Các tin tức tại MEDlatec

Tiền sản giật - Những điều mẹ bầu cần biết

Ngày 10/09/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Tiền sản giật là biến chứng thường gặp đối với những bà mẹ đang mang thai vào 3 tháng cuối thai kỳ. Theo thống kê có đến từ 2 - 8% các bà mẹ bầu có nguy cơ bị mắc biến chứng này từ nhẹ đến nặng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe của mẹ và bé. Cùng tìm hiểu về bệnh lý này để biết cách xử lý và phòng tránh.

1. Những thông tin cần biết về tiền sản giật

Hiểu thế nào là tiền sản giật, nguyên nhân và những biểu hiện nhận biết là những thông tin quan trọng mà phụ nữ mang thai cần nắm được.

Thế nào gọi là tiền sản giật?

Một trong những biến chứng nội khoa nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây tử vong cho mẹ và bé là tiền sản giật. Biến chứng này xuất hiện do nhiễm độc thai nghén, đa phần xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ, cụ thể nằm thường sau tuần thứ 20 của thai kỳ và đặc biệt nhiều ở tuần thứ 37.

Tiền sản giật thường xuất hiện vào giai đoạn cuối thai kỳ, từ tuần thai thứ 20 trở về sau

Bệnh lý thường xuất hiện nhiều ở các phụ nữ mang thai với tiền sử bị các bệnh như tiểu đường, bệnh basedow, bệnh liên quan đến thận,… Ảnh hưởng nghiêm trọng của biến chứng có thể gây tổn thương đến các cơ quan như gan, thận của người mẹ và khiến mẹ chảy máu nhiều, không cầm được trong khi chuyển dạ hoặc khi co giật; với thai nhi trong bụng mẹ có thể không phát triển được, suy thai và có thể tử vong (thai chết lưu).

Nguyên nhân gây ra hội chứng

Cho đến nay, chưa có bất kỳ chuyên gia hay cơ quan Y tế nào đưa ra nguyên nhân chính thức gây nên hội chứng tiền sản giật ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, rất nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân đến từ các mạch máu trong nhau thai. Nhau thai - nơi có các mạch máu chính là cơ quan chính giúp nuôi dưỡng thai nhi khi đang nằm trong bụng của mẹ. Vào giai đoạn cuối thai kỳ có thể vì bất kỳ nguyên nhân nào đó mà các mạch máu trong nhau thai không phát triển, có dấu hiệu hẹp mạch máu, làm cho thai nhi không có đầy đủ máu để phát triển. Thêm vào đó, các mạch máu không phát triển để đáp ứng được các kích thích từ nội tiết tố gây nên biến chứng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ làm xuất hiện tiền sản giật ở phụ nữ có thai:

Tuy chỉ mới có các nghi vấn nhưng theo thống kê có một số yếu tố có thể ảnh hưởng làm tăng khả năng xuất hiện tiền sản giật, đó là:

- Trong gia đình có người từng bị mắc tiền sản giật như: bà ngoại, mẹ, chị gái,… Hoặc bản thân đã từng bị biến chứng này nên khi mang thai con tiếp theo cũng có nguy cơ cao sẽ bị lại.

- Những phụ nữ mang thai con đầu lòng hoặc các bà mẹ mang song thai, đa thai sẽ có nguy cơ mắc cao hơn so với nhiều chị em phụ nữ khác.

- Thông thường, qua tuổi 35 chị em được khuyến nghị không nên mang thai khi lớn tuổi. Vì thế, với những ai mang thai trên 40 tuổi thì có thể bị mắc phải với tỉ lệ cao hơn độ tuổi từ 20 - 35.

- Khoảng thời gian giữa 2 lần mang thai quá ngắn (trong vòng 2 năm) hoặc quá dài (quá 10 năm) cũng là một trong những yếu tố làm tăng khả năng mắc phải biến chứng nội khoa này ở các mẹ bầu.

- Những người có tiền sử bệnh lý mắc bệnh tiểu đường, bệnh liên quan đến thận, bệnh lupus, bị huyết áp cao,… là những đối tượng cần chuẩn bị để đối phó với biến chứng nguy hiểm này.

Bên cạnh đó, nếu các chị em mang thai không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong thời gian mang thai, mẹ bầu bị thừa cân và béo phì,… cũng sẽ tăng khả năng mắc phải biến chứng nội khoa nguy hiểm này. Vì thế việc đảm bảo sức khỏe mẹ bầu trong khi mang thai đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn từ khi bắt đầu thai kỳ.

