Các tin tức tại MEDlatec
Thiếu vitamin K có nguy hiểm không? Cách khắc phục như thế nào?
- 02/12/2020 | Mách bạn top 17 loại thực phẩm bổ sung Vitamin K phổ biến
- 03/12/2020 | Hướng dẫn bổ sung Vitamin K đúng cách tốt cho sức khỏe
1. Vitamin K và vai trò của chúng đối với cơ thể
Vitamin K là một loại vitamin tan trong dầu, có chức năng quan trọng đối với cơ thể. Nó là thành phần quan trọng của hệ enzyme tổng hợp yếu tố đông máu II (prothrombin) và các yếu tố VII, IX, X. Vitamin K có rất nhiều dạng. Ở dạng tự nhiên bao gồm vitamin K1 (có trong thực phẩm hàng ngày) và vitamin K2 (được tổng hợp nhờ lợi khuẩn đường ruột). Ở dạng tổng hợp gồm có vitamin K3, K4, K5, trong số đó dạng K3 lại gây độc.
Có thể kể đến một số chức năng quan trọng của vitamin K như sau:
Tham gia vào quá trình đông máu:
Vitamin K giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa quá trình đông máu của cơ thể. Nó tham gia tổng hợp các yếu tố đông máu để điều hòa quá trình này, ngăn ngừa mất máu khi cơ thể bị tổn thương gây chảy máu. Hàng ngày trong cơ thể chúng ta, các huyết quản thường xuyên bị tổn thương và chính vitamin K đã kích hoạt chuỗi phản ứng sinh hóa và huy động sự tham gia của các yếu tố đông máu. Nếu không có vitamin K thì tình trạng xuất huyết tràn lan, gây nguy hiểm cho cơ thể. Đặc biệt khi bị tổn thương như đứt tay, tai nạn,… nếu không được cầm máu thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Duy trì sức khỏe của xương:
Vitamin K tham gia vào quá trình trao đổi canxi trong cơ thể. Đồng thời nó có khả năng hoạt hóa osteocalcin - chất gắn canxi vào khung xương. Chính vì vậy mà vitamin K giúp xương chắc khỏe hơn, ngăn ngừa loãng xương, đặc biệt là ở người chưa trưởng thành.
Bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa ung thư:
Vitamin K2 được chứng minh là có tham gia vào quá trình hình thành MGP ngăn ngừa sự canxi hóa thành mạch, nhờ đó mà giúp ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch ở người cao tuổi.
Vitamin K giúp ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch
2. Cơ thể sẽ như thế nào nếu thiếu vitamin K?
Hiểu được vai trò của vitamin K đối với cơ thể, chúng ta cũng phần nào hình dung được nếu thiếu vitamin K cơ thể sẽ như thế nào. Thiếu hụt vitamin K gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể: tim mạch, tuần hoàn, xương khớp,… Tuy nhiên dấu hiệu dễ nhận biết nhất là dấu hiệu về tuần hoàn máu. Dưới đây là một số dấu hiệu thiếu vitamin K:
-
Thường xuyên bị các vết bầm tím ở chân tay mà không rõ nguyên nhân, hoặc dễ bị bầm tím khi chỉ bị tổn thương nhẹ.
-
Xuất huyết đường tiêu hóa như đi ngoài có máu, nôn ra máu.
-
Thường xuyên chảy máu mũi.
-
Đi tiểu ra máu.
Thiếu vitamin K thường xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể
Thiếu vitamin K gây ra bệnh gì?
Rối loạn đông máu: Thiếu hụt vitamin K dẫn đến sự rối loạn hoạt động của các yếu tố đông máu. Kết quả là quá trình đông máu trở ngại, khó cầm máu khi cơ thể bị thương, dễ bị xuất huyết.
Bệnh về tim: Như đã tìm hiểu, vitamin K2 có vai trò ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Nếu thiếu vitamin này thì động mạch dễ bị vôi hóa, dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm về tim mạch.
