Tin tức
Bệnh Kienbock: nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả nhất
- 01/07/2021 | Bệnh nhân bị thoái hóa xương khớp nên ăn gì?
- 29/06/2021 | Ai có thể là đối tượng có nguy cơ mắc loãng xương?
- 09/07/2021 | Những ai nên kiểm tra mật độ xương để chẩn đoán bệnh loãng xương?
1. Tìm hiểu về bệnh Kienbock
Bệnh Kienbock xảy ra khi dòng máu cung cấp nuôi dưỡng xương nguyệt cổ tay bị gián đoạn, nhẹ có thể gây giảm hoạt động xương, nặng có thể gây hoại tử xương. Tổn thương nói chung ở xương nguyệt cổ tay và bệnh Kienbock đều gây đau đớn nghiêm trọng, viêm sưng, cứng khớp và khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn khi vận động.
Kienbock là bệnh hoại tử xương cổ tay do rối loạn cấp máu
1.1. Triệu chứng bệnh Kienbock
Triệu chứng sớm nhất và điển hình nhất của bệnh Kienbock là tình trạng đau ở cổ tay. Song triệu chứng này rất dễ gây nhầm lẫn nên ít bệnh nhân Kienbock phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có nhiều triệu chứng khác như:
-
Cứng cổ tay.
-
Sưng tấy.
-
Đau ở trong xương.
-
Giảm khả năng cầm nắm hoặc hoạt động của bàn tay.
-
Có âm thanh bất thường khi di chuyển cổ tay.
Tiến triển bệnh Kienbock khá chậm, triệu chứng không xuất hiện liên tục nhưng sẽ nặng dần theo thời gian.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh
Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu và làm rõ nguyên nhân cũng như cơ chế gây bệnh Kienbock. Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý này bao gồm:
Chấn thương
Một hoặc nhiều tai nạn gây chấn thương cổ tay có thể gây ra bệnh Kienbock.
Chấn thương cổ tay có thể là nguyên nhân gây ra Kienbock
Cấu trúc xương bất thường
Cấu trúc bất thường bẩm sinh ở xương như xương trụ ngắn hơn xương quay, hình dạng xương nguyệt bất thường,… sẽ gây ra nhiều vấn đề và dẫn tới bệnh Kienbock.
Bệnh lý liên quan
Bệnh Kienbock dễ xảy ra hơn ở những người mắc bệnh lý gây ảnh hưởng đến việc cung cấp và vận chuyển máu nuôi đến các cơ quan như: thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, hẹp mạch máu, lupus, bại não,...
2. Các phương pháp điều trị bệnh Kienbock
Trước khi đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, bác sĩ cần chẩn đoán giai đoạn bệnh, mức độ tổn thương và hoại tử cũng như ảnh hưởng của bệnh đến khả năng vận động. Thăm khám sức khỏe, kiểm tra tiền sử bệnh, chẩn đoán hình ảnh bằng chụp X-quang, chụp MRI, CT,… thường được sử dụng.
Thực tế hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra cách điều trị bệnh Kienbock hoàn toàn, mục tiêu điều trị là giảm áp lực lên xương nguyệt và khôi phục tối đa khả năng vận chuyển máu cung cấp nuôi xương này. Từ đó, triệu chứng và tiến triển bệnh có thể được cải thiện. Tùy vào kết quả chẩn đoán và mong muốn của người bệnh, phương pháp không phẫu thuật hoặc phẫu thuật sẽ được lựa chọn điều trị.
Dùng thuốc có thể giảm đau do Kienbock giai đoạn đầu
2.1. Điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật
Giai đoạn đầu của bệnh Kienbock thường chỉ gây đau, người bệnh có thể dùng thuốc kháng viêm giảm đau như ibuprofen hoặc aspirin để bớt sưng đau. Để giảm áp lực lên xương nguyệt cổ tay, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nghỉ ngơi, hạn chế cử động cổ tay. Trong trường hợp cần thiết, dùng nẹp hoặc bó bột cổ tay sẽ giúp xương nguyệt được nghỉ ngơi hoàn toàn khoảng 2 - 3 tuần là có thể phục hồi tốt.
