Các tin tức tại MEDlatec
Phân độ suy thận, mức độ nguy hiểm và cách thức phòng ngừa
- 17/10/2024 | Giai đoạn suy thận và những lưu ý dành cho người bệnh
- 20/10/2024 | Dấu hiệu suy thận giai đoạn cuối là gì? Nên chăm sóc người bệnh ra sao?
- 11/05/2025 | Các chỉ số xét nghiệm suy thận quan trọng bạn cần biết
1. Tổng quan về bệnh suy thận và các yếu tố nguy cơ
suy thận là tình trạng chức năng thận bị suy giảm, làm giảm khả năng lọc máu và duy trì cân bằng nội môi. Bệnh lý này được chia thành 2 loại:
- Suy thận cấp tính: xảy ra đột ngột, có khả năng phục hồi khi được điều trị sớm.
- Suy thận mạn tính: tiến triển chậm, trong thời gian dài, khó phát hiện, là tình trạng tổn thương thận không hồi phục.
Các yếu tố chính làm tăng nguy cơ suy thận là:
- Tăng huyết áp và đái tháo đường.
- Lạm dụng thuốc giảm đau, kháng sinh, nhất là nhóm NSAIDs.
- Viêm cầu thận mạn tính, tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc sỏi thận nặng.
- Lối sống không lành mạnh duy trì trong thời gian dài như ăn mặn, uống ít nước, lạm dụng bia rượu, nghiện hút thuốc lá.
- Tiền sử gia đình đã có người bị bệnh thận.
Phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa và điều trị là giải pháp tốt nhất để làm chậm tiến triển đến các cấp độ suy thận nghiêm trọng.
Hình ảnh minh họa cách phân độ suy thận
2. Phân độ suy thận và các triệu chứng dễ gặp
2.1. 5 cấp độ suy thận
Phân độ suy thận như sau:
2.1.1. Cấp độ 1: Độ lọc cầu thận GFR ≥ 90 ml/phút/1.73m2
Đây là cấp độ nhẹ nhất của bệnh suy thận, chức năng của thận gần như vẫn đang duy trì bình thường, chưa xuất hiện triệu chứng nhưng đã có tổn thương mô thận (như protein niệu, hình ảnh học bất thường).
2.1.2. Cấp độ 2: Độ lọc cầu thận GFR 60 - 89 ml/phút/1.73m2
Ở cấp độ này, thận đã bị tổn thương mức độ nhẹ, GFR giảm nhẹ nhưng thường không có dấu hiệu rõ. Người bệnh cần theo dõi chức năng thận định kỳ 6 - 12 tháng/lần.
2.1.3. Cấp độ 3: Độ lọc cầu thận GFR 30 - 59 ml/phút/1.73m2
Người bị Suy thận cấp độ 3 đã bị giảm chức năng thận ở mức trung bình, xuất hiện triệu chứng phù nhẹ, khó ngủ, mệt mỏi. Phân độ suy thận ở cấp độ 3 lại được chia thành 2 nhóm: 3a (GFR 45 - 59) và 3b (GFR 30 - 44).
2.1.4. Cấp độ 4: Độ lọc cầu thận GFR 15 - 29 ml/phút/1.73m2
Ở cấp độ 4, suy thận đã khiến chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng. Người bệnh thường xuyên trong tình trạng buồn nôn, chán ăn, có biểu hiện của thiếu máu như: da xanh xao, chóng mặt, tê ngứa tay chân, nhức đầu, tăng nhịp tim,... Nếu không được can thiệp y tế ngay sẽ nhanh chóng tiến triển tới suy thận giai đoạn cuối.
