Các tin tức tại MEDlatec
Tầm soát ung thư trực tràng: Đối tượng thực hiện và những điều cần lưu ý
- 01/09/2022 | Ung thư trực tràng có chữa được không và làm sao để phòng ngừa?
- 01/01/2024 | Điểm danh các dấu hiệu ung thư trực tràng và cách phòng tránh
- 01/04/2024 | Tầm soát ung thư trực tràng để phòng tránh, điều trị bệnh hiệu quả
- 13/05/2025 | Nhận diện triệu chứng ung thư trực tràng giai đoạn đầu và cách điều trị
1. Lợi ích của việc tầm soát ung thư trực tràng
Trực tràng là phần gần cuối của ruột già. Phần lớn các trường hợp ung thư trực tràng là do phát triển từ những khối polyp. Tuy nhiên, một số biện pháp chẩn đoán hiện đại có thể phát hiện sớm những khối polyp này, từ đó loại bỏ chúng kịp thời để giảm nguy cơ ung thư.
tầm soát ung thư trực tràng là phương pháp có thể mang lại những lợi ích cụ thể như sau:
- Dự phòng ung thư trực tràng: Các phương pháp tầm soát ung thư trực tràng có thể phát hiện sớm những khối polyp và phẫu thuật cắt bỏ trước khi chúng tiến triển và trở thành những khối u ác tính.
Một số phương pháp có thể xác định ung thư trực tràng ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng bất thường
- Phát hiện sớm ung thư: Nhiều trường hợp chỉ đi khám bệnh khi xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng. Lúc này, bệnh đã tiến triển nặng và rất khó điều trị. Trong khi đó, tầm soát ung thư trực tràng sớm có thể giúp phát hiện bệnh ngay khi cơ thể người bệnh chưa xuất hiện những biểu hiện bất thường và bệnh vẫn đang ở giai đoạn sớm, chưa gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Hơn nữa, khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, tâm lý người bệnh cũng sẽ thoải mái hơn, tích cực hơn và luôn cố gắng chăm sóc sức khỏe bản thân để nhanh chóng vượt qua bệnh tật.
2. Những đối tượng nên tầm soát ung thư trực tràng
Dưới đây là những trường hợp nên tầm soát ung thư trực tràng sớm hơn với tần suất thường xuyên hơn:
- Những người có tiền sử mắc ung thư đại trực tràng.
- Người có polyp trực tràng.
- Người bị viêm đại tràng mãn tính.
- Trong gia đình có người mắc ung thư trực tràng hoặc có khối polyp trực tràng.
3. Những phương pháp tầm soát ung thư trực tràng
Có nhiều phương pháp được sử dụng để chẩn đoán sớm ung thư trực tràng và có thể chia thành 2 nhóm chính là tầm soát bằng hình ảnh và tầm soát bằng xét nghiệm phân. Dưới đây là một số phương pháp tầm soát cụ thể:
3.1. Nội soi đại tràng - trực tràng
Đây là phương pháp giúp các bác sĩ có thể quan sát toàn bộ bề mặt bên trong của đại tràng và trực tràng. Từ đó, bác sĩ sẽ xác định sớm được những tổn thương, xác định rõ được tính chất, vị trí và kích thước của bề mặt tổn thương.
Nội soi đại tràng - trực tràng giúp phát hiện vị trí và mức độ tổn thương
Nếu cần thiết, bác sĩ có thể thực hiện cắt bỏ những tổn thương nghi ngờ ung thư hoặc lấy mẫu bệnh phẩm ngay trong quá trình nội soi để thực hiện sinh thiết, xác định bản chất tổn thương tại đại tràng là ác tính hay lành tính. Để quá trình nội soi được đảm bảo và thuận lợi, người bệnh cần được làm sạch ruột trước khi nội soi theo hướng dẫn của nhân viên y tế..
3.2. Chụp cắt lớp vi tính
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng tia X và máy tính để tạo ra kết quả hình ảnh trực tràng. Nếu kết quả từ chụp CT cho thấy bất thường, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân nội soi để có thể quan sát rõ tổn thương.
3.3. Xét nghiệm máu ẩn trong phân (gFOBT)
Là phương pháp dùng một loại giấy chỉ thị màu và các loại hóa chất để phát hiện máu trong phân. Nếu có lẫn máu trong phân, giấy chỉ thị sẽ chuyển màu. Lưu ý, những loại thuốc sắt và một số loại thực phẩm như trái cây chua, bông cải hay thịt đỏ,... có thể làm sai lệch kết quả của xét nghiệm này. Do đó, bạn không nên ăn những loại thực phẩm này từ 3 đến 7 ngày trước khi thực hiện xét nghiệm.
3.4. Xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân (FIT)
Đây là loại xét nghiệm giúp phát hiện hemoglobin protein. Tuy nhiên, kết quả có thể không chính xác trong những trường hợp ung thư trực tràng không gây chảy máu hoặc trực tràng không bị xuất huyết vào thời điểm xét nghiệm. Hơn nữa, kết quả xét nghiệm cũng có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác về đường tiêu hóa cũng có thể gây chảy máu như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,… Vì thế, người bệnh cần được thực hiện xét nghiệm này định kỳ và có thể kết hợp với nội soi đại tràng nếu có những dấu hiệu bất thường.
4. Lưu ý
Trước khi tầm soát ung thư trực tràng, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trước khi đi khám, người bệnh không nên uống bia, rượu hay dùng các loại chất kích thích khác.
Bạn không nên uống bia rượu trước ngày nội soi đại trực tràng
- Những trường hợp được chỉ định nội soi cần nhịn ăn trước 8 tiếng, nhịn uống trước 2 tiếng và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Đặc biệt, người bệnh cần cung cấp thông tin cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng và tiền sử bệnh cá nhân. Những yếu tố này rất quan trọng để bác sĩ có những chỉ định phù hợp cho người bệnh, giúp chẩn đoán chính xác bệnh mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.
Bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp tầm soát ung thư trực tràng cùng với một số lưu ý khi thực hiện. Hiện nay, Hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong những đơn vị y tế uy tín trong việc thăm khám, tầm soát, chẩn đoán các loại bệnh ung thư, bao gồm ung thư trực tràng. MEDLATEC được trang bị các loại máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao và đặc biệt là đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm giúp người bệnh phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe để kịp thời khắc phục, cải thiện chất lượng sống.
Để được đặt lịch khám sớm tại MEDLATEC, quý khách vui lòng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56, các tổng đài viên luôn sẵn sàng tư vấn trực tiếp và chi tiết cho bạn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!