Các tin tức tại MEDlatec

Tìm hiểu về cấu tạo tai, chức năng và các bệnh lý thường gặp ở tai

Ngày 10/04/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Tai không chỉ giúp con người nghe được âm thanh mà còn giúp cơ thể giữ được thăng bằng trong quá trình di chuyển. Để hiểu hơn về cấu tạo tai và các bệnh lý thường gặp ở tai, chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa nguy suy giảm chức năng tai, bạn có thể tham khảo nội dung bài viết sau.

1. Tổng quan về cấu tạo tai

Tai của con người được chia thành ba phần chính: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Cấu tạo tai ở mỗi bộ phận như sau:

1.1. Tai ngoài

Tai ngoài gồm vành tai và ống tai ngoài. Trong đó, vành tai có nhiệm vụ thu nhận âm thanh từ môi trường bên ngoài và dẫn truyền âm thanh vào ống tai. Tai ngoài cũng giúp định hướng âm thanh đến vị trí chính xác, hỗ trợ quá trình xử lý âm thanh của cơ quan thính giác.

1.2. Tai giữa

Màng nhĩ, hay màng tai, là vách ngăn giữa tai ngoài và tai giữa. Sóng âm truyền qua ống tai ngoài đập vào màng nhĩ và làm cho nó rung động. Tai giữa nằm ngay sau màng nhĩ, là nơi chứa các xương nhỏ có tên là xương búa, xương đe và bàn đạp. Các xương này hoạt động như một bộ chuyển đổi, biến đổi các rung động thành tín hiệu truyền đến tai trong. Sự tinh vi trong cấu tạo tai giữa cho phép các rung động âm thanh được khuếch đại và truyền tải chính xác.

1.3. Tai trong

Tai trong là trung tâm của hệ thống thính giác. Đây là nơi chứa các cơ quan cảm thụ như ốc tai, tiền đình và ống bán khuyên. Trong cấu tạo của tai trong, ốc tai chịu trách nhiệm chuyển đổi các rung động thành tín hiệu điện, ống bán khuyên và tiền đình giúp duy trì khả năng thăng bằng của cơ thể.

Hình ảnh mô tả các bộ phận trong cấu tạo tai

2. Chức năng của tai là gì?

2.1. Chức năng thính giác

Chức năng thính giác của tai được thực hiện qua quá trình phức tạp, từ việc thu nhận sóng âm cho đến xử lý tín hiệu điện. Mỗi phần của tai đảm nhiệm một nhiệm vụ riêng:

- Vành tai: Thu nhận sóng âm từ môi trường, chuyển qua ống tai vào màng nhĩ.

- Màng nhĩ: Truyền các rung động qua ba xương nhỏ của tai giữa để khuếch đại âm thanh, giúp ốc tai chuyển đổi các tín hiệu rung thành tín hiệu điện.

- Ốc tai: Chứa các tế bào thần kinh chuyên biệt, chịu trách nhiệm chuyển đổi các rung động thành tín hiệu điện. Những tín hiệu này sau đó được truyền tới não bộ để giải mã thành âm thanh mà tai nghe thấy.

2.2. Chức năng giữ cân bằng

Tai trong có vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng thăng bằng của cơ thể. Cấu tạo tai với hệ thống bán khuyên và các cấu trúc liên quan sẽ giúp con người cảm thấy ổn định khi di chuyển.

Hệ thống bán khuyên của tai trong chứa chất lỏng và các tế bào cảm biến chuyển động. Khi cơ thể chuyển động, chất lỏng trong các ống này di chuyển theo, kích thích các tế bào thần kinh, giúp não bộ nhận biết vị trí của cơ thể.

Ngoài ra, tín hiệu từ hệ thống bán khuyên được gửi tới các trung tâm điều khiển thăng bằng ở não, giúp con người giữ được sự thăng bằng khi thay đổi tư thế hoặc di chuyển trên các bề mặt không bằng phẳng.

Con người nghe và di chuyển thăng bằng được là nhờ chức năng của tai

3. Một số bệnh lý thường gặp ở tai

3.1. Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là bệnh lý ở tai rất dễ gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh thường xuất phát từ sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus vào khoang tai giữa. Khi bị viêm tai giữa, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở bên trong tai, giảm thính lực, sốt,...

Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa ở trẻ nhỏ có liên quan trực tiếp đến viêm mũi - họng, viêm V.A do cấu trúc tai có sự liên thông với những vùng này. 

3.2. Viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài thường xảy ra khi ống tai bị nhiễm trùng, dễ gặp ở những người hay tiếp xúc nhiều với nước hoặc có thói quen hay ngoáy tai. Nguyên nhân chính gây nên bệnh là do tai ẩm ướt, vệ sinh tai không đúng cách khiến vi khuẩn có điều kiện phát triển.

Khi bị viêm tai ngoài, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa, đau bên ngoài tai, thậm chí có thể bị chít hẹp và chảy dịch ra ngoài, dịch thường có mùi hôi.

3.3. Mất thính lực 

Mất thính lực xảy ra khi có sự tổn thương ở bất kỳ vùng nào thuộc cấu tạo tai. Nguyên nhân gây mất thính lực thường gồm:

- Lão hóa

Khi cơ thể lão hóa, các tế bào thần kinh trong ốc tai cũng bị thoái hóa, khả năng chuyển đổi sóng âm thành tín hiệu điện bị giảm sút nghiêm trọng.

- Tiếp xúc với âm thanh quá lớn

Bỗng nhiên tiếp xúc với âm thanh quá lớn như tiếng nổ có thể gây tổn hại trên lông hoặc tế bào thần kinh trong ốc tai gửi tín hiệu âm thanh đến não.

- Bệnh lý mạn tính

Thường xuyên tái diễn viêm tai làm tăng nguy cơ suy giảm thính lực. Nếu không được điều trị tích cực, người bệnh có thể bị mất thính lực vĩnh viễn.

- Do thuốc

Một số nhóm thuốc gây độc thần kinh ốc tai, có khả năng gây nên tình trạng mất thính lực sâu như thuốc điều trị ung thư cisplatin, carboplatin hoặc bleomycin; thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid và thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henle; thuốc chống sốt rét như quinin và chloroquin.

Khám tai định kỳ giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tai

4. Biện pháp chăm sóc, phòng ngừa bệnh lý về tai

Khi hiểu rõ được cấu tạo tai và những chức năng quan trọng của cơ quan này, bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của việc chăm sóc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lý về tai.

Để bảo vệ tai trước các yếu tố nguy cơ gây bệnh, bạn cần:

- Lau tai khô ráo sau khi bơi lội hoặc tắm rửa để tránh tình trạng ẩm ướt, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

- Tránh sử dụng các que bông hoặc các vật dụng sắc nhọn để vệ sinh tai.

- Tránh nghe nhạc quá lớn, tránh hình thành thói quen dùng tai nghe trong thời gian dài.

- Sử dụng nút tai khi làm việc trong môi trường ồn ào, có tiếng động lớn.

- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C, E và khoáng chất như kẽm, magie để đảm bảo hoạt động chức năng của tai.

- Khám tai định kỳ để kiểm tra, phát hiện sớm bất thường ở tai, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn hoặc có tiền sử bệnh lý về tai.

Nếu có dấu hiệu bất thường ở tai như đau tai, ù tai kéo dài, mất thính lực, chóng mặt trong thời gian dài,... quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ Tai - mũi họng của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán và biết hướng điều trị hiệu quả.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.