Loãng xương: Thiếu hụt vitamin K làm cản trở quá trình chuyển hóa canxi và tổng hợp osteocalcin trong cơ thể. Người thiếu vitamin K dễ bị loãng xương và gặp phải các vấn đề về xương khớp.
Người thiếu vitamin K dễ bị loãng xương và gặp phải các vấn đề về xương khớp
3. Tại sao cơ thể thiếu vitamin K?
Thiếu hụt vitamin K đa số là liên quan đến dinh dưỡng. Dinh dưỡng không đảm bảo là một trong những yếu tố gây thiếu hụt vitamin này phổ biến nhất hiện nay. Vitamin K1 có nhiều trong các nguồn thực phẩm hàng ngày. Việc lựa chọn thực phẩm sao cho bổ sung cân đối vitamin K và các dưỡng chất khác là một việc cần được lưu ý.
Ngoài ra, vitamin K2 được tổng hợp bởi các lợi khuẩn trong đường ruột. Vì thế việc sử dụng kháng sinh dài ngày cũng có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin K cho cơ thể. Khi sử dụng kháng sinh liều cao kéo dài, ngoài các vi khuẩn gây bệnh thì các lợi khuẩn trong cơ thể cũng bị tiêu diệt, trong đó có nhóm vi khuẩn đường ruột tổng hợp vitamin K. Chính vì thế mà lượng vitamin K2 được tổng hợp không đủ, gây thiếu vitamin K cho cơ thể. Ngoài ra, các bệnh đường ruột như hội chứng viêm ruột mãn tính, hội chứng ruột kích thích cũng ảnh hưởng đến sự tổng hợp vitamin k trong cơ thể.
Theo nghiên cứu, các chất béo dạng trans, dầu thực vật bị hydro hóa đều có khả năng cản trở hấp thu vitamin K. Cần hạn chế những thực phẩm này để ngừa thiếu hụt vitamin K cho cơ thể.
4. Bổ sung khi cơ thể thiếu vitamin K như thế nào?
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt vitamin K thì trước tiên cần bổ sung vitamin K cho cơ thể. Vitamin K có nhiều trong thực phẩm, bạn cũng có thể bổ sung vitamin K từ các thực phẩm bổ sung.
-
Các thực phẩm giàu vitamin K: rau càng cua, súp lơ, rau bina, cải bắp, cải xoăn, củ cải xanh, củ cải đường,…
-
Các chế phẩm bổ sung vitamin K: viên nén 2 mg, 5 mg, 10 mg, viên nang, thuốc lỏng dạng tiêm,…
Một số thực phẩm giàu vitamin K
Việc bổ sung vitamin K không thể tùy tiện. Theo ý kiến của chuyên gia thì bổ sung vitamin K qua thực phẩm là cách an toàn nhất. Ngoài ra, chỉ nên bổ sung chế phẩm vitamin K trong trường hợp thực sự cần thiết.
Liều khuyến cáo bổ sung vitamin K hàng ngày:
-
0 - 6 tháng tuổi: 2 mcg.
-
7 - 12 tháng tuổi: 2,5 mcg.
-
1 - 3 tuổi: 30 mcg.
-
4 - 8 tuổi: 55 mcg.
-
9 - 13 tuổi: 60 mcg.
-
14 - 18 tuổi: 75 mcg.
-
Phụ nữ có thai và cho con bú: bổ sung không quá 65 mcg/ngày.
Ở những người có rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu như Coumadin thì không nên sử dụng vitamin K vì sẽ phản tác dụng. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi muốn sử dụng vitamin K trong trường hợp này.
Thiếu vitamin K sẽ dẫn đến một loạt các ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe. Cần bổ sung đầy đủ vitamin K từ thực phẩm hàng ngày để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến thiếu hụt vitamin K. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về sức khỏe của mình, vui lòng liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn cụ thể.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!