Các tin tức tại MEDlatec
Trẻ chậm nói do đâu? Dấu hiệu và cách can thiệp
- 07/12/2021 | Trẻ chậm phát triển trí tuệ: Kịp thời nhận biết để có hướng can thiệp kịp thời
- 13/10/2022 | Trẻ chậm mọc răng có sao không và cách khắc phục cha mẹ cần biết
- 30/04/2024 | Nguyên nhân trẻ chậm tăng cân và cách cải thiện
1. Nguyên nhân trẻ chậm nói
Có nhiều trường hợp trẻ bị chậm nói nhưng chỉ tạm thời, đơn thuần là do tốc độ phát triển ngôn ngữ của trẻ bị chậm hơn so với thông thường. Khi trẻ lớn dần, được giao tiếp nhiều hơn, tình trạng sẽ cải thiện và hết.
Tuy nhiên, trẻ chậm nói cũng có thể do những bất thường về sức khỏe hay tâm lý, cụ thể như sau.
- Trẻ mắc các bệnh lý về tai, mũi, họng ảnh hưởng đến khả năng nghe và phát âm. Hay nghiêm trọng hơn, trẻ gặp vấn đề ở cơ quan chỉ huy như dị tật não bẩm sinh, di chứng sau khi bị viêm màng não, xuất huyết não.
- Trẻ mắc hội chứng tự kỷ là bệnh lý tâm thần kinh. Cùng với chậm nói, trẻ có thêm nhiều biểu hiện như thích một mình, không biết sợ hãi với những việc nguy hiểm, ít ngủ hay khó ngủ vào ban đêm, cáu gắt và tức giận với những sự thay đổi,…
- Trẻ bị chậm nói do tâm lý, chẳng hạn như bố mẹ không quan tâm, không dành thời gian để trò chuyện, chơi đùa cùng con hay đưa con ra ngoài giải trí, gặp gỡ mọi người. Thay vào đó là để con ở nhà tự chơi một mình hoặc xem ti vi, điện thoại.
Ba mẹ để bé một mình và xem máy tính quá nhiều có thể làm bé chậm nói
2. Dấu hiệu trẻ chậm nói
Dấu hiệu trẻ chậm nói có sự khác nhau theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Với những dấu hiệu dưới đây, bố mẹ không được xem nhẹ.
- Khi bé được 6 - 8 tuần tuổi, không phản ứng với những âm thanh, tiếng động lớn.
- Khi bé được 2 - 3 tháng tuổi, không tương tác với giọng nói của mẹ, cũng không quan tâm đến người và vật xung quanh.
- Khi bé được 4 - 5 tháng tuổi, không quay đầu hay hướng mắt về nơi phát ra âm thanh hay thậm chí là giọng nói quen thuộc.
- Khi bé được 6 tháng tuổi, không cười tự phát hay cười mỗi khi được đùa giỡn, trêu ghẹo.
- Khi bé được 8 tháng tuổi, không bập bẹ âm thanh trong miệng, không bắt chước những âm thanh xung quanh.
- Khi bé được 1 tuổi, không tương tác với người khác, thờ ơ với những hành động “chào, tạm biệt, vẫy tay” khi được hướng dẫn.
- Khi bé được 2 tuổi, nói rất ít, chủ yếu là các từ đơn và nói sau khi nghe người khác hướng dẫn. Vốn từ vựng của bé hạn hẹp, mỗi tuần không nói được 1 từ mới.
- Khi bé được 3 tuổi, không thể nói được những câu đơn giản, chỉ vài từ như “mẹ bế con”, “ăn no rồi”, “thích đi chơi”… và phản ứng chậm khi được người khác hỏi, trò chuyện.
- Khi bé được 4 tuổi, không biết cách dùng đại từ nhân xưng với người khác, lời nói không rõ ràng, nói lắp bắp, trả lời sai vấn đề đơn giản,...
