Các tin tức tại MEDlatec
Tổng hợp những thông tin cần biết khi đi khám bảo hiểm y tế
- 23/05/2020 | Những thông tin cần biết khi khám bảo hiểm y tế ngày thứ 7
- 12/05/2020 | Tư vấn về quyền lợi khi khám bảo hiểm y tế không đúng tuyến năm 2020
- 12/05/2020 | Khám bảo hiểm y tế khác nơi đăng ký và những thông tin cần biết
1. Bảo hiểm y tế là gì?
Bảo hiểm y tế ngày càng được sử dụng rộng rãi trong việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đây là hình thức bảo hiểm được nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận.
Người tham gia bảo hiểm sẽ phải chịu trách nhiệm và được hưởng quyền lợi theo quy định. Trong các trường hợp mắc bệnh, bị tai nạn,… thì tổ chức bảo hiểm y tế sẽ chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh và chi phí mua thuốc men. Như vậy, tổ chức bảo hiểm sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để người bệnh được khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là những người không có đủ tiền để chi trả cho các khoản viện phí.
Thẻ bảo hiểm y tế ngày càng được sử dụng rộng rãi trong việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế
Để người bệnh được hỗ trợ về chi phí khám chữa bệnh, thì các cơ sở y tế cũng phải tham gia vào tổ chức bảo hiểm này. Tất cả các cơ sở công lập bắt buộc đều phải tham gia. Chỉ với các cơ sở tư nhân thì được quyền tự do quyết định có nên tham gia hay là không? Tuy nhiên, những cơ sở này được khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế.
2. Những thủ tục cần làm khi khám bảo hiểm y tế
Một số thủ tục cần làm khi thực hiện khám bảo hiểm y tế trong các trường hợp dưới đây:
- Trường hợp khám chữa bệnh:
Khi khám chữa bệnh, người bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị sử dụng và các giấy tờ tùy thân khác có ảnh được công nhận hợp lệ như chứng minh nhân dân, hộ chiếu,… Đối với, người bệnh dưới 6 tuổi thì chỉ cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị và giấy khai sinh hoặc bản sao giấy khai sinh. Đối với trường hợp, người tham gia bảo hiểm y tế nhưng chưa có thể hoặc đang chờ để cấp thẻ thì phải xuất trình giấy hẹn và các giấy tờ tùy thân khác.
- Trường hợp cấp cứu:
Trong trường hợp cấp cứu, người bệnh được khám và chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào và không bắt buộc là phải đúng tuyến. Tại đây, người bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế, cùng các giấy tờ khác liên quan.
Sau khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh sẽ được chuyển đến các phòng, khoa điều trị khác hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh theo đúng quy định.
Người bệnh được khám và chữa bệnh tại bất cứ cơ sở y tế nào khi cấp cứu
- Trường hợp chuyển tuyến:
Người bệnh được chuyển tuyến trong trường hợp, cơ sở y tế hiện tại không đủ khả năng điều trị hoặc các dịch vụ kỹ thuật gặp vấn đề. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh chuyển tiếp, người bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị, giấy tờ tùy thân và kèm theo giấy chuyển viện được cấp tại cơ sở khám chữa bệnh đúng tuyến trước đó.
- Trường hợp tái khám
Khi tái khám, người tham gia bảo hiểm phải có giấy hẹn khám lại của chính cơ sở y tế đó. Giấy hẹn khám này chỉ có giá trị sử dụng một lần, theo khoảng thời gian được ghi trong giấy hẹn.
3. Quy trình khám bảo hiểm y tế
Người sử dụng bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh phải tiến hành theo các bước dưới đây:
Bước 1: Làm các thủ tục cần thiết trước khi khám
- Người bệnh đến quầy lễ tân lấy số thứ tự để làm thủ tục khám, ngoại trừ một số đối tượng được khám ưu tiên như: người tàn tật, trẻ dưới 1 tháng tuổi, người già,…
- Khi chờ đến lượt mình, người bệnh sẽ đến điểm tiếp nhận khám bảo hiểm y tế. Sau đó, người bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm còn giá trị sử dụng, giấy tờ tùy thân hợp lệ kèm theo giấy tái khám hay giấy chuyển tuyến (nếu có).
- Tại điểm tiếp nhận, nhân viên y tế sẽ nhập các thông tin liên quan đến người bệnh, xác định buồng khám và phát phiếu có ghi số thứ tự khám. Đồng thời, nhân viên sẽ giữ lại bảo hiểm y tế.
- Trong trường hợp, người bệnh khám trái tuyến, vượt tuyến; hoặc khám theo yêu cầu thì cần tạm ứng một khoản tiền nhất định.
