Các tin tức tại MEDlatec

Tìm hiểu về tình trạng khô khớp và một số hướng điều trị

Ngày 27/03/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Không chỉ gây cảm giác đau nhức, khô khớp còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, khiến người bệnh gặp nhiều phiền phức trong sinh hoạt. Vậy cần làm gì để điều trị cũng như phòng ngừa chứng khô khớp? Bạn hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.

1. Thế nào là khô khớp? 

Khô khớp xảy ra khi các khớp ngừng hoặc sản xuất không đủ lượng chất nhờn hỗ trợ bôi trơn khớp. Kéo theo đó là tình trạng cứng khớp, xuất hiện tiếng kêu lạo xạo mỗi khi cử động. 

Tình trạng khô khớp có thể xảy ra ở mọi khớp trong cơ thể. Đặc biệt là khớp gối, khớp vai, khớp háng, khớp khuỷu tay. 

Khô khớp gây ra tình trạng cứng khớp, quá trình vận động bị ảnh hưởng

2. Nguyên nhân 

Thực tế, nguyên nhân dẫn đến khô khớp là rất nhiều, đơn cử như: 

  • Quá trình lão hóa tự nhiên: Khi có tuổi, khả năng tổng hợp dịch nhờn khớp của cơ thể thường bị suy giảm. 
  • Dinh dưỡng mất cân bằng: Nếu không bổ sung đầy đủ canxi, khoáng chất cần thiết, quá trình tạo dịch khớp có thể bị ảnh hưởng, từ đó xương khớp dễ bị tổn thương hơn. 
  • Cơ thể bị thừa cân: Khi khối lượng cơ thể tăng, hệ thống các khớp phải chịu áp lực lớn, tăng nguy cơ tổn thương, ảnh hưởng đến sự ổn định của ổ khớp. 
  • Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh: Việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ít vận động, duy trì hoạt động không đúng tư thế,... ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như khả năng hoạt động của xương khớp. 

Quá trình lão hóa tự nhiên có thể làm tăng nguy cơ khô khớp

3. Triệu chứng 

Không khó để bạn phát hiện bản thân có bị khô khớp hay không. Trong đó, triệu chứng đặc trưng của tình trạng bệnh lý này phải kể đến là: 

  • Đau khớp: Ban đầu, người bệnh chỉ bị đau nhẹ khi co, duỗi, thay đổi tư thế. Nhưng theo thời gian, cơn đau sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và mức độ đau nghiêm trọng hơn. 
  • Cứng khớp: Tình trạng này làm người bệnh khó co, duỗi khớp như bình thường, đặc biệt là vào buổi sáng. 
  • Khớp phát ra tiếng: Trong khi cử động, khớp bị khô có thể phát ra tiếng lạo xạo, lục cục. 
  • Khó khăn khi vận động: Lượng dịch khớp thấp không đủ để bôi trơn khiến các khớp trở nên kém linh hoạt hơn, gây khó khăn khi vận động. 
  • Một số triệu chứng khác: Sưng đau, nóng rát ở vùng da bao quanh khớp,...

Đau khớp là triệu chứng thường xuất hiện ở người bị khô khớp

4. Phương pháp chẩn đoán khô khớp 

Bước đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng. Trong bước này, bệnh nhân cần trao đổi chi tiết triệu chứng, tiền sử chấn thương hoặc bệnh lý. Dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể tiếp tục chỉ định để bệnh nhân thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng khác như: 

  • Xét nghiệm máu: Nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến khô khớp, loại trừ những bệnh lý khác. 
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như chụp X-quang, siêu âm khớp, chụp CT, chụp MRI giúp kiểm tra cấu trúc khớp xương, phát hiện nhanh dấu hiệu bất thường. 

Bác sĩ phân tích phim chụp X-quang và trao đổi với người bệnh về tình trạng bệnh lý

5. Một số hướng điều trị cho người bị khô khớp 

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị khô khớp có thể được áp dụng. Dựa vào tình hình thực tế của từng người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp. 

