp thấp, mạch nhanh nhỏ,...

Khi bị viêm đường tiết niệu, người bệnh sẽ bị tiểu dắt, tiểu buốt và các triệu chứng khó chịu khác

Bệnh lý này không thể tự khỏi nên khi có các triệu chứng của viêm đường tiết niệu, tốt nhất người bệnh nên đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị. Đa phần những trường hợp bị viêm đường tiết niệu sẽ được chỉ định dùng kháng sinh để cải thiện triệu chứng bệnh.

2. Các loại thuốc trị viêm đường tiết niệu thường được bác sĩ chỉ định

Dựa trên tính chất của bệnh, vị trí nhiễm khuẩn hoặc kết quả kháng sinh đồ khi nuôi cấy nước tiểu hoặc dịch niệu đạo của bệnh nhân mà bệnh nhân sẽ được áp dụng phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh thuốc kháng sinh, bác sĩ có thể sẽ kê thêm một số thuốc hỗ trợ điều trị giảm nhẹ triệu chứng của bệnh. Sau đây là một số loại thuốc kháng sinh trị viêm đường tiết niệu phổ biến:

Thuốc trị viêm đường tiết niệu Fosfomycin

Loại thuốc này có công dụng ức chế các loại vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển. Thường thì những người bị viêm đường tiết niệu dưới mới đang ở giai đoạn nhẹ, chưa có biến chứng sẽ sử dụng thuốc này. Nhược điểm của Fosfomycin đó là nguy cơ kháng thuốc cao và tính sinh khả dụng thuốc. Vì thế bác sĩ sẽ phải kê thêm các loại kháng sinh phối hợp khác như macrolid, beta lactam, tetracyclin,... để gia tăng hiệu quả điều trị.

Thuốc Bactrim

Đây là thuốc kết hợp 2 loại kháng sinh là Sulfamethoxazole và Trimethoprim. Bactrim nằm trong nhóm thuốc kháng sinh kê đơn nên bệnh nhân không được tự ý mua về sử dụng.

Trong quá trình dùng thuốc người bệnh cần lưu ý là phải dùng đủ liều, tránh quên uống thuốc và duy trì sử dụng thuốc theo hết phác đồ ngay cả khi triệu chứng của bệnh đã hết. Bởi vì nếu bỏ ngang có thể khiến bệnh tái phát với các biểu hiện nghiêm trọng hơn, nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc sẽ rất cao. Ngoài ra người bệnh nên uống nhiều nước khi dùng thuốc để tránh hình thành sỏi thận. Vì thuốc có thể kích thích đường tiêu hóa nên người bệnh hãy dùng thuốc trong hoặc sau khi ăn xong.

Thuốc trị viêm đường tiết niệu Nitrofurantoin

Thuốc có khả năng tiêu diệt các chủng vi khuẩn gram âm và gram dương, dùng trong những ca viêm đường tiết niệu cấp tính chưa xuất hiện biến chứng, nữ giới bị viêm bàng quang nhưng không dùng được cho trẻ dưới 6 tuổi.

Dựa trên tính chất của bệnh mà bệnh nhân sẽ được chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp

Thuốc trị viêm đường tiết niệu Cephalexin

Loại thuốc này là một loại kháng sinh bán tổng hợp, thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 1 dùng cho những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, điều trị trong khoảng 7 - 10 ngày. Không nên sử dụng thuốc cho những trường hợp phản ứng quá mẫn với thành phần penicillin, hay trước đây từng dị ứng với nhóm cephalosporin. Một số tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải khi dùng Cephalexin đó là buồn nôn, tiêu chảy. Tình trạng này khá nhẹ và có thể khắc phục được.

Tuy nhiên cũng có trường hợp xuất hiện những phản ứng phụ nghiêm trọng hơn như tăng bạch cầu, viêm gan, chóng mặt, mệt mỏi, viêm đại tràng giả mạc, hội chứng Stevens-Johnson,...

Thuốc Ceftriaxone trị viêm đường tiết niệu

Loại thuốc này chứa kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3, dùng theo dạng tiêm có thể dùng để điều trị những trường hợp bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram âm, điển hình là viêm đường tiết niệu - thận. Thuốc chỉ được dùng cho những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng, chống chỉ định đối với người có tiền sử phản vệ với penicillin hay dị ứng với cephalosporin.

Thuốc kháng sinh Fluoroquinolones

Bởi vì thuốc này có nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như yếu cơ, đau cơ, viêm gân, đứt gân, ảnh hưởng tới thị lực, chức năng hệ tim mạch và thần kinh,... nên nó chỉ được sử dụng khi bệnh nhân bị nhiễm trùng phức tạp và nghiêm trọng tại thận, đồng thời không còn phương án điều trị nào khác khả quan hơn thì bác sĩ mới kê đơn.

Bên cạnh các loại kháng sinh nêu trên, bệnh nhân có thể sẽ cần dùng thêm các thuốc điều trị bổ trợ nư thuốc làm tê bàng quang, thuốc hạ sốt, giảm đau,... để giảm thiểu cảm giác khó chịu mỗi khi đi tiểu. Nếu bệnh nhân thường xuyên bị viêm đường tiết niệu tái phát thì sẽ phải điều trị lâu dài với kháng sinh liều nhẹ, thời gian dùng thuốc từ 6 tháng trở lên.

3. Một số điều cần ghi nhớ trong quá trình điều trị viêm đường tiết niệu

Để đảm bảo hiệu quả khi điều trị viêm đường tiết niệu, người bệnh nên tuân theo những biện pháp sau:

       Dùng thuốc theo đúng phác đồ do bác sĩ đưa ra, không tự ý bỏ thuốc, thay đơn thuốc, quên liều, tăng hay giảm liều lượng,... vì sẽ dễ gây ra biến chứng khó điều trị về sau;

       Bệnh nhân suy thận, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc,... thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc;

       Trong quá trình điều trị bằng thuốc, nếu cơ thể có các triệu chứng lạ cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe thì cần thông báo ngay cho bác sĩ về những vấn đề này;

       Chăm sóc cơ thể đúng cách: ăn uống khoa học, uống nhiều nước (tránh cafein, nước ngọt, nước có gas, bia rượu,...), vệ sinh vùng kín sạch sẽ, cắt giảm các thực phẩm chứa nhiều chất béo và đạm nếu bị suy thận,...

Bệnh nhân dùng thuốc điều trị viêm đường tiết niệu phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Mong rằng những thông tin do MEDLATEC cung cấp trong bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại thuốc trị viêm đường tiết niệu. Nếu bạn đang trải qua những triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu thì hãy đến ngay Chuyên khoa Tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ kiểm tra, thăm khám, điều trị đúng cách và hiệu quả. Quý bạn đọc có thể liên hệ ngay qua hotline 1900565656 để được hỗ trợ chi tiết hơn.

 

 

 

BS Thanh Tuấn đã duyệt

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.