Các tin tức tại MEDlatec
Tất tần tật mọi điều cần biết trước khi đi lấy cao răng
- 11/09/2021 | Cách điều trị tụt nướu hiệu quả và cách chăm sóc răng miệng
- 14/08/2021 | Phương pháp điều trị tình trạng đau do viêm tủy răng
- 03/08/2021 | Mách bạn những cách giảm ê buốt răng hiệu quả tại nhà
1. Vì sao nên lấy cao răng
1.1. Cao răng là gì, hình thành như thế nào
Cao răng hay còn gọi là vôi răng là các mảng bám tích tụ và bị vôi hóa từ các hợp chất muối vô cơ có ở nước bọt và cặn mềm lâu ngày trở nên khô, cứng, bám rất chắc ở dưới mép lợi hoặc bề mặt của răng. Nói một cách dễ hiểu tức là sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ có một lớp màng mỏng bám lại phía trên bề mặt răng, nếu nó không được làm sạch thì vi khuẩn sẽ kéo đến và ngày càng dày lên tạo thành mảng bám, lâu dần, các mảng bám này tích tụ lại, vôi hóa và tạo ra cao răng.
1.2. Lý do nên lấy cao răng
Sở dĩ nên lấy cao răng là bởi:
- Vi khuẩn tích tụ lâu ngày ở đây sinh ra độc tố và gây viêm. Hậu quả của phản ứng viêm chính là hiện tượng tiêu xương răng khiến cho lợi mất chỗ bám và răng càng ngày càng dài ra, để lộ vùng xương răng không được bảo vệ. Chính vì điều ấy mà xảy ra hiện tượng ê buốt chân răng.
Mảng bám tích tụ lâu ngày hình thành cao răng là môi trường hoạt động của vi khuẩn
- Xương răng càng bị tiêu nhiều thì độ dài chân răng nằm bên trong xương càng ngắn lại khiến cho răng dễ dàng bị lung lay và quá trình tiêu xương vì thế trở nên nhanh hơn.
- Cao răng tồn tại lâu ngày có thể gây nên các bệnh lý răng miệng như viêm lợi, nha chu, viêm tủy ngược dòng. Không những thế, vi khuẩn có trong mảng cao răng cũng chính là nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng, bệnh mũi họng và bệnh tim mạch.
2. Lợi ích mang lại và đối tượng nên/không nên thực hiện lấy cao răng
2.1. Những lợi ích thu được từ việc lấy cao răng định kỳ
Lấy cao răng là việc nên làm bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích:
- Sớm phát hiện bệnh lý răng miệng để kịp thời xử trí
Trước khi làm sạch và lấy cao răng, nha sĩ có thể chỉ định cho bạn chụp X-quang để kiểm tra chân răng, răng và xương hàm để đánh giá tình trạng nhiễm trùng, cấu trúc của xương hàm, khối u quanh cuống,...
- Phòng tránh sâu răng và bệnh về răng nướu
Lấy cao răng tức là loại bỏ được mảng bám trên răng. Mảng bám này nếu tích tụ lâu ngày rất dễ gây ra sâu răng. Sở dĩ nói như vậy là vì vi khuẩn có trong nó sẽ tạo ra axit ăn mòn men răng và chính là tác nhân gây ra sâu răng.
Mặt khác, sự tích tụ mảng bám lâu ngày còn tạo điều kiện cho vi khuẩn lây nhiễm sang nướu và phía dưới đường viền nướu. Nếu được làm sạch mảng bám này định kỳ thì nguy cơ nhiễm trùng và mắc bệnh ở nướu răng sẽ được loại bỏ.
- Ngừa hôi miệng
Mảng bám lâu ngày trên răng chính là nguy cơ tiềm ẩn gây ra hôi miệng bởi chúng là nơi tích tụ vi khuẩn có mùi. Khi lấy cao răng tức là bạn sẽ được vệ sinh răng miệng sạch sẽ nhờ đó mà vi khuẩn gây mùi cũng sẽ được loại bỏ.
Lấy cao răng giúp răng trở nên trắng, sạch, ngăn ngừa được bệnh viêm nhiễm răng lợi
- Cải thiện sức khỏe
Như đã nói ở trên, vi khuẩn tồn tại lâu ngày trên mảng bám ở răng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như bệnh tim, bệnh hầu họng, bệnh đường hô hấp dưới, bệnh nhiễm trùng nướu,... Vì thế, khi cao răng được loại bỏ tức là nguy cơ này cũng sẽ mất đi. Cụ thể như: bệnh nướu răng khiến cho vi khuẩn lây qua đường máu và gây viêm nội tâm mạc; bệnh viêm phổi hoặc viêm phế quản là do vi khuẩn trong miệng tấn công vào phổi;...
2.2. Ai nên lấy cao răng
Về cơ bản thì hầu hết tất cả mọi người đều nên lấy cao răng, nhất là các trường hợp sau:
- Người chưa đến kỳ lấy cao răng nhưng đã có cao răng.
- Người có nhiều vết dính ở trên hoặc phía dưới nướu và người có nhiều cao răng.
- Người bị viêm nha chu, viêm nướu do cao răng.
- Thai phụ có cao răng nên lấy cao răng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh răng miệng có liên quan đến thai kỳ như u nướu do thai nghén.
- Người có cao răng được chỉ định trám răng, nhổ răng, tẩy trắng răng,...
- Bệnh nhân xạ trị, phẫu thuật cần được vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi điều trị.
2.3. Ai không nên lấy cao răng
Mặc dù những lợi ích của việc lấy cao răng là không thể phủ nhận nhưng các trường hợp sau được khuyến cáo không nên lấy cao răng:
Người đang bị viêm nha chu không nên lấy cao răng
- Người đang bị viêm nha chu cấp, viêm nướu hay viêm nướu hoại tử cấp tính.
- Người không thể há miệng hay bị đau khi há miệng.
- Người không có khả năng thở bằng mũi hoặc không quen thở miệng.
- Người đang bị bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp trên nên không thể thở bằng mũi được.
- Người bị viêm tủy cấp không chịu được nước lạnh hay độ rung của đầu lấy cao răng.
- Bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng nha chu trầm trọng.
- Bị mắc bệnh qua đường nước bọt, sốt xuất huyết.
- Bị rối loạn đông máu.
- Người không có khả năng kiểm soát, không tự chủ được do mắc một số bệnh lý thần kinh cơ như: co giật cơ, động kinh,...
3. Một số điều cần lưu ý để lấy cao răng đạt được hiệu quả tốt nhất
Quá trình lấy cao răng diễn ra tương đối đơn giản và không hề có bất kỳ ảnh hưởng nào cho sức khỏe. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất thì, với một số đối tượng, cần lưu ý các vấn đề sau:
- Trẻ em dưới 10 tuổi không nên lấy cao răng vì răng còn chưa hoàn thiện hết, nếu lấy cao răng thì việc rung lắc và dùng các bước sóng rất dễ làm cho răng mới nhú mọc bị lệch ra khỏi cung hàm chuẩn.
- Những người đang mắc bệnh lý răng miệng cũng không nên lấy cao răng vì có thể gây bị đau nhức, chảy máu do răng miệng đã bị tổn thương từ trước đó.
- Thai phụ nếu lấy cao răng chỉ nên thực hiện vào 3 tháng giữa của thai kỳ, giai đoạn đầu và cuối thai kỳ không nên làm thủ thuật này để đảm bảo an toàn tối đa cho sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi.
Bài viết trên đây hy vọng sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho những ai đang có ý định thực hiện lấy cao răng nhưng chưa hiểu rõ về thủ thuật này. Nếu vẫn còn thắc mắc nào khác, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp cụ thể.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!