Các tin tức tại MEDlatec

Nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh: nhận diện và cách xử trí

Ngày 17/06/2024
Thai nhi sau khi chào đời sẽ được cắt dây rốn và kẹp lại. Lúc này, rốn của trẻ sơ sinh sẽ trở nên vô cùng nhạy cảm. Tuy rốn có khả năng tự rụng nhưng trước khi rốn tự rơi ra, nếu không được chăm sóc đúng cách thì nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh có nguy cơ xảy ra, đe dọa không nhỏ đến tính mạng của trẻ.

1. Như thế nào là nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh?

Nhiễm trùng rốn là một trong các bệnh lý nhiễm trùng có thể mắc phải trong tháng đầu tiên sau khi trẻ chào đời. Tình trạng này có thể dẫn đến uốn ván rốn - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sơ sinh.

Rốn của trẻ sơ sinh sẽ tự khô và bong ra nhưng nếu trước đó không được chăm sóc đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng

Nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng nhiễm trùng cuống rốn có thể gặp phải trong tháng đầu sau khi trẻ chào đời. Tình trạng này có thể khu trú ở cuống rốn hoặc lan rộng hơn khiến cho vùng rốn của trẻ chảy dịch, có mùi hôi, phù nề, có mủ.

Tác nhân chính gây nên nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh là vi trùng gram âm có trong phân thâm nhập vào rốn, vi khuẩn tụ cầu vàng bên ngoài da tấn công rốn, hoặc vi trùng uốn ván xâm nhập từ các dụng cụ hỗ trợ sinh sản không đảm bảo điều kiện vô trùng.

Do dây rốn là đường di chuyển oxy và chất dinh dưỡng từ bánh nhau của mẹ đến với thai nhi đồng thời nối thẳng với gan của trẻ; nên khi dây rốn bị nhiễm trùng sẽ nhanh chóng đi đến gan, vào trong máu và dẫn đến nhiễm trùng máu, từ đó tăng nguy cơ tử vong cho trẻ. Không những thế, nếu nhiễm trùng rốn xảy ra ở trẻ nhẹ cân sinh non hay trẻ tự sinh ở nhà mà không có hỗ trợ y tế thì rất dễ bị uốn ván rốn.

2. Dấu hiệu nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh và phương pháp điều trị

2.1. Dấu hiệu nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh

Sau khi trẻ chào đời, cuống rốn sẽ được kẹp lại và tự khô dần. Cũng có thể sẽ có tình trạng chảy máu một chút ở cuống rốn, nhất là ở phần chân rốn khi nó chuẩn bị bong ra, đây là hiện tượng rất bình thường. Thời điểm này, cha mẹ cần chăm sóc vệ sinh rốn cho trẻ đúng cách để rốn của trẻ mau lành.

Mô tả về quá trình rụng rốn bình thường ở trẻ sơ sinh

Nếu quá trình rụng rốn của trẻ có các dấu hiệu bất thường sau đây thì nguy cơ nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh rất cao:

- Nóng, sưng nề, đỏ ở phần da bụng xung quanh chân rốn.

- Ấn vào dây rốn thấy mềm.

- Quanh dây rốn có dịch mủ chảy ra.

- Vùng chân rốn có mùi hôi.

- Trẻ bị sốt, khó chịu thường xuyên, quấy khóc.

- Trẻ bú ít, bỏ bú, li bì, lừ đừ.

Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh trên đây cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ Nhi khoa ngay. Nguy cơ tử vong do nhiễm trùng rốn rất cao nên đây là một cấp cứu y tế ở trẻ sơ sinh mà cha mẹ không được chủ quan.

2.2. Điều trị nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh

Đối với trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng rốn, việc điều trị sẽ được bác sĩ Nhi khoa chỉ định dựa trên mức độ nhiễm trùng và các đặc điểm sức khỏe của trẻ. Sau điều trị, cha mẹ sẽ được hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc rốn cho trẻ tại nhà.

Nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh là một cấp cứu y tế, cần được nhập viện ngay

Thông thường, khi thăm khám cho trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng rốn, bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc thấm dịch tiết ở vùng bị nhiễm bệnh rồi gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích, xác định sự hiện diện của vi khuẩn và xác định nguyên nhân nhiễm trùng. Khi kết quả xét nghiệm đã cho biết nhiễm trùng do tác nhân nào thì bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để chọn loại kháng sinh phù hợp để điều trị cho trẻ.

Tuy nhiên, thực tế là ngay khi có chẩn đoán cận lâm sàng về nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh phổ kháng khuẩn phổ biến ngay từ đầu và đơn thuốc sẽ dựa trên mức độ nhiễm trùng.

Nếu nhiễm trùng nhẹ thường sẽ bôi thuốc mỡ kháng sinh vài lần/ ngày ở vùng da quanh dây rốn. Sau khi dùng thuốc nếu thấy lượng mủ bài tiết ít và ngày càng giảm thì chứng tỏ thuốc điều trị nhiễm trùng có hiệu quả.

Trong trường hợp nhiễm trùng rốn ở mức độ nghiêm trọng, trẻ sẽ được chỉ định dùng kháng sinh đường tĩnh mạch tại viện. Thời gian điều trị bằng phác đồ này thường trong khoảng 10 ngày. Nếu theo dõi điều trị cho thấy đáp ứng nhiễm trùng thì trẻ sẽ được xuất viện để điều trị kháng sinh đường uống tại nhà.

Một số ít trường hợp nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh cần được phẫu thuật dẫn lưu và tiêm truyền kháng sinh. Đây là những trường hợp nhiễm trùng lan rộng, mô hoại tử nhiều. Phương pháp phẫu thuật là giải pháp loại bỏ những tế bào chết, nhờ đó mà tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát.

Cha mẹ cần lưu ý rằng, tuy nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh không dễ gặp với trẻ sinh đủ tháng, có điều kiện sức khỏe và điều kiện y tế tốt; nhưng vẫn không nên chủ quan trong quá trình chăm sóc rốn cho trẻ. Trong trường hợp phát hiện trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng rốn thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi khoa ngay để trẻ không bị rơi vào tình huống nguy hiểm. Thăm khám và điều trị kịp thời là cách tăng cơ hội hồi phục cho trẻ bị nhiễm trùng rốn.

Những thông tin được chia sẻ trên đây hy vọng đã giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về nhiễm trùng rốn sơ sinh để kịp thời phát hiện và tìm cách khắc phục an toàn cho trẻ.  Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến hiện tượng này hoặc cần tư vấn các vấn đề về sức khỏe của trẻ, cha mẹ có thể gọi ngay cho tổng đài trực 24/7 của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để có được những giải đáp chính xác và hữu ích.

Từ khoá: trẻ sơ sinh

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.