Thờ ơ với giọng nói của mẹ cũng là biểu hiện chậm nói
Lưu ý, không phải trẻ chậm nói nào cũng có những biểu hiện trên. Và ngoài những biểu hiện trên, sẽ còn rất nhiều biểu hiện khác, tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói. Quan trọng nhất là bố mẹ theo dõi con sát sao, đồng thời, đưa con đi khám và can thiệp. Việc can thiệp càng sớm càng tốt sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, dù là do nguyên nhân nào.
3. Cách can thiệp trẻ chậm nói
Trong trường hợp phát hiện bé có những biểu hiện của chậm nói, bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ dựa vào độ tuổi, mức độ chậm nói và tìm kiếm nguyên nhân gây chậm nói để có hướng can thiệp phù hợp.
Trẻ chậm nói do bệnh lý
Bệnh lý khiến trẻ bị chậm nói chủ yếu là bệnh về thính lực, việc điều trị dưới 5 tuổi sẽ mang lại hiệu quả cao. Nếu tai của bé bị viêm, thủng màng nhĩ, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc, phẫu thuật vá màng nhĩ. Nhiều trường hợp bé sẽ được đeo trợ thính để hỗ trợ việc nghe.
Bác sĩ khám tai để kiểm tra thính lực và các bệnh về tai gây chậm nói ở trẻ
Trẻ chậm nói do tâm lý
Đối với nguyên nhân này, bố mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm, gần gũi con. Khi ở bên con, bố mẹ có thể khuyến khích con tập nói và nói bằng những cách sau.
- Đọc sách, hát và kể chuyện cho con nghe, sau đó hỏi những câu hỏi liên quan đến nội dung có trong bài hát, câu chuyện.
- Chỉ tay vào bất kỳ vật nào xung quanh và hỏi trẻ về tên gọi, màu sắc, công dụng của vật đó. Hỏi nhẹ nhàng và từ từ, nếu trẻ trả lời đúng, hãy vỗ tay khen ngợi trẻ.
- Chú ý lắng nghe con nói và kiên nhẫn đợi con diễn đạt hết một câu. Bằng cách này, bé sẽ cố gắng dùng lời nói để thể hiện mong muốn của mình.
- Dạy con nói trong bất cứ tình huống nào. Chẳng hạn, khi ăn cơm, dạy bé nói “cơm, cá, canh, rau, chén, dĩa, muỗng”. Hay khi tắm, dạy bé nói “tắm, rửa, nước, khăn, quần, áo”.
- Cho trẻ ra ngoài vận động, vui chơi và tiếp xúc với mọi người nhiều hơn. Tuy nhiên, hãy luôn bên cạnh để bé cảm thấy an tâm, an toàn.
- Hạn chế cho trẻ xem ti vi, điện thoại. Nếu cho xem, bố mẹ cần xem cùng con và trò chuyện với con về nội dung con đang xem.
Mẹ vui chơi và trò chuyện với con nhiều hơn để khuyến khích bé giao tiếp
Trẻ chậm nói do hội chứng tự kỷ
Đối với trường hợp trẻ bị chậm nói do hội chứng tự kỷ, bố mẹ cần thực hiện tốt các hướng dẫn tương tự như trẻ bị chậm nói do tâm lý. Ngoài ra, nếu trẻ có các biểu hiện khác đi kèm như thích chơi một mình, vận động chậm chạp, lặp đi lặp lại một hành vi, thường xuyên cáu gắt, tức giận, chống đối,… bố mẹ nên cho con đi học các lớp can thiệp với các giáo viên, chuyên gia.
Tóm lại, trẻ chậm nói do nhiều nguyên nhân với các biểu hiện, mức độ khác nhau. Để an tâm, bố mẹ hãy theo dõi các biểu hiện của con và đưa con đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ có những hướng dẫn và chỉ định can thiệp phù hợp nhất, tránh để lâu dài dẫn đến nhiều biến chứng và khó điều trị, can thiệp.
Nếu chưa tìm được địa chỉ khám, bố mẹ có thể cho bé đến gặp bác sĩ Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để tiết kiệm thời gian thăm khám, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56 để đặt lịch trước.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!