Biểu hiện của tiền sản giật

Biểu hiện được phân loại thành 2 nhóm theo mức độ nhẹ và nặng:

Tiền sản giật nhẹ

Với những mẹ bầu bị tiền sản giật nhẹ thường sẽ gặp những biểu hiện hay gặp và sớm nhất như có huyết áp tăng cao trên 140/90mm Hg sau tuần thứ 20 của thai kỳ và tăng protein trong nước tiểu >0.3 g/24h hay tăng khi thử bằng que thử. Những dấu hiệu này sẽ dễ dàng phát hiện nếu mẹ bầu thường xuyên khám thai và kiểm tra theo hàng tuần nếu có các dấu hiệu nghi ngờ.

Tiền sản giật nặng

Khi bị tiền sản giật nặng, huyết áp cũng có sự tăng cao đột biến lên đến 160/110mmHg, lượng protein trong nước tiểu cũng tăng lên cao hơn 5g/24h hay 3+ ở que thử nước tiểu. Khi so sánh với bình thường thì số lần mẹ đi tiểu bị ít đi và lượng nước tiểu của mẹ bị giảm sút (nước tiểu <500ml/24h).

Mẹ bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức vùng thượng vị nếu bị hội chứng này

Bên cạnh đó, mẹ bầu còn có những dấu hiệu có thể cảm nhận được như: cơ thể mệt mỏi, thiếu máu làn da tái xanh, nhức đầu, cảm thấy lờ đờ, mắt nhìn mờ giảm thị lực, luôn cảm thấy hoa mắt chóng mặt. Đặc biệt, còn có cảm giác đau nhức ở vùng thượng vị hoặc đau ở vùng hạ sườn phải.

2. Biện pháp giúp phòng ngừa tiền sản giật

Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy bất kỳ một loại thuốc hay phương pháp nào giúp ngăn chặn triệt để biến chứng nội khoa này đối với chị em phụ nữ. Chính vì thế, ngay trong thời gian từ khi bắt đầu mang thai, chị em nên tìm hiểu sớm và thường xuyên quản lý thai nghén. Nếu tiền sản giật được phát hiện sớm, cần can thiệp để giúp hạn chế biến chứng.

- Các mẹ bầu cần có chế độ ăn uống lành mạnh: Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ các vitamin và dưỡng chất thiết yếu thì phụ nữ mang thai cũng nên cung cấp đầy đủ DHA, EPA có trong các loại thực phẩm có nhiều omega-3 như: các loại cá bé (cá hồi, cá ngừ, cá thu,..), lòng đỏ trứng gà, các loại hạt (hạt điều, óc chó, đậu phộng,...), rau xanh (súp lơ xanh, bí ngô, rau cải xanh,...). Đặc biệt, nên chế biến các món ăn nhạt điều này tốt cho sức khỏe tim mạch và hạn chế bị phù nề trong quá trình mang thai.

Bổ sung các thực phẩm giàu omega-3 rất quan trọng cho sức khỏe các bà mẹ mang thai

- Rèn luyện thể dục nhẹ nhàng: Có thai khi qua 3 tháng đầu tiên các mẹ bầu có thể rèn luyện các bài thể dục dành cho phụ nữ mang thai một cách nhẹ nhàng, vừa giúp tăng cường sức khỏe, đem lại ảnh hưởng tốt cho quá trình sinh nở sau này.

- Chế độ nghỉ ngơi: Các mẹ bầu nên nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị căng thẳng hay mệt mỏi. Đặc biệt luôn đảm bảo rằng ngủ đủ giấc, ngủ sâu để có một sức khỏe và tinh thần tốt. Trong khi ngủ mẹ bầu nên nằm với tư thế nghiêng về bên trái.

- Thăm khám thai định kỳ, thường xuyên: Việc thăm khám thai đóng vai trò vô cùng quan trọng để nhanh chóng phát hiện huyết áp tăng cao hay lượng protein trong nước tiểu thay đổi - đây là các biểu hiện lâm sàng của chứng tiền sản giật.

MEDLATEC là địa chỉ uy tín cung cấp dịch vụ khám và theo dõi ngay từ thai kỳ đầu tiên

Nếu chị em đang băn khoăn về cơ sở khám thai chất lượng hay có những lo lắng nếu gặp phải một số dấu hiệu của biến chứng tiền sản giật thì có thể lựa chọn kiểm tra và thăm khám thai Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC của chúng tôi. Bệnh viện được cung cấp trang thiết bị hiện địa, môi trường sạch sẽ và đội ngũ y bác sĩ giỏi sẽ luôn giúp đỡ bạn an tâm trong hành trình thực hiện thiên chức làm mẹ của mình. Mọi thông tin chi tiết bạn có thể ghé qua trang web của chúng tôi hoặc liên hệ qua số hotline: 1900 565656 để được tư vấn miễn phí bạn nhé!

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.