Điều trị không phẫu thuật thường không thực hiện kéo dài, khi triệu chứng đã cải thiện, bệnh nhân cần tự chăm sóc và theo dõi. Nếu triệu chứng bệnh quay trở lại, nhất là có xu hướng nặng hơn thì cần thông báo cho bác sĩ để xem xét thay đổi phương pháp điều trị.
2.2. Điều trị bằng phẫu thuật
Bệnh nhân Kienbock có thể điều trị bằng nhiều phương pháp phẫu thuật tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bao gồm:
Phẫu thuật tái tạo mạch máu
Bác sĩ sẽ can thiệp vào mạch máu cung cấp đến xương nguyệt để phục hồi nguồn cung cấp máu liên tục, khá hiệu quả trong điều trị Kienbock giai đoạn đầu. Ngoài ra, một phần xương cùng mạch máu có thể được loại bỏ để chèn vào xương nguyệt, tạo điểm để đặt thiết bị cố định giữ xương nằm đúng vị trí.
Như vậy khi xương nguyệt cổ tay lành lại, lưu thông máu đảm bảo, triệu chứng bệnh Kienbock sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Phẫu thuật tái tạo mạch máu giúp kiểm soát và ngăn ngừa tiến triển bệnh Kienbock
Phẫu thuật cắt bỏ hàng xương cổ tay gần
Khi xương nguyệt cổ tay bị tổn thương và vỡ thành nhiều mảnh, phẫu thuật loại bỏ các mảnh vỡ này là bắt buộc. Cùng với đó, hai xương hai bên xương nguyệt cổ tay cũng thường được lấy ra để giảm bớt đau đớn do hoại tử xương và duy trì chuyển động cổ tay ở mức độ cơ bản.
Phẫu thuật nâng diện khớp
Khi hai xương cánh tay bị lệch về chiều dài là yếu tố gây ra bệnh Kienbock, phẫu thuật cắt một bên để hai bên xương có chiều dài như nhau sẽ được thực hiện. Sau khi thực hiện phẫu thuật nâng diện khớp, áp lực đè nén lên xương nguyệt sẽ giảm bớt và bệnh cũng được kiểm soát làm chậm hơn.
Phẫu thuật hợp nhất xương
Kỹ thuật can thiệp này cũng có tác dụng giảm áp lực cho xương nguyệt hiệu quả, bác sĩ sẽ hợp các xương cổ tay xung quanh thành một khối. Không những giúp giảm đau, bệnh nhân Kienbock cũng có thể giữ được một phần khả năng chuyển động của cổ tay.
Như vậy, nếu can thiệp sớm, bệnh nhân Kienbock dù không thể hoàn toàn khôi phục sức khỏe và khả năng vận động của tay song vẫn kiểm soát được triệu chứng và tiến triển bệnh.
Kienbock không thể điều trị khỏi hoàn toàn
3. Bệnh nhân Kienbock có tiên lượng như thế nào?
Để đưa ra tiên lượng bệnh Kienbock cần dựa vào kết quả chẩn đoán mức độ nghiêm trọng và khả năng tiến triển của bệnh. Đa phần lựa chọn phương pháp điều trị sẽ dựa trên mức độ tổn thương xương nguyệt và xương cổ tay xung quanh. Đôi khi cần kết hợp nhiều hơn 1 phương pháp điều trị, thậm chí phải phẫu thuật nhiều lần mới có thể kiểm soát được tiến triển bệnh.
Dù chức năng vận động của cổ tay không thể phục hồi hoàn toàn nhưng bệnh nhân Kienbock vẫn có thể bảo tồn chức năng vận động, giảm đau đớn. Do đó, nên tin tưởng hướng dẫn điều trị và kiên trì chăm sóc, theo dõi để đạt hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất. Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!