Các tin tức tại MEDlatec

Nổi mụn nước ở môi bôi thuốc gì và cách phòng ngừa tái phát

Ngày 05/05/2025
Những nốt mụn rộp chứa đầy dịch ở môi không chỉ gây đau rát, ngứa ngáy mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan nếu không được xử lý đúng cách. Để đối phó hiệu quả với tình trạng này, nhiều người thắc mắc nổi mụn nước ở môi bôi thuốc gì là tốt nhất? MEDLATEC sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và các lựa chọn điều trị hiệu quả ngay trong nội dung sau đây.

1. Tình trạng nổi mụn nước ở môi và biểu hiện của bệnh lý

Mụn nước ở môi hay bệnh Herpes môi là hiện tượng lớp da bị phồng lên và có chứa dịch ở bên trong. Những nốt mụn nước này có xu hướng mọc thành từng đám ở trên môi hoặc xung quanh mép môi. Kích thước của các nốt mụn nước thường nhỏ hơn 5mm, có chứa dịch trắng đục, vàng hoặc trong suốt lẫn với máu. Khi bạn có tác động nhẹ vào vùng da này sẽ khiến mụn nước vỡ ra, chất dịch bên trong có thể khiến mụn lây lan sang những vùng da lân cận. 

Trong 2 ngày đầu bị nhiễm virus, các triệu chứng của bệnh lý thường chưa xuất hiện. Sau thời gian này, vùng da ở quanh môi sẽ bắt đầu nổi đỏ, sưng và phồng lên có nước. Bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa, tê, nóng và đau nhức, đặc biệt là khi ăn uống. 

Bên cạnh đó, một số trường hợp sẽ đi kèm với những triệu chứng bất thường như:

  • Bị sốt cao.
  • Đau, viêm họng.
  • Mụn nước còn nổi ở nhiều bộ phận khác như mũi, nước, gò má và cả họng.
  • Bị đau nhức đầu.
  • Có hiện tượng sưng hạch bạch huyết.
  • Bị đau nhức cơ.
  • Trẻ có khi mắc bệnh có thể bị chảy nước miếng không kiểm soát.

Nổi mụn nước ở môi là dấu hiệu lây nhiễm virus Herpes

2. Nguyên nhân gây nổi mụn nước ở môi là gì?

Trước khi trả lời cho câu hỏi nổi mụn nước ở môi bôi thuốc gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, nguyên nhân chính của bệnh lý này là do virus Herpes simplex (HSV) gây nên. Loại virus này thường ký sinh tiềm ẩn ở trong cơ thể và chỉ bộc phát thành triệu chứng khi gặp điều kiện thuận lợi (suy giảm miễn dịch, stress, sốt, tiếp xúc ánh nắng mặt trời,...).

Virus Herpes simplex loại 1 (HSV-1) thường có xu hướng gây ra mụn rộp ở mặt, môi, cằm và mũi. Trong khi đó, virus Herpes simplex loại 2 (HSV-2) thường gây triệu chứng ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, quan hệ tình dục bằng miệng có thể khiến HSV-1 lây xuống bộ phận sinh dục hoặc HSV-2 lây lên vùng miệng hoặc môi.

Virus có thể lây lan nhanh chóng khi có sự tiếp xúc với nước bọt hoặc chất dịch từ mụn nước của người mang bệnh. Những đối tượng có nguy cơ cao bị nổi mụn nước ở môi là những người xăm môi, bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, bị viêm da cơ địa hay bị dị ứng tiếp xúc,...

3. Giải đáp: Nổi mụn nước ở môi bôi thuốc gì?

Các nốt mụn nước ở trên môi thường khiến bệnh nhân cảm thấy đau rát, khó chịu, làm ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động ăn uống. Vì vậy, việc tìm kiếm nổi mụn nước ở môi bôi thuốc gì là quan tâm hàng đầu của nhiều người. Một vài loại thuốc có công dụng giảm đau và làm giảm tình trạng mụn nước trên môi bạn có thể tham khảo như:

  • Kem bôi Acyclovir (thường 1% hoặc 5%): Là thuốc kháng virus phổ biến, giúp ngăn chặn sự phát triển của virus Herpes, rút ngắn thời gian bùng phát, giảm đau và khó chịu. Khi sử dụng kem bôi này, bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác nóng rát nhẹ tại chỗ.
  • Kem bôi Penciclovir (như Denavir): Tương tự như Acyclovir, Penciclovir cũng là thuốc kháng virus, giúp làm lành vết loét nhanh hơn, giảm đau và ngứa. Loại kem bôi này thường được chỉ định cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
  • Kem bôi Docosanol (như Abreva): Hoạt động theo một cơ chế khác, giúp ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào da khỏe mạnh. Kem bôi này cũng giúp giảm thời gian lành thương, giảm ngứa và đau rát hiệu quả.

