Các tin tức tại MEDlatec
Thiếu máu cơ tim sống được bao lâu? Điều trị như thế nào?
- 11/10/2024 | Nguyên nhân thiếu máu: Hiểu đúng để biết cách phòng ngừa
- 15/10/2024 | Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
- 16/10/2024 | Bệnh thiếu máu ảnh hưởng như thế nào đối với cơ thể và phương pháp điều trị
1. Thiếu máu cơ tim là gì?
Bao quanh tim là hệ thống mạch vành có nhiệm vụ vận chuyển máu đến tim, giúp tim nhận đủ oxy và dưỡng chất để hoạt động khỏe mạnh. Nếu hệ thống mạch vành có vấn đề, cụ thể là bị thu hẹp hay tắc nghẽn sẽ cản trở quá trình lưu thông máu. Hệ quả là gây thiếu máu cục bộ cơ tim, hay nói ngắn gọn là thiếu máu cơ tim.
Thiếu máu cơ tim có thể xảy ra với bất kỳ ai, tuy nhiên, có nguy cơ cao hơn ở nhóm người cao tuổi, người thừa cân béo phì, người có thói quen hút thuốc lá, người mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, cao huyết áp,… Ngoài ra, nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn phụ nữ.
Tỷ lệ nam giới bị thiếu máu cơ tim cao hơn phụ nữ
2. Thiếu máu cơ tim sống được bao lâu?
Thiếu máu cơ tim gây nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy, nhiều người lo lắng không biết thiếu máu cơ tim sống được bao lâu. Theo các bác sĩ Tim mạch, nếu người bệnh tuân thủ phác đồ khám và điều trị, đồng thời, thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt là giữ trạng thái tinh thần tích cực, lạc quan thì vẫn có thể sống thọ gần như người bình thường.
Không chỉ sống thọ, người bệnh vẫn có thể duy trì các hoạt động thường ngày một cách bình thường, nghĩa là vẫn có thể làm việc, sinh hoạt, tập luyện đều đặn mỗi ngày. Nói chung, người bệnh và gia đình cần xác định được tính nguy hiểm của bệnh, đồng thời thực hiện tốt các hướng dẫn của bác sĩ và chủ động từ bỏ các thói quen xấu, thói quen gây hại cho sức khỏe là có thể kiểm soát tình trạng và “sống vui, sống khỏe”.
Người bị thiếu máu cơ tim vẫn sống thọ và sinh hoạt bình thường
3. Những biến chứng của thiếu máu cơ tim
Mặc dù người bị thiếu máu cơ tim vẫn có thể sống thọ, tuy nhiên, không vì vậy mà chủ quan với các biến chứng sau đây.
Nhồi máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim có thể do mạch vành bị thu hẹp, tắc nghẽn khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở, gián đoạn. Tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi có cục máu đông hình thành trong mạch vành khiến mạch máu bị tắc nghẽn hoàn toàn, lượng máu đến tim bị ngưng đột ngột trong thời gian dài. Lúc này, người bệnh sẽ gặp biến chứng nhồi máu cơ tim với biểu hiện là cơn đau thắt ngực kéo dài trên 15 phút, cảm giác đau lan ra hàm dưới, bụng trên, người toát mồ hôi lạnh, khó thở,… Trường hợp nặng có thể gây ngừng tim và tử vong.
Rối loạn nhịp tim
Khi tim không nhận đủ lượng máu cần thiết thì sẽ có xu hướng tăng cường co bóp. Vì vậy, người bệnh sẽ cảm thấy tim đập nhanh hơn, trống ngực thình thịch và trạng thái tinh thần như bị kích động, hồi hộp, lo lắng, bất an,… Trường hợp nặng hơn là rung thất, đột tử.
Suy tim
Thiếu máu cơ tim khiến tim không đủ nhận oxy và dưỡng chất, lâu dần trở nên suy yếu. Khi bị suy tim, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt, đặc biệt, dễ mệt mỏi, khó thở và ngất xỉu nếu gắng sức làm việc gì đó. Biến chứng này có thể không gây tử vong ngay lập tức nhưng có thể làm người bệnh giảm khả năng lao động và phụ thuộc vào người khác.
Như vậy, thiếu máu cơ tim sống được bao lâu, câu trả lời là vẫn có thể sống thọ. Tuy nhiên, các biến chứng mà người bệnh có thể đối mặt là rất nhiều và nguy hiểm nếu người bệnh lơ là trong việc chăm sóc sức khỏe.
Nhiều trường hợp người bị thiếu máu cơ tim phải đối mặt với biến chứng
4. Phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim sống được bao lâu và có nguy hiểm không phụ thuộc rất lớn vào việc điều trị. Nếu điều trị hiệu quả, người bệnh có thể sống lâu và ít gặp các biến chứng.
Dùng thuốc
Người bị thiếu máu cơ tim có thể dùng thuốc chẹn beta để làm giãn các mạch máu bị thu hẹp, thuốc chống đông máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông, thuốc nitrat để cải thiện các cơn đau thắt ngực. Người bệnh luôn tuân thủ liều lượng, thời điểm uống và thời gian dùng thuốc để mang lại hiệu quả cao nhất.
Đối với thuốc chẹn beta, tuyệt đối không tự ý ngưng dùng thuốc đột ngột để tránh bệnh thêm nghiêm trọng. Đối với thuốc chống đông máu, trong khi sử dụng, người bệnh cần tránh những hoạt động có thể gây chảy máu. Trường hợp nhổ răng, làm tiểu phẫu, hãy thông báo với bác sĩ để được chỉ định phù hợp. Còn thuốc nitrat, hãy ngồi xuống nghỉ ngơi thật thoải mái rồi mới uống hoặc xịt để tránh bị tụt huyết áp.
Điều trị thiếu máu cơ tim bằng cách sử dụng thuốc
Can thiệp
Nếu thiếu máu cơ tim do mạch vành bị tắc nghẽn, gây ra những cơn đau thắt ngực không ổn định, người bệnh có thể làm phẫu thuật nong mạch vành hoặc đặt stent mạch vành. Mục đích là giúp mạch máu được mở rộng, thông thoáng, giúp máu lưu thông dễ dàng.
Điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt
Để tránh thiếu máu cơ tim tái phát và gây biến chứng nghiêm trọng, ngoài dùng thuốc đúng hướng dẫn, người bệnh cần điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt, cụ thể như sau.
- Hạn chế ăn đường, muối, chất béo không lành mạnh. Tăng cường bổ sung rau củ quả, đậu, hạt và chất béo tốt có trong cá hồi, dầu thực vật,…
- Tuyệt đối tránh xa thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.
- Ngủ đủ giấc, giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, lạc quan.
- Làm việc vừa sức, dành thời gian để nghỉ ngơi, nhất là khi thấy mệt mỏi, căng thẳng.
- Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, có thể là đi bộ để tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Nếu có bệnh lý nền, cần thường xuyên theo dõi và kiểm soát bệnh.
Hy vọng bài viết giúp bạn biết được thiếu máu cơ tim sống được bao lâu cùng nhiều thông tin hữu ích. Mọi bệnh lý về tim mạch cần được thăm khám và điều trị, bạn có thể đến gặp bác sĩ Chuyên khoa Tim mạch - Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, quý khách hãy gọi hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!