Các tin tức tại MEDlatec

Tìm hiểu về cấu tạo xương bàn chân và một số bệnh lý liên quan

Ngày 01/12/2023

Tìm hiểu về cấu tạo xương bàn chân và một số bệnh lý liên quan

Cấu tạo xương bàn chân tương đối đặc biệt bởi đây là bộ phận đảm nhận nhiều vai trò đối với cơ thể. Nhờ có sự kết hợp giữa các cơ và xương trong bàn chân mà các hoạt động di chuyển hàng ngày của con người trở nên dễ dàng. Để biết cách bảo vệ tốt nhất cho bộ phận quan trọng này, bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết về cấu tạo của xương bàn chân và các bệnh lý liên quan được giới thiệu trong nội dung dưới đây.

1. Chức năng của xương bàn chân

Xương bàn chân đảm nhận rất nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể:

- Truyền trọng lượng

Trọng lượng của cơ thể được truyền xuống dưới mặt đất qua: vòm bàn chân, gót chân, ngón chân.

- Hỗ trợ di chuyển

Các hoạt động di chuyển của cơ thể không thể thiếu sự hỗ trợ của bàn chân. Ngoài ra, xương gót chân và vòm bàn chân còn hỗ trợ nhiều hoạt động vận động của con người như: xoay vòng, lùi, tiến,...

- Giữ thăng bằng

Cơ thể con người muốn được ổn định vị trí mà không bị ngã thì cần đến sự cân bằng. Cơ chân đóng vai trò quan trọng cho tư thế này.

Bàn chân đảm nhận chức năng giữ thăng bằng, giữ trọng lượng và hỗ trợ cơ thể di chuyển

2. Chi tiết cấu tạo xương bàn chân

Cấu tạo xương bàn chân được chia thành các phần cơ bản:

2.1. Bàn chân trước

Đây là phần gồm 5 xương bàn chân nối dài với xương ngón chân. Phía trên mu bàn chân là phần thân và chỏm của các ngón chân. Trừ ngón cái gồm 2 đốt thì các ngón chân còn lại gồm 3 đốt.

2.2. Bàn chân giữa

Cấu tạo xương bàn chân giữa mở rộng về phía trước giống hình kim tự tháp. Phần này gồm: xương hộp, 3 xương chêm và xương ghe:

- Xương hộp: gồm 6 mặt hình hộp, gắn liền với xương gót và xương số 4, số 5 của bàn chân trước.

- 3 xương chêm: nằm giữa xương bàn chân số 1, 2, 3; xương ghe và xương hộp.

- Xương ghe: gồm 6 mặt hình bầu dục, kích thước lớn, quay hướng về mặt sau. Xương ghe nằm thấp xuống, ngay phía giữa, nâng đỡ một phần xương sên của bàn chân sau và xương chêm.

2.3. Bàn chân sau

Xương bàn chân sau gồm xương gót và xương sên hình thành nên mắt cá chân và gót chân:

- Xương gót: có kích thước lớn nhất; nằm sau cùng bàn chân, phía sau xương hộp và dưới xương sên; gồm 6 mặt.

- Xương sên: gồm xương mác và xương chày hình thành nên mắt cá chân, có nhiệm vụ nâng đỡ cẳng chân.

2.4. Khớp xương bàn chân

Quá trình chuyển động của bàn chân chủ yếu xoay quanh bàn chân sau. Tuy nhiên, muốn các xương bàn chân có sự liên kết và khả năng chuyển động linh hoạt thì cần có khớp xương gồm:

- Khớp cổ chân

Trong cấu tạo xương bàn chân thì khớp cổ chân là phần được tạo nên từ xương sên, xương mác và xương chày. Khớp cổ chân có kết cấu ròng rọc giúp bảo vệ dây chằng bên ngoài cổ chân, chống cho dây chằng không bị lệch ra ngoài trong quá trình vận động.

- Khớp dưới sên

Phần xương này chịu lực lớn của cơ thể, gồm 3 mặt, 5 dây chằng có tác dụng giới hạn khả năng vận động của khớp.

- Các khớp khác

Chủ yếu là các khớp trượt với kích thước nhỏ.

Các khớp xương bàn chân được nối với nhau bởi dây chằng, giúp cho cấu trúc vòm lòng bàn chân được giữ vững.