Nổi mụn nước ở môi bôi thuốc gì: Thuốc điều trị giảm các triệu chứng của bệnh lý

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo thêm một vài loại thuốc khác tương tự như Castellani, Mangiferin 5% hay Znsp Cell II,... Phần lớn các trường hợp nhiễm HSV vẫn cần phải sử dụng kèm thuốc uống, không nên sử dụng thuốc bôi đơn độc. 

Do đó, để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho chính mình, tốt nhất bạn nên tham khảo thêm tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa về việc lựa chọn thuốc phù hợp nhất. 

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị

Sau khi tìm hiểu nổi mụn nước ở môi bôi thuốc gì, tiếp theo bạn cũng cần nắm rõ những lưu ý quan trọng khi điều trị như: 

  • Nên bôi thuốc đúng liều dùng và hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
  • Nên bôi thuốc càng sớm càng tốt ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên (ngứa ran, nóng rát) để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Một vài loại thuốc điều trị có thể khiến bệnh nhân cảm thấy bị khô da, châm chích, bong tróc,... Nếu có những triệu chứng này, bệnh nhân cần sử dụng thuốc giãn cách giữa những lần bôi và bổ sung thêm nhiều nước nhằm giảm tác động phụ của thuốc. 
  • Khi sử dụng, cần cẩn thận không được để thuốc dính đến vùng niêm mạc mỏng vì thuốc có thể khiến da bị kích ứng. 
  • Người đang mang thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp. 

Người bệnh nên bôi thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn và chỉ định từ bác sĩ 

Lưu ý: Trong quá trình điều trị, nếu tình trạng không cải thiện, mụn nước lan rộng, trở nên đau nhiều hơn, có dấu hiệu bội nhiễm (sưng đỏ, mủ) hoặc xuất hiện bất cứ triệu chứng toàn thân nghiêm trọng nào khác, bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có phương án xử lý kịp thời.

5. Nổi mụn nước ở môi nên kiêng ăn gì và các biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát

Để hỗ trợ quá trình điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát, bạn cần lưu ý một số vấn đề khi ăn uống như sau:

5.1. Những loại thực phẩm cần hạn chế

  • Những món ăn cay nóng: Dễ làm tăng cảm giác ngứa, rát,... Đồng thời, chúng cũng tạo điều kiện cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. 
  • Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...: Đây đều là những yếu tố làm suy yếu sức đề kháng và làm tăng nguy cơ lây lan sang các vùng da xung quanh. 
  • Đối với những người có cơ địa dị ứng thì cần hạn chế các loại thực phẩm có nguy cơ gây kích ứng. 
  • Hạn chế các món ăn có chứa nhiều chất béo để phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Các món ăn có nhiều acid (như chanh, cam, quýt, cà chua...) hoặc quá mặn, quá cứng, quá nóng: Có thể làm vết loét thêm đau rát và khó chịu khi ăn uống.

Bệnh nhân cần có chế độ ăn uống, kiêng cữ hợp lý, tránh những món có gia vị mạnh

5.2. Cách phòng ngừa bệnh tái phát

  • Nên có biện pháp bảo vệ môi như sử dụng son dưỡng lành tính, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, kết hợp sử dụng thêm kem chống nắng cho môi.
  • Hạn chế tiếp xúc với những bệnh nhân đang bị nổi mụn nước ở môi. 
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh. 
  • Không sử dụng những món ăn có khả năng kích thích quá trình khởi phát của bệnh lý. 
  • Ăn uống đủ chất, tập luyện thể dục thể thao, ngủ đủ giấc,... để tăng cường sức đề kháng. 

Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có câu trả lời cho thắc mắc nổi mụn nước ở môi bôi thuốc gì. Việc lựa chọn thuốc bôi phù hợp khi bị nổi mụn nước ở môi đóng vai trò quan trọng giúp giảm triệu chứng khó chịu và hỗ trợ quá trình lành thương. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị tối ưu, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Một địa chỉ y tế uy tín bạn có thể lựa chọn thăm khám là chuyên khoa Da liễu thuộc Hệ thống y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài hỗ trợ 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được giải đáp. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.