Các tin tức tại MEDlatec

Táo bón ở bà bầu: nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả

Ngày 03/06/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Trong thai kỳ, cơ thể mẹ có nhiều biến đổi bên cạnh kích thước bụng và thai đang dần phát triển lớn lên, trong đó có chứng rối loạn tiêu hóa và táo bón. Nhiều thai phụ còn chưa quan tâm đến tình trạng táo bón, khiến bệnh kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và thậm chí là sự phát triển của bé. Cần hiểu rõ tình trạng táo bón ở bà bầu để khắc phục đúng cách, hiệu quả.

1. Tại sao bà bầu thường bị táo bón?

Táo bón ở bà bầu do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là chế độ dinh dưỡng và sự thay đổi hormone trong cơ thể trong thai kỳ.

Táo bón ở bà bầu rất thường gặp

Cụ thể, những nguyên nhân dẫn đến táo bónbà bầu bao gồm:

1.1. Tăng hormone Progesterone

Hormone này trong thai kỳ được cơ thể mẹ tiết ra để sử dụng nhiều hơn, nó cũng đồng thời khiến cơ bắp thư giãn, hoạt động co bóp của ruột kém đi. Vì thế, ruột di chuyển chậm khiến tiêu hóa chậm hơn, sự hấp thu nước vẫn xảy ra khiến táo bón thường xuất hiện.

1.2. Chèn ép dây thần kinh và tĩnh mạch vùng chậu

Sự phát triển của thai nhi ngày càng lớn là nguyên nhân chèn ép lên các dây thần kinh và tĩnh mạch vùng chậu. Không gian đường tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng, vì thế mà khả năng tiêu hóa, thức ăn di chuyển trong ruột cũng chậm hơn.

1.3. Mất nước

Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, tình trạng nôn nghén thường xảy ra. Ở những mẹ bị nôn nghén nặng dễ bị mất nước gây ra chứng táo bón.

1.4. Lười vận động

Càng vào cuối thai kỳ, khi kích thước bụng lớn và nặng, việc di chuyển trở nên khó khăn hơn. Vì thế mà nhiều mẹ bầu cũng lười di chuyển hơn, đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến chứng táo bón.

1.5. Bệnh tiểu đường thai kỳ, nhược giáp

Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ hoặc nhược giáp cũng thường bị táo bón.

Táo bón ở bà bầu có liên quan đến vấn đề ăn uống

1.6. Thói quen tiểu tiện không lành mạnh

Nhiều thai phụ có thói quen nhịn đi vệ sinh, khi cơn buồn qua đi cũng không đi vệ sinh sau đó trong thời gian dài. Vì thế mẹ dễ bị táo bón.

1.7. Ăn uống quá nhiều

Thai phụ thường cần ăn uống nhiều hơn để đảm bảo dinh dưỡng nuôi cả mẹ lẫn bé, song việc này có thể khiến cơ thể không kịp hấp thu và tiêu hóa. Thức ăn đọng lại là nguyên nhân dẫn đến táo bón.

1.8. Nạp nhiều canxi và sắt

Canxi và sắt là hai dưỡng chất quan trọng với sự phát triển của thai nhi, vì thế thường mẹ bầu cũng bổ sung nhiều hơn trong thai kỳ. Việc nạp quá nhiều hai nguyên tố vi lượng này cũng sẽ dẫn đến chứng táo bón.

2. Làm gì để khắc phục chứng táo bón ở bà bầu?

Chứng táo bón ở mẹ bầu nếu khắc phục tốt bằng các biện pháp đơn giản tại nhà sau sẽ không còn là mối đe dọa đến sức khỏe của mẹ và bé.

2.1. Ăn nhiều chất xơ hơn

Chế độ ăn uống chứa lượng chất xơ cao sẽ giúp mẹ bầu giảm tình trạng táo bón bởi chất xơ giúp cơ thể hấp thu nước nhiều hơn, phân được làm mềm và tốc độ chuyển hóa, thải bỏ các chất thải cũng diễn ra nhanh hơn.

Nguồn thực phẩm chứa lượng lớn chất xơ tốt cho mẹ bầu bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, bánh quy giòn, rau củ, trái cây sấy khô,… Lượng chất xơ mà cơ thể mẹ cần tiêu thụ mỗi ngày cần đạt từ 25 - 30g, song việc định lượng chính xác là khá khó khăn.

Mẹ bầu nên ăn nhiều chất xơ để ngăn ngừa táo bón

Hãy theo dõi bản thân đã nạp đủ lượng chất xơ cần thiết chưa bằng cách quan sát chất phân thải ra có đều đặn, lớn và mềm hay không.

2.2. Tăng cường bổ sung lợi khuẩn

Đường ruột của con người là một hệ vi sinh vật phong phú, sự cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn giúp đường ruột khỏe mạnh, làm việc hiệu quả hơn. Tăng cường bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa là cần thiết, đặc biệt với bà bầu. Trong đó, vi khuẩn acidophilus trong sữa chua có tác dụng kích thích lợi khuẩn đường ruột phân giải thức ăn tốt hơn, hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả hơn.

Hãy tạo thói quen ăn sữa chua hàng ngày để cải thiện các vấn đề tiêu hóa và táo bón ở bà bầu.

2.3. Uống nhiều nước

Lười uống nước là tình trạng của rất nhiều người, trong đó có nhiều bà bầu và nó ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Mẹ bầu bị táo bón nên bổ sung chất lỏng hàng ngày nhiều hơn, uống nước đều đặn ít nhất 1,8 - 2l mỗi ngày.

Bên cạnh đó, tăng cường bổ sung chất xơ cần đi kèm với tăng cường bổ sung nước, nếu không chính lượng chất xơ lớn là nguyên nhân dẫn đến táo bón.

Uống nhiều nước giúp đường ruột hoạt động tốt hơn

2.4. Hạn chế thực phẩm dễ gây táo bón

Nếu mẹ bầu đã đang bị táo bón, hãy hạn chế những thực phẩm thúc đẩy tình trạng này trong chế độ ăn bao gồm: cơm trắng, chuối, thức ăn nướng đã qua tinh chế, ngũ cốc,…

2.5. Kiểm tra loại thuốc bổ sung đang dùng

Mẹ bầu có đang dùng những loại thuốc, viên uống bổ sung nào trong thai kỳ? Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón. Hãy trao đổi với bác sĩ về nguy cơ này để được tư vấn loại thuốc bổ sung phù hợp hơn để giải quyết tình trạng táo bón.

2.6. Lưu ý khi điều trị bằng thuốc

Thuốc và thực phẩm chức năng bổ sung trong thai kỳ có thể gây ra tác dụng phụ là tình trạng táo bón, nhất là thuốc nhuận tràng, thuốc bổ sung Magie. Vì thế, hãy trao đổi kỹ với bác sĩ về thuốc sử dụng cũng như nguy cơ táo bón để được tư vấn.

3. Táo bón ở bà bầu có nguy hiểm không?

Nhìn chung, táo bón khá thường gặp và thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của mẹ cũng như bé. Tuy nhiên, vấn đề tiêu hóa này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của mẹ, làm tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non, suy dinh dưỡng,… nên cần điều trị khắc phục sớm.

Không nên chủ quan với chứng táo bón ở bà bầu

Nếu táo bón đi kèm với tình trạng nứt kẽ hậu môn, đại tiện ra máu, đau bụng, buồn nôn, giảm thèm ăn,… mẹ bầu nên sớm tới bác sĩ để khám và điều trị. Tình trạng này có thể gây rủi ro cho sức khỏe của mẹ và bé nên không nên chủ quan.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.