Các tin tức tại MEDlatec
Những nguyên nhân gây ngứa da đầu và cách điều trị hiệu quả
- 09/12/2020 | Cách trị nấm da đầu tận gốc cực hiệu quả ai cũng công nhận
- 28/05/2021 | Các loại nấm da đầu và những triệu chứng bệnh thường gặp
- 24/05/2021 | Góc giải đáp: Làm thế nào khi bị nấm da đầu?
1. Những nguyên nhân gây ngứa da đầu
Tình trạng ngứa da đầu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như do buộc tóc quá chặt, do dùng dầu gội chưa hợp lý, nhưng cũng có thể do các loại bệnh lý gây ra. Cụ thể như sau:
1.1. Ngứa da đầu do bạn buộc tóc quá chặt
Lý do rất đơn giản nhưng cũng không ít chị em mắc phải sai lầm này. Thói quen buộc tóc quá chặt, tết tóc quá chặt,… trong một thời gian dài sẽ có nguy cơ làm tổn thương những nang tóc, tác động đến những dây thần kinh. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bạn bị ngứa da đầu và kèm theo tình trạng rụng tóc.
1.2. Ngứa da đầu do gàu
Gần như tất cả chúng ta đều từng bị ngứa da đầu do gàu. Loại nấm Melissa thường phát triển tốt trong điều kiện da đầu tiết nhiều dầu kèm theo nhiều bụi bẩn. Đây chính là “thủ phạm” gây ra gàu khiến cho da đầu chúng ta ngứa ngáy, khó chịu. Gàu có thể làm bít tắc lỗ chân lông, giảm mọc tóc. Hơn nữa, thói quen gãi ngứa khi da đầu có gàu cũng sẽ khiến tóc bạn bị rụng nhiều hơn.
Ngứa da đầu do gàu
1.3. Da đầu phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là vào những thời điểm nắng nóng sẽ chính là nguyên nhân khiến da đầu tiết nhiều bã nhờn và tạo điều kiện cho nấm khuẩn phát triển gây ra những cơn ngứa da đầu khó chịu.
1.4. Ngứa da đầu do viêm nang lông
Viêm nang lông xảy ra do vi khuẩn, nấm khiến các nang lông bị nhiễm trùng. Tình trạng viêm nang lông có thể xuất hiện ở khắp các vùng có lông và tóc trên cơ thể, trong đó có da đầu. Không chỉ gây ngứa, viêm nang lông còn có thể gây rụng tóc.
1.5. Da đầu bị ngứa do chấy
Đây là nguyên nhân gây ngứa da đầu rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 11 tuổi. Tình trạng này cũng có thể gặp ở người lớn, nhưng rất ít.
1.6. Ngứa da đầu do các bệnh về da
Không chỉ đơn giản là do thói quen buộc tóc, cách chăm sóc tóc chưa hiệu quả mà tình trạng ngứa da đầu còn có thể do các bệnh lý về da, gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của chúng ta. Một số bệnh lý về da gây ngứa da đầu có thể kể đến là bệnh vảy nến, bệnh mề đay, tình trạng ung thư da,… Trong đó:
Ngứa da đầu do bệnh vẩy nến
Bệnh vảy nến: Trên da đầu của người bệnh xuất hiện những vảy màu trắng khiến họ cảm thấy ngứa nhiều, thậm chí nhức da đầu, đặc biệt là vùng đỉnh đầu và sau gáy, kèm theo đó là tình trạng rụng tóc.
Bệnh nổi mề đay: Căn bệnh này dễ xảy ra vào mùa hè, khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh là tình trạng ngứa ngáy, sưng da, nổi mẩn đỏ,…
Bệnh ung thư da: Đây là nguyên nhân gây ngứa da đầu rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì da đầu có chứa rất nhiều dây thần kinh quan trọng. Nhiều nguyên nhân có thế gây ra tình trạng ung thư da chẳng hạn như tiếp xúc trực tiếp với tia tử ngoại dưới ánh nắng mặt trời, lạm dụng thuốc nhuộm tóc, hoặc cũng có thể là do di truyền.
1.7. Một số bệnh về dây thần kinh
Bệnh tiểu đường: Căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng đến lượng máu nuôi dưỡng da và gây rối loạn quá trình bài tiết mồ hôi ở da, vì thế khiến người bệnh có cảm giác ngứa da đầu.
Bệnh Zona thần kinh: Khiến xuất hiện mụn nước ở nửa thân trên và cả ở phần da đầu khiến người bệnh không chỉ ngứa mà còn đau nhức, rất khó chịu.
2. Hướng dẫn cách phòng ngừa tình trạng ngứa da đầu
Những cơn ngứa da đầu không chỉ khiến bạn khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu nguyên nhân gây ngứa xuất phát từ một số bệnh lý. Để điều trị bệnh ngứa da đầu, các bác sĩ sẽ cần phải tìm nguyên nhân gây ngứa da đầu và điều trị theo nguyên nhân. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng cần có thói quen chăm sóc da đầu thật khoa học và hợp lý để phòng ngừa tình trạng ngứa da đầu. Cụ thể như sau:
Không nên buộc tóc, tết tóc quá chặt. Tốt nhất nên thả lỏng tóc hoặc buộc lỏng tóc để không gây tổn thương cho tóc.
Lựa chọn loại dầu gội phù hợp để giảm ngứa da đầu
Nên cân nhắc lựa chọn loại dầu gội và dầu xả phù hợp với bạn.
Nên gội đầu khoảng 2 đến 3 lần/tuần để đảm bảo da đầu luôn sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu trường hợp bị dính mưa hoặc nắng nóng, lao động cường độ cao khiến da đầu tiết nhiều mồ hôi thì bạn cũng nên gội đầu để làm sạch da đầu.
Nên thường xuyên vệ sinh mũ bảo hiểm.
Không nên lạm dụng thuốc nhuộm tóc, thay đổi màu tóc thường xuyên.
Nên tự mát xa da đầu mỗi ngày bằng cách lấy một ít dầu dưỡng xoa lên lòng bàn tay và bóp nhẹ lên tóc, da đầu. Mục đích là giúp cân bằng độ ẩm cho da đầu và giúp tóc bạn luôn chắc khỏe, hạn chế tình trạng ngứa da đầu.
Nên đội mũ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Nếu bạn phải ra ngoài dưới trời nắng, cần phải dùng mũ để che tóc, hạn chế để da dầu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Nên để tóc khô trước khi đi ngủ. Nếu bạn đi ngủ khi tóc còn ướt sẽ rất dễ mắc phải bệnh nấm da đầu.
Đối với trẻ em, cần phải quan sát xem tình trạng ngứa da đầu của bé có phải do chấy không. Nếu phải, mẹ có thể dùng thuốc trị chấy, chải tóc với lược bí để loại bỏ chấy, hoặc có thể đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn chi tiết hơn.
Nếu da đầu không chỉ ngứa mà còn bị đau nhức, xuất hiện tình trạng có vảy trên da đầu hoặc những cơn ngứa quá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, thì bạn nên đến khám bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.
Khoa Da liễu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã tiếp nhận, thăm khám và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân có tình trạng ngứa da đầu và nhiều bệnh lý về da khác. Tại đây, các bác sĩ không chỉ có chuyên môn cao mà còn rất tâm huyết với người bệnh. Bạn chắc chắn sẽ hài lòng về chất lượng dịch vụ của MEDLATEC, mọi chi tiết vui lòng liên hệ 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!