Các tin tức tại MEDlatec

Ung thư dạ dày: Triệu chứng điển hình và những cách phòng ngừa bệnh

Ngày 26/05/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Người bệnh ung thư dạ dày có thể được chữa khỏi bệnh nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số triệu chứng điển hình của bệnh và gợi ý những cách phòng ngừa hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này.

1. Ung thư dạ dày là bệnh như thế nào?

Ung thư dạ dày là sự phát triển bất thường của những tế bào dạ dày. Ban đầu, những bất thường chỉ xảy ra ở một vài tế bào. Sau thời gian khoảng vài năm, tình trạng này có thể tiến triển thành những tổn thương ung thư dạng loét hay dạng chồi sùi. Đó là lý do nhiều người bệnh không thể phát hiện ung thư dạ dày nếu không thực hiện tầm soát bệnh. 

Ở giai đoạn đầu, những triệu chứng ung thư dạ dày thường không rõ ràng hoặc không xuất hiện. Nhiều trường hợp cảm nhận được những biểu hiện bất thường khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Khi những tế bào ung thư dạ dày lây lan sang những bộ phận khác được gọi là ung thư dạ dày di căn và gây ra một số triệu chứng cụ thể tại vị trí di căn. 

Ung thư dạ dày di căn có thể gây ra nhiều biểu hiện nghiêm trọng

Ung thư dạ dày được chia thành các giai đoạn sau theo hệ thống phân loại TNM của Tổ chức Ung thư Hoa Kỳ (AJCC):

- Giai đoạn 0 (Ung thư biểu mô tại chỗ): Tế bào Ung thư mới chỉ xuất hiện ở lớp niêm mạc trong cùng của dạ dày, chưa xâm lấn sâu hơn.

- Giai đoạn I: Ung thư đã xâm lấn vào lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ, có thể bắt đầu lan đến hạch bạch huyết lân cận.

- Giai đoạn II: Tế bào ung thư lan sâu hơn vào thành dạ dày và có thể lan đến nhiều hạch bạch huyết gần đó, nhưng chưa di căn xa.

- Giai đoạn III: Ung thư xâm lấn sâu vào các lớp cơ hoặc thanh mạc, ảnh hưởng đến nhiều hạch bạch huyết hoặc mô lân cận.

- Giai đoạn IV: Tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi, phúc mạc hoặc hạch xa – là giai đoạn nặng và tiên lượng xấu. 

2. Nhận biết triệu chứng ung thư dạ dày

Một số triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày có thể kể đến như: 

- Ở những giai đoạn sớm của bệnh, các triệu chứng có thể được phân chia thành 2 nhóm chính như sau: 

+ Rối loạn tiêu hóa: Với những biểu hiện thường gặp như khó nuốt, ợ chua, ợ nóng,...

+ Cảm giác đau: Những cơn đau vùng thượng vị có thể xuất hiện khi đói hay sau khi ăn no, đau không theo chu kỳ và thường là những cơn đau âm ỉ. Biểu hiện này không rõ ràng và gần giống với những triệu chứng viêm loét dạ dày. Đó là một trong những lý do khiến người bệnh chủ quan, không đi kiểm tra sức khỏe sớm. 

- Ở những giai đoạn sau: Là khi bệnh đã tiến triển và mức độ tổn thương ngày càng nghiêm trọng. Lúc này, ung thư dạ dày có thể gây ra những triệu chứng như sau: 

+ Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh có biểu hiện buồn nôn và nôn nhiều, thường xuyên ợ chua, đầy hơi liên tục, chán ăn, nhanh no dù chỉ ăn rất ít. 

+ Cảm giác đau âm ỉ hoặc dữ dội: Cơn đau thường xảy ra ở vùng thượng vị và không theo chu kỳ.

+ Chảy máu dạ dày: Người bệnh bị thiếu máu, phân có màu đen hoặc có lẫn máu trong phân, da vàng. 

+ Hấp thu dinh dưỡng kém, sụt cân không rõ nguyên nhân, thường xuyên bị chóng mặt, mệt mỏi, giảm năng suất lao động,...

Khi có những biểu hiện nghi ngờ bị ung thư dạ dày, bạn nên đến những cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Các triệu chứng bệnh không rõ ràng và để chẩn đoán sớm, cần phải thực hiện các phương pháp tầm soát bệnh như: 

+ Nội soi dạ dày.

+ Sinh thiết dạ dày.

+ Xét nghiệm máu.

+ Chụp X-quang dạ dày, chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI.

Nội soi dạ dày là một trong những phương pháp tầm soát bệnh hiệu quả

Sau đó, tùy vào giai đoạn của bệnh, sức khỏe bệnh nhân,... bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, trong đó bao gồm phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị,.... Bác sĩ có thể chỉ định kết hợp nhiều phương pháp điều trị để tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả và sớm cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân. 

3. Phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách nào?

Bệnh ung thư dạ dày có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi và ngày càng có nhiều người trẻ gặp phải căn bệnh này. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém chi phí và khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Chính vì thế, mỗi người nên có ý thức phòng ngừa ung thư dạ dày bằng những cách như sau: 

- Điều trị triệt để những bệnh lý dạ dày: Nếu bị bệnh về dạ dày, bạn nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để bệnh sớm khỏi triệt để, phòng tránh gây tổn thương dạ dày và làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

- Duy trì chế độ ăn lành mạnh để bảo vệ dạ dày, phòng ngừa ung thư: Bạn không nên ăn những loại đồ ăn quá mặn, thức ăn nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm lên men, đồ ăn cay nóng, các món ăn chế biến sẵn, không uống bia rượu hay hút thuốc lá. Bên cạnh đó, bạn cần ưu tiên những loại