Hình ảnh mô phỏng cấu tạo xương bàn chân

2.5. Cung vòm bàn chân

Xương ngón chân kết hợp với xương cổ chân tạo nên 3 vòm. Trong đó, 1 vòm chạy ngang chiều bàn chân, 2 vòm còn lại chạy dọc bàn chân. Vòm ngang hình thành bởi nền xương bàn ngón và xương cổ chân. Một vòm dọc phía trong bắt đầu từ xương gót đi tới xương chêm, ghe, sên và xương của 3 ngón đầu bàn chân. Một vòm dọc phía ngoài bắt đầu từ xương gót đi đến xương hộp, xương bàn của ngón chân thứ 4, thứ 5.

2.6. Cơ bàn chân

- Cơ gan bàn chân: giữ cho vòm gan chân để cơ thể đứng vững.

- Cơ mu bàn chân: giúp cho các ngón chân có khả năng co duỗi.

3. Các bệnh lý xương bàn chân thường gặp

Sự hoàn chỉnh trong cấu tạo xương bàn chân giúp cho chân đảm nhận tốt vai trò các chức năng vận động và nâng đỡ cơ thể. Tuy nhiên, bàn chân là bộ phận phải hoạt động nhiều nên dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như:

3.1. Gãy xương bàn chân

Xương bàn chân có thể gãy do: tai nạn, trượt ngã, mỏi xương lâu ngày do thường xuyên lặp đi lặp lại một động tác,... Khi bị gãy xương, nếu vận động, người bệnh thường bị đau ở bàn chân nhưng cảm giác này sẽ thuyên giảm khi họ nghỉ ngơi. Tại khu vực gãy xương xuất hiện vết bầm tím, sưng, cử động khó,... trường hợp nặng, xương có thể đâm qua da gây chảy máu.

Gãy xương bàn chân gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng di chuyển

3.2. Rạn xương bàn chân

Đây là hiện tượng trên xương có vết nứt gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Tùy vào mức độ rạn mà thời gian điều trị khỏi sẽ khác nhau. Trường hợp nhẹ thường chỉ cần cố định vết thương sau đó nghỉ ngơi một thời gian sẽ khỏi. Nếu bị rạn xương mức độ nặng sẽ phải bó bột và nghỉ ngơi trong thời gian dài.

3.3. Gai gót chân

Do phải chịu trọng lượng lớn, di chuyển thường xuyên nên gót chân rất dễ bị tổn thương. Khi có khối u xương ở gót chân sẽ hình thành nên bệnh gai gót chân.

Người bị gai gót chân thường cảm thấy đau nhức khi đứng, di chuyển. Nguyên nhân gây nên bệnh gai gót chân là: chứng bàn chân bẹt, rối loạn chức năng bàn chân, vòm chân cao, đi bộ không đúng cách,...

4. Phương pháp bảo vệ xương bàn chân

Áp lực và tần suất hoạt động ở bàn chân tương đối nhiều nên để giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp chấn thương ở vùng này, tốt nhất nên thực hiện các biện pháp sau:

- Chọn giày mềm và đúng kích cỡ, nên hạn chế đi dép xỏ ngón và giày cao gót.

- Chú ý quan sát để phát hiện kịp thời các dấu hiệu tổn thương ở bàn chân.

- Tránh tạo áp lực lớn thường xuyên lên bàn chân.

- Bổ sung thực phẩm giàu vi chất, nhất là vitamin D và canxi để tăng cường sức khỏe cho hệ xương.

Xét tổng thể, cấu tạo xương bàn chân gồm các cơ, xương và khớp bàn chân. Các bộ phận này liên kết mật thiết với nhau để đảm bảo quá trình vận động, di chuyển diễn ra bình thường. Chỉ cần một trong các phần của xương bàn chân bị tổn thương thì tất yếu, quá trình vận động sẽ bị hạn chế.

Nếu đang nghi ngờ bất cứ dấu hiệu bất thường nào về xương bàn chân, quý khách hàng có thể đến trực tiếp hoặc liên hệ hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Cơ xương khớp - Hệ thống Y tế MEDLATEC.

BS Thanh Tuấn đã duyệt

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.