Các tin tức tại MEDlatec

Thuốc trị bỏng cho bé nên dùng loại nào? Xử trí ra sao khi trẻ bị bỏng?

Ngày 01/12/2023
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh

thuốc trị bỏng cho bé

Thuốc trị bỏng cho bé nên dùng loại nào? Xử trí ra sao khi trẻ bị bỏng?

Bỏng là một trong những sự cố đáng tiếc rất hay xảy ra ở trẻ nhỏ. Bởi vì trẻ vẫn chưa nhận thức được những nguy hiểm tiềm tàng khi tiếp xúc gần với những yếu tố gây bỏng nên cha mẹ cần phải đặc biệt lưu tâm về các cách phòng tránh, sơ cứu cũng như điều trị khi trẻ bị bỏng. Bài viết sau sẽ cung cấp các thông tin về những loại thuốc trị bỏng cho bé các bậc phụ huynh nên tìm hiểu ngay.

1. Có những mức độ bỏng như thế nào?

Có 3 mức độ bỏng như sau:

Bỏng độ 1:

● Là khi tổn thương xảy ra ở lớp da nông nhất trên bề mặt.

● Vị trí tiếp xúc nhiệt bị đỏ nhưng chưa hình thành phỏng nước.

● Vết bỏng sẽ nhanh chóng lành lại, không có nguy cơ để lại sẹo.

Bỏng độ 2:

Là những tổn thương xảy ra do tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, điện, phóng xạ, hóa chất hoặc do ma sát,... Bỏng độ 2 còn được chia thành 2 loại sau:

● Bỏng dày bề mặt: xuất hiện mụn nước nông trên bề mặt da, thường là do tác động của vật nóng hay nước nóng gây nên. Lớp da bị tổn thương nằm ở bề mặt và tầng thứ 2. Ấn vào xung quanh vết bỏng có thể thấy vùng da này bị trắng rồi sau đó trở về lại màu đỏ khi thả tay ra. Sau khoảng 2 ngày vùng bị bỏng sẽ xuất hiện các vết phỏng rộp, kèm theo triệu chứng đau và ẩm ở vết bỏng.

● Bỏng dày sâu: xuất hiện mụn nước sâu trên bề mặt da, vết bỏng là hậu quả của việc tiếp xúc với dầu, mỡ sôi. Nó sẽ ảnh hưởng sâu vào các lớp biểu bì da, tạo thành những vùng da loang lổ. Vết bỏng có thể bị nhiễm trùng.

Bỏng là một trong những sự cố đáng tiếc rất hay xảy ra ở trẻ nhỏ

Bỏng độ 3:

Là mức bỏng nghiêm trọng nhất khiến mọi lớp biểu bì đều bị ảnh hưởng. Thậm chí bỏng nặng có thể làm tổn thương đến cả lớp mỡ, cơ và cả xương.

● Toàn bộ bề mặt da đều bị huỷ hoại, nhất là lớp da ở ngoài cùng nên khi bị bỏng nặng sẽ không có phỏng rộp xuất hiện. Bởi vì lúc này làn da đã bị phá huỷ hoàn toàn.

● Da bị bỏng sẽ chuyển màu trắng hoặc đen vì cháy sém.

● Sau khi được điều trị, bỏng độ 3 chắc chắn sẽ để lại sẹo.

2. Các cách xử trí khi trẻ bị bỏng

2.1. Đối với trẻ bị bỏng cấp độ 1

Dưới đây là các cách xử lý khi trẻ bị bỏng nhẹ:

● Đưa trẻ tránh xa khỏi nguồn nhiệt.

● Cởi bỏ quần áo ở vị trí bị bỏng cho trẻ.

● Vệ sinh vết bỏng: để vùng da bị bỏng của trẻ dưới vòi nước mát (không phải nước lạnh). Ngay khi bị bỏng, bố mẹ cần đưa bé đến nguồn nước sạch gần nhất và xả liên tục vào vị trí bỏng để giảm nhanh chóng nhiệt độ tại vị trí tiếp xúc  và giảm tối đa tổn thương bỏng lan rộng hơn. Cha mẹ không được dùng đá lạnh để áp vào vết bỏng của trẻ vì sẽ khiến tình trạng bỏng trở nên nghiêm trọng hơn.

● Tuyệt đối không được xoa các loại dầu mỡ, bơ, hoặc rắc bột lên vết thương của trẻ.

● Thuốc trị bỏng cho bé trong trường hợp này: dùng ibuprofen hay acetaminophen để giảm đau cho trẻ. Lưu ý dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

2.2. Đối với trẻ bị bỏng độ 2, độ 3

● Phải đưa trẻ đi viện càng sớm càng tốt.

● Nâng cao vùng bị bỏng của trẻ, để trẻ nằm im.

● Sơ cứu cho trẻ giống với bỏng cấp độ 1.

● Cởi hoặc dùng kéo cắt quần áo ở khu vực bị bỏng của trẻ.

● Tránh làm vỡ bọng nước ở vị trí phỏng rộp.

● Trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp của đội ngũ y tế thì chườm khăn mát quanh vị trí tổn thương từ 3 - 5 phút.

Cha mẹ nên học cách sơ cứu đúng cách khi trẻ bị bỏng

Phụ thuộc vào mức độ bỏng mà các bậc phụ huynh nên áp dụng cách xử trí sao cho phù hợp nhất đối với những vết bỏng nhẹ. Nếu trẻ gặp phải tình trạng dưới đây thì cha mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay:

● Bỏng từ độ 2 trở lên.

● Trẻ bị bỏng trên mặt.

● Bỏng xảy ra trên diện rộng, ví dụ như bỏng ở toàn bộ lưng, ngực, bụng, mông, tay, chân,... Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm vì sẽ khiến trẻ nhanh chóng bị mất nước, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc da và trẻ sẽ cảm thấy rất đau đớn, nguy cơ cao dẫn tới tử vong.

3. Các loại thuốc trị bỏng cho bé

Nhiều gia đình vẫn giữ quan niệm rằng nếu trẻ bị bỏng thì hãy bôi kem đánh răng, mỡ trăn để giúp làm lành vết bỏng. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ là truyền miệng, không những không giúp vết thương mau lành mà còn có thể khiến nó trở nên nặng hơn.

Khi trẻ bị bỏng, cha mẹ nên tiến hành sơ cứu cho trẻ bằng các phương pháp nêu trên. Sau đó hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám và dùng các thuốc trị bỏng cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Cụ thể:

● Nếu trẻ bị bỏng nhẹ ở mức 1: bạn có thể dùng lô hội để bôi lên vết bỏng. Bởi vì lô hội (nha đam) có tác dụng kháng khuẩn và làm dịu da rất tốt.

● Sử dụng thuốc trị bỏng cho bé: trong trường hợp vết bỏng xuất hiện bóng nước và nó đã bị vỡ, thường bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc mỡ kháng sinh bao gồm Neosporin, Bacitracin giúp phòng ngừa bội nhiễm và thúc đẩy làm lành vết thương.

Khi trẻ bị bỏng hãy đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị đúng cách

4. Phòng tránh nguy cơ bị bỏng cho trẻ

Để đảm bảo trẻ luôn được an toàn trước những rủi ro tai nạn bỏng, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp sau:

● Không để trẻ tiếp xúc, cầm nắm những đồ vật tạo lửa như nến, hộp quẹt, bật lửa,...

● Cất các đồ dùng, thiết bị điện tử ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay của trẻ.

● Kiểm tra định kỳ các vật dụng như phích cắm và dây điện trong nhà. Nếu chúng đã hỏng hóc hoặc quá cũ kỹ thì bạn nên thay thế cái mới.

● Thận trọng khi cho trẻ tắm nước nóng, tắm bồn.

● Đối với phích nước, bình thuỷ,... hãy làm đế để cố định những đồ vật này, tránh nguy cơ ngã đổ.

● Không cho trẻ đi xe tập hay chạy nhảy trong khu vực bếp núc.

● Cất giữ hóa chất và các chất tẩy rửa ở đúng nơi quy định, không để gần khu sinh hoạt của trẻ.

Không được cho trẻ tiếp xúc với nguồn nhiệt để tránh nguy cơ bị bỏng

Tai nạn liên quan đến bỏng là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ nhỏ còn là đối tượng dễ gặp phải nguy cơ này nhất. Bỏng từ nhẹ đến nặng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí là đe dọa đến mạng sống nếu trẻ bị bỏng quá nghiêm trọng.

Những phương pháp sơ cứu và các loại thuốc trị bỏng cho bé được đề cập trong bài viết cần phải được thực hiện, sử dụng đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra để không phải vận dụng đến những điều này, các bậc phụ huynh cần phải đảm bảo an toàn cho trẻ trước các rủi ro bị bỏng do hóa chất và cháy nổ.

BS Chỉnh đã duyệt.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.