Các tin tức tại MEDlatec

Tại sao lại xuất hiện tình trạng nổi gân xanh ở chân?

Ngày 18/12/2020
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Gân xanh ở chân không chỉ khiến cơ thể mất đi vẻ thẩm mỹ mà những đường gân này còn có thể báo hiệu các bệnh lý của mạch máu ở chân. Vậy những đường gân xanh bạn đang gặp phải báo hiệu tình trạng gì, và làm sao để điều trị. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.

1. Tại sao lại xuất hiện tình trạng nổi gân xanh ở chân?

Những đường gân xanh ở chân là những tĩnh mạch, với chức năng vận chuyển máu từ các cơ quan quay trở về tim để tim đẩy máu đi khắp cơ thể, còn được gọi là tĩnh mạch chi dưới. Các đường gân xanh nổi lên là những tĩnh mạch nông nằm dưới da.

Các nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạchnổi gân xanh ở chân

  • Do da nhạt màu: Những đường gân xanh sẽ dễ nhìn thấy hơn đối với những người da trắng. Những người da mỏng hoặc người lớn tuổi cũng hiện rõ các đường gân xanh hơn.

  • Do thiếu cân: Lớp mỡ dưới da quá mỏng do thiếu cân không thể che phủ được các tĩnh mạch nông khiến các đường gân xanh nổi trên da.

  • Do hoạt động mạnh: Những người thường xuyên vận động mạnh, khi hoạt động sẽ thấy rõ những đường gân xanh nổi phồng dưới bề mặt da do lượng máu đến tĩnh mạch tăng lên.

  • Do mang thai: Trong quá trình mang thai, do thể tích máu của người mẹ tăng lên khá nhiều khiến các mạch máu phải hoạt động nhiều hơn, nên có thể khiến các tĩnh mạch nổi trên da. Khi quá trình mang thai kết thúc, các đường gân xanh cũng sẽ dần quay về tráng thái bình thường.

  • Do các bệnh về tĩnh mạch: Nổi gân xanh ở chân có thể là dấu hiệu mắc các bệnh về tĩnh mạch, trong đó phổ biến nhất là suy giãn tĩnh mạch.

Những đường gân xanh nổi ngoằn ngoèo trên chân gây mất thẩm mỹ cho cơ thể

2. Bệnh suy giãn tĩnh mạch và các triệu chứng của bệnh

Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh về tĩnh mạch phổ biến, xảy ra do tình trạng trào ngược máu trong tĩnh mạch, nguyên nhân là do các van tĩnh mạch bị suy yếu hoặc bị hỏng làm máu ứ đọng lại làm tĩnh mạch giãn ra.

Một số nguyên nhân gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch bao gồm yếu tố di truyền, tính chất công việc ít vận động, vấn đề tuổi tác hoặc mắc các bệnh có tác động tới tĩnh mạch như nhiễm trùng, viêm mạch, các khối u hoặc biến chứng tắc mạch sau phẫu thuật.

Người bệnh có triệu chứng gì khi bị suy giãn tĩnh mạch:

Nổi gân xanh ở bắp chân

Bắp chân nổi các đường gân xanh, chạy ngoằn ngoèo là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Đau nhức chân

Khi đứng hoặc không thay đổi tư thế lâu, các cơn đau nhức chân xuất hiện, thường đau hai bắp chân và cơn đau giảm đi khi nghỉ ngơi.

Chân sưng

Mắt cá chân, bàn chân của người bị bệnh tĩnh mạch bị sưng phù ra.

Chuột rút

Người bị giãn tĩnh mạch thường bị chuột rút, hay có cảm giác kiến bò hoặc bị chích ở chân, tê ở bàn chân và bắp chân, khi lắc chân sẽ dễ chịu hơn.

Viêm loét ở chân

Chân có các vết loét trên da báo hiệu tình trạng suy giãn của tĩnh mạch đã chuyển nặng, các vết loét có thể lan rộng, nhiễm trùng và khá phức tạp để điều trị.

Hình ảnh bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chân

Bệnh giãn tĩnh mạch có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị nguy hiểm, bệnh nhân có thể bị viêm tĩnh mạch hoặc tình trạng hình thành huyết khối gây tắc mạch máu. Các huyết khối gây tắc ở các tĩnh mạch nông có thể chỉ gây đau nhức, khó chịu và có thể có loét, nhiễm khuẩn, nhưng các huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây tắc nghẽn động mạch phổi khi có áp lực tác động, có thể gây tử vong.

3. Phương pháp điều trị và cách khắc phục bệnh suy giãn tĩnh mạch

Các phương pháp điều trị bệnh giãn tĩnh mạch bao gồm:

Tiêm chích xơ

Chất xơ hóa được tiêm vào tĩnh mạch gây tổn thương nội mạc của mạch máu, dẫn đến việc hình thành huyết khối trong mạch máu này, khiến máu không thể chảy qua và tĩnh mạch không còn bị sưng.

Phương pháp nhiệt nội tĩnh mạch

Sử dụng sóng radio cao tần để phá hủy các đoạn tĩnh mạch bị suy giãn bằng nhiệt lượng thích hợp.

Điều trị bằng laser trên da

Làm mờ các tĩnh mạch nông suy giãn trên da bằng nhiệt lượng của tia laser.

Điều trị bằng phẫu thuật

Các đoạn tĩnh mạch bị suy giãn được cắt bỏ trực tiếp bằng tiểu phẫu.

Các phương pháp điều trị có thể loại bỏ các tĩnh mạch bị suy giãn, nhưng không thể điều trị tận gốc bệnh giãn tĩnh mạch và bệnh có nguy cơ tái phát sau khi điều trị.

Vớ y khoa rất hiệu quả trong hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch

Cách khắc phục tình trạng nổi gân xanh ở chân

Mang vớ ép y khoa

Vớ co giãn là vật dụng rất hữu ích trong việc hỗ trợ điều trị tại nhà để khắc phục tình trạng nổi gân xanh ở chân. Vớ co giãn giúp chèn ép lại các mạch máu, khiến máu chảy theo đúng chiều của tĩnh mạch và có thể giúp giảm sưng chân.

Ngủ kê cao chân

Ngủ kê cao chân có thể giúp máu lưu thông tốt hơn, vì vậy được áp dụng đối với những người bị sưng phù chân, giãn tĩnh mạch, huyết áp,… Có thể kê chân ở khoeo chân hoặc ở cổ chân, tùy theo tư thế khiến bạn thoải mái khi ngủ.

Tập thể dục thể thao

Các hoạt động thể chất có thể giúp cơ thể linh hoạt hơn, cải thiện sức khỏe, giúp lưu thông máu tốt hơn. Có thể tập luyện các bài tập căng cơ, yoga, đi bộ,… để hỗ trợ điều trị bệnh giãn tĩnh mạch. Người bị bệnh giãn tĩnh mạch chân có thể tập các bài tập chân để giúp máu lưu thông tốt hơn, nhân viên văn phòng có thể tận dụng thời gian tập các bài thể dục ở tư thế ngồi.

Massage chân

Massage chân tuy không không có tác dụng giảm hoàn toàn các triệu chứng của bệnh, nhưng có thể giúp bệnh nhân giảm cảm giác đau đớn và khó chịu.

Thay đổi lối sống

Bệnh suy giãn tĩnh mạch tuy đã được điều trị nhưng vẫn có nguy cơ tái phát. Thay đổi lối sống sẽ hỗ trợ tích cực trong việc điều trị bệnh. Người bệnh không nên mang giày cao gót quá thường xuyên, hạn chế mang quần áo bó chật và thay đổi tư thế để tránh đứng hoặc ngồi trong thời gian quá lâu.

Các bài tập thể dục chân sẽ giúp mạch máu ở chân lưu thông tốt hơn

Nếu cơ thể bạn có hiện tượng nổi gân xanh ở chân và có các triệu chứng bệnh đã đề cập trong bài viết, hãy gọi đến hotline 1900565656 để được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn miễn phí.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.