2.1.5. Cấp độ 5: Độ lọc cầu thận GFR < 15ml/phút/1.73m2
Theo phân độ suy thận thì đây là giai đoạn cuối của bệnh, chức năng thận đã gần như mất hoàn toàn. Người bệnh sẽ xuất hiện nhiều biến chứng nặng như: Tăng huyết áp khó kiểm soát, rối loạn điện giải, tràn dịch màng ngoài tim,... Để duy trì sự sống, phương pháp điều trị duy nhất là chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
2.2. Triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân suy thận
Ở giai đoạn đầu, suy thận thường diễn tiến âm thầm với các triệu chứng thoáng qua như: mệt mỏi, tiểu đêm nhiều lần, nước tiểu sẫm màu, sưng nhẹ ở bàn chân hoặc mắt cá chân,...
Khi bệnh suy thận bước sang giai đoạn tiến triển, chức năng thận dần suy giảm, triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng:
- Da xanh xao, ngứa ngáy.
- Buồn nôn, nôn, chán ăn.
- Tăng huyết áp không kiểm soát.
- Khó thở, rối loạn giấc ngủ.
- Phù toàn thân.
- Thiếu máu, đau đầu, mất tập trung.
Mô phỏng các triệu chứng dễ gặp phải ở bệnh nhân suy thận tiến triển
3. Suy thận có thể gây nên những biến chứng gì?
Suy thận là bệnh lý diễn tiến âm thầm và dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị ngay. Tùy theo từng phân độ suy thận mà mức độ nguy hiểm của bệnh gây ra với từng bệnh nhân sẽ khác nhau. Càng về sau, mức độ tổn thương thận càng nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng càng cao.
Người bị suy thận nếu không được điều trị sớm có thể chịu nhiều ảnh hưởng về sức khỏe như:
3.1. Ảnh hưởng lên hệ tim mạch
Khi thận không lọc máu hiệu quả, muối và nước tích tụ lại trong cơ thể, làm tăng thể tích máu, người bệnh dễ bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp lại tiếp tục gây tổn thương cầu thận, tạo ra một vòng luẩn quẩn nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân.
Không những thế, Suy thận mạn tính có làm tăng nguy cơ khiến người bệnh tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Trường hợp, bị dư thừa lượng dịch tích tụ tại phổi, người bệnh sẽ suy tim xung huyết, tràn dịch màng phổi hoặc phù phổi cấp đe dọa đến tính mạng.
3.2. Rối loạn chuyển hóa
Thận đóng vai trò điều hòa cân bằng chuyển hóa chất trong cơ thể. Khi suy thận tiến triển, người bệnh có nguy cơ gặp phải các tình trạng rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như rối loạn điện giải, thiếu máu, toan máu, suy dinh dưỡng,...
3.3. Rút ngắn tuổi thọ
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nếu không được điều trị sẽ tử vong do biến chứng tim mạch, toan chuyển hóa nặng hoặc ngừng tim. Ngay cả khi được điều trị, tuổi thọ cũng giảm đáng kể so với người bình thường.
Bệnh nhân suy thận cần được đánh giá đúng cấp độ mắc phải, điều trị sớm để tránh gặp biến chứng
4. Phương pháp phòng ngừa nguy cơ suy thận
Để tránh rơi vào tình huống cần được chẩn đoán, phân độ suy thận, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa yếu tố nguy cơ gây bệnh như:
- Đảm bảo duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với việc bổ sung trái cây tươi và rau xanh, giảm muối trong chế biến thức ăn hàng ngày và uống đủ 2 lít nước/ngày.
- Kiểm soát tốt bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, huyết áp,... bằng cách thực hiện đúng chỉ dẫn điều trị từ bác sĩ.
- Thực hiện lối sống khoa học bằng cách tập thể dục thể thao mỗi ngày, hạn chế dùng bia rượu và thuốc lá, không tự ý dùng một số thuốc kháng sinh (aminoglycosides), thuốc ức chế men chuyển (ACEi) nếu không có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ.
Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về phân độ suy thận và biết cách phòng ngừa, nhận diện sớm bệnh lý này.
Trường hợp xuất hiện các triệu chứng bất thường về tiểu tiện, sưng phù chân tay, tăng huyết áp,... quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán và biết hướng điều trị tốt nhất.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!