5.1. Điều trị bằng thuốc 

Nếu tình trạng khô khớp chưa diễn biến nghiêm trọng, bệnh nhân thường chỉ cần dùng thuốc. Các loại thuốc thường được chỉ định là thuốc giảm đau, thuốc giảm viêm, kích thích tăng dịch nhờn. 

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự điều chỉnh tăng giảm liều dùng, không ngừng sử dụng thuốc đột ngột. Những loại thuốc dùng trong điều trị khô khớp có thể gây ra tác dụng tại đường tiêu hóa và một số hệ cơ quan khác. Nếu nhận thấy tác dụng phụ nghiêm trọng, không thuyên giảm, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn thêm. 

Một số loại thuốc có thể điều trị bệnh cho người bị khô khớp 

5.2. Tiêm khớp 

Hóa chất được sử dụng để tiêm vào khớp ở đây là Hyaluronic Acid, collagen hoặc huyết tương giàu tiểu cầu tự thân. Tác dụng chính của việc tiêm khớp là giúp giảm triệu chứng đau, bổ sung dịch nhờn giảm ma sát giữa các đầu xương, giúp cải thiện sự linh hoạt của khớp xương nhưng chỉ trong ngắn hạn. Nếu muốn duy trì tác dụng, người bệnh thường phải tiêm khớp theo liệu trình. 

Nhìn chung, tiêm khớp trị giúp điều trị triệu chứng, cải thiện hoạt động khớp, hạn chế tiến triển của bệnh, tuy nhiên, không thể điều được dứt điểm tình trạng khô khớp. Để hạn chế rủi ro nhiễm trùng hoặc biến chứng nguy hiểm khác, bệnh nhân ưu tiên lựa chọn địa chỉ y tế uy tín khi tiêm khớp. 

5.3. Tập vật lý trị liệu 

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ kết hợp chỉ định cho người bệnh tập vật lý trị liệu. Tác dụng chính của việc duy trì luyện tập là tăng cường sự dẻo dai cho hệ thống xương, khớp và các cơ. Nếu kiên trì tập luyện theo hướng dẫn, khả năng vận động linh hoạt của các khớp có thể dần phục hồi, kích thích khả năng tiết dịch khớp tự nhiên. 

5.4. Phẫu thuật 

Biện pháp phẫu thuật thường được chỉ định khi tình trạng khô khớp chuyển sang giai đoạn nặng, những phương pháp điều trị khác không còn phát huy tác dụng. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần thay khớp nhân tạo. 

6. Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng khô khớp? 

Khô khớp ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày. Để chủ động phòng ngừa tình trạng bệnh lý này, bạn nên áp dụng những biện pháp sau: 

  • Duy trì tập luyện thể dục thể thao hàng ngày với cường độ phù hợp theo thể trạng cơ thể, không nên tập luyện quá sức. 
  • Không nên ngồi một tư thế quá lâu. Nếu ngồi làm việc trong văn phòng, bạn nên thay đổi tư thế hoặc tập khởi động (vươn vai, quay người, duỗi gối) sau khoảng 30 phút. 
  • Không làm việc quá sức, hạn chế mang vác vật nặng gây áp lực lên hệ thống xương, khớp. 
  • Thường xuyên kiểm tra cân nặng, duy trì khối lượng cơ thể ở mức hợp lý. 
  • Áp dụng các bài xoa bóp kích thích lưu thông khí huyết và dịch nhờn tại các khớp. 
  • Chú ý điều trị chấn thương, bệnh lý về xương khớp. 
  • Cân nhắc sử dụng sản phẩm bổ sung Glucosamine theo hướng dẫn của bác sĩ để tăng cường phòng ngừa bệnh lý về xương khớp. 
  • Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, tích cực bổ sung thực phẩm giàu vitamin, canxi, khoáng chất cần thiết, béo lành tính như Omega 3.

Ngoài ra, bạn hãy chú ý theo dõi biểu hiện của cơ thể, kịp thời khám chữa nếu nhận thấy cơ thể biểu hiện triệu chứng của tình trạng khô khớp. Nếu chưa biết nên khám chữa ở đâu, bạn có thể lựa chọn chuyên khoa Cơ xương khớp thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ đến số tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.