Bước 2: Khám lâm sàng và chẩn đoán
- Người bệnh đến các phòng khám chuyên khoa theo số thứ tự được cấp để được bác sĩ thăm khám.
- Đến các phòng khám kỹ thuật khác để thực hiện các xét nghiệm, thăm dò, chẩn đoán hình ảnh theo yêu cầu.
- Sau khi khám xong, bệnh nhân ngồi chờ lấy kết quả rồi trở lại phòng khám chuyên khoa ban đầu. Tại đây, bác sĩ sẽ xem các kết quả cận lâm sàng và đưa ra chẩn đoán về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định điều trị.
Người bệnh đến phòng khám chuyên khoa theo số thứ tự được cấp để được thăm khám bởi bác sĩ
Bước 3: Chi trả các khoản viện phí
- Người bệnh đến quầy thu viện phí nộp đơn thuốc và các phiếu chỉ định khám cận lâm sàng.
- Nộp thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị sử dụng cho nhân viên y tế để xác định mức được hưởng bảo hiểm y tế.
- Nhân viên trả thẻ BHYT cho người khám và làm thanh toán, đóng dấu vào đơn thuốc. Đối với các chi phí không nằm trong phạm vi chi trả của tổ chức bảo hiểm y tế do nhà nước quy định, thì người bệnh phải tự thanh toán.
Bước 4: Nhận thuốc
- Người bệnh đến quầy phát thuốc nộp đơn thuốc và phiếu đã thanh toán viện phí để nhận thuốc.
- Sau khi nhận thuốc, người bệnh nên kiểm tra lại thuốc để tránh trường hợp bị nhận nhầm.
- Đối với người bệnh không được hưởng bảo hiểm y tế thì phải tự chi trả các khoản viện phí trước khi nhận thuốc.
Người bệnh không được hưởng bảo hiểm y tế thì phải tự chi trả các khoản viện phí trước khi nhận thuốc
4. Các mức hưởng khám bảo hiểm y tế
Tùy theo từng nhóm đối tượng mà tổ chức bảo hiểm y tế sẽ xem xét và xác định mức độ hưởng quyền lợi theo quy định của nhà nước:
- Trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến:
Khi người bệnh khám và điều trị đúng tuyến thì các khoản viện phí sẽ được tổ chức bảo hiểm chi trả. Đối với những đối tượng là:
-
Sĩ quan, hạ sĩ quan, người có công với cách mạng và người thân của họ,… sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.
-
Trẻ em dưới 6 tuổi có chi phí khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu thì cũng được hưởng 100% chi phí.
-
Đối với những bệnh nhân thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, hưu trí, trợ cấp,… sẽ được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh.
-
Các đối tượng còn lại sẽ được hưởng 80% chi phí khám bảo hiểm y tế.
- Trường hợp khám, chữa bệnh không đúng tuyến:
Đối với những trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến, thì người bệnh sẽ được tổ chức bảo hiểm chi trả 50% viện phí nếu khám bảo hiểm tại tuyến trung ương và 100% chi phí tại tuyến huyện. Để được hưởng quyền lợi này, khi khám người bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị sử dụng.
5. Khám bảo hiểm y tế tại bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Hiện tại, MEDLATEC có hai cơ sở thực hiện khám bảo hiểm y tế đó là:
-
Cơ sở 1: Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, tại 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội
-
Cơ sở 2: Phòng khám đa khoa MEDLATEC Tây Hồ, tại 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội.
Tại đây, người bệnh sẽ được thanh toán các khoản viện phí đúng tuyến theo giá bảo hiểm đã quy định. Đồng thời để tiết kiệm thời gian cho người khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế thì bệnh viện đã giảm bớt một số thủ tục phức tạp.
Bên cạnh giờ làm việc hành chính thì bệnh viện còn tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào cuối tuần và cả ngày nghỉ lễ. Với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao, hệ thống máy móc hiện đại, MEDLATEC sẽ đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
MEDLATEC đã có 2 cơ sở thực hiện khám chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế
Khám bảo hiểm y tế tại MEDLATEC bạn sẽ được hưởng mọi quyền lợi trong quá trình khám chữa bệnh. Chúng tôi luôn đặt sự an tâm của người bệnh làm tiêu chí hàng đầu. Vì vậy bạn có thể yên tâm khi khám chữa bệnh tại đây.
Để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm thông tin về các dịch vụ khám chữa bệnh khác tại MEDLATEC, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900 565656. Ngay sau khi gọi đến bạn sẽ được các bác sĩ, chuyên gia tại MEDLATEC tư vấn và giải đáp thắc mắc một cách cặn kẽ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!