Các tin tức tại MEDlatec

Tổng quan thông tin cần biết về sốt siêu vi

Ngày 18/01/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Sốt siêu vi là một căn bệnh gây nên cơn sốt cao đột ngột xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên nó lại rất dễ bị nhầm lẫn với sốt xuất huyết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin về bệnh, giúp mọi người nắm rõ các triệu chứng và tránh việc điều trị sai cách.

1. Sốt siêu vi gây ra do nguyên nhân gì?

Những cơn sốt là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị nhiễm trùng. Sốt siêu vi là tình trạng cơ thể nhiễm virus, thường gặp hơn là các loại virus cúm A (H1N1, H5N1,…), sởi, quai bị,…

Bệnh sốt siêu vi có thể lây nhiễm và thường lây qua đường tiêu hóa và đường hô hấp. Việc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi,… khi tiếp xúc gần hoặc các hoạt động giao tiếp, ăn uống chung là các con đường lây nhiễm phổ biến. Bệnh cũng có thể lây lan qua việc sử dụng chung các đồ dùng cá nhân của người bệnh, hoặc tiếp xúc với các đồ vật mang nguồn bệnh, đặc biệt là các đồ vật nơi công cộng như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa,... Việc tiêm chích, truyền máu cũng có thể gây lây nhiễm.

Những cơn sốt do nhiễm virus thường xuất hiện ở trẻ vì có hệ miễn dịch yếu

Bệnh thường gặp ở trẻ em do hệ miễn dịch của trẻ em còn yếu. Thời kỳ cao điểm của bệnh là vào lúc giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột tạo điều kiện cho các loại virus sinh trưởng và phát triển. Bệnh thường không gây ra nguy hiểm và có thể tự lành sau 7 đến 10 ngày, nếu được điều trị thời gian lành bệnh sẽ được rút ngắn hơn.

Triệu chứng sốt siêu vi

  • Những cơn sốt cao đột ngột là một biểu hiện đặc trưng khi mắc bệnh, nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 41 độ C trong một số trường hợp, các cơn sốt cũng kéo dài hơn và không giảm nhẹ sau khi thuốc hạ sốt hết tác dụng.

  • Các bắp tay, bắp chân tê mỏi, cơ thể đau mỏi, khó chịu, đầu đau dữ dội, có cảm giác chao đảo, quay cuồng, khiến bệnh nhân thường nằm li bì, hạn chế đi lại vì choáng váng.

  • Nếu bị viêm long đường hô hấp, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như ho, hắt hơi, chảy mũi nước, họng tấy đỏ, đau rát,…

  • Bị sốt do nhiễm virus đường ruột thường có thể kèm tiêu chảy, phân lỏng và nhầy, đi cùng cơn sốt hoặc xuất hiện sau đó vài ngày.

  • Bị sốt do virus có thể kèm viêm kết mạc mắt gây ra triệu chứng mắt sưng đỏ, nước mắt và ghèn mắt chảy nhiều, mắt lừ đừ và đau.

  • Cơn buồn nôn có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn khi mắc bệnh và thường xuất hiện sau bữa ăn, chủ yếu là do viêm họng và kích thích chất nhầy.

  • Vùng đầu, cổ mặt có các hạch sưng to, dễ nhìn thấy và gây đau nhức, khó chịu.

Bị sốt khiến cơ thể người bệnh đau nhức, mỏi nhừ

Phân biệt sốt sốt siêu vi, sốt xuất huyết, sốt phát ban

Vì những tương đồng về triệu chứng bệnh, sốt siêu vi và sốt xuất huyết, sốt phát ban thường bị nhầm lẫn gây ra sự nhầm lẫn trong cách điều trị. Một số đặc trưng có thể phân biệt là:

  • Sốt xuất huyết cũng được coi là sốt virus nhưng nó định danh rõ ràng là do virus Dengue gây ra. Biểu hiện bởi các cơn sốt cao, thường nằm khoảng 39 đến 40 độ và xuất hiện liên tục trong khoảng 1 tuần, kèm theo các triệu chứng như đau nhức ở thái dương, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng.

  • Sốt siêu vi có triệu chứng ban đầu giống với sốt xuất huyết, kèm theo đó là chảy nước mắt nhiều, kèm theo ho, sổ mũi,…

  • Sốt phát ban gồm những cơn sốt cao xảy ra theo từng cơn, sau 3 đến 4 ngày da nổi lên các ban và lặn dần sau 3 - 5 ngày, bệnh nhân lúc này có thể ăn được và đã hết sốt.

2. Điều trị và phòng ngừa bệnh

Điều trị:

Hiện nay chưa có thuốc điều trị các căn bệnh do siêu virus gây ra, trong đó có sốt. Các phương pháp chủ yếu là để điều trị các triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

  • Dùng thuốc hạ sốt.

  • Chườm mát, lau khô mồ hôi bằng khăn mát, giữ không khí thoáng mát, mặc áo quần rộng rãi, mỏng và thoáng.

  • Uống nhiều nước do các cơn sốt có thể gây ra tình trạng mất nước, có thể uống các loại thuốc giúp cân bằng điện giải do mất nước, hoặc có thể ăn cháo muối nấu loãng.

  • Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như súp, cháo và chia ra thành nhiều bữa trong ngày, không uống đồ uống có cồn, bổ sung các các thức uống có nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng.

  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, sử dụng nước ấm để tắm.

  • Trường hợp bị sốt kéo dài, các cơn đau đầu không thuyên giảm mà xuất hiện liên tục và tăng dần, bệnh nhân nôn khan, ngủ li bì và xuất hiện các cơn co giật cần đưa đến khám tại các trung tâm y tế để khám và điều trị.

Thuốc hạ sốt sẽ giúp giảm nhẹ các cơn sốt gây khó chịu cho bệnh nhân

Bên cạnh những phương pháp điều trị, những sai lầm khi xử trí các cơn sốt cũng cần được nắm rõ để tránh mắc phải.

  • Trẻ sốt khiến bố mẹ lo lắng có thể dẫn đến tình trạng cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt quá sớm hoặc sử dụng với các liều gần nhau. Thuốc hạ sốt chỉ nên sử dụng cho các trường hợp bị sốt trên 38.5 độ, nên dùng Paracetamol vì thuốc có ít tác dụng phụ với thời gian mỗi liều cách nhau từ 4 - 6 tiếng, việc sử dụng ibuprofen hay aspirin cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.

  • Sử dụng thuốc kháng sinh khi không rõ nguyên nhân có gây nguy hiểm cho trẻ vì gây ra tình trạng kháng thuốc.

  • Việc kiêng tắm trong khi mắc bệnh có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của nấm da, vi khuẩn, virus; thay vào đó có thể tắm bằng nước ấm và lau khô cơ thể, việc này sẽ giúp cơ thể thoải mái, hạn chế nhiễm khuẩn da và hạ bớt nhiệt độ cơ thể.

Các biện pháp phòng ngừa:

  • Thực hiện chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

  • Giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, môi trường thoáng mát sẽ ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển của virus cũng như các tác nhân gây bệnh khác.

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt tạo thói quen rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ em.

  • Che miệng khi hắt hơi, ho, sổ mũi.

  • Tiêm phòng đầy đủ.

  • Hạn chế tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh.

  • Không đến những nơi công cộng khi đang nhiễm bệnh.

Duy trì những thói quen vệ sinh cho trẻ để nâng cao hệ miễn dịch

Những cơn sốt do nhiễm virus thường không gây nguy hiểm, nhưng nếu tình trạng mắc bệnh kéo dài và không được điều trị vẫn có thể để lại các biến chứng như viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi,…

Sốt siêu vi là căn bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ, phụ huynh cần hiểu rõ triệu chứng và cách điều trị đề có thể xử trí thích hợp khi trẻ mắc bệnh. Những thắc mắc đến sức khỏe bản thân và gia đình, độc giả có thể gọi đến hotline 1900565656 để nhận được sự tư vấn miễn phí từ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Từ khoá: sốt Sốt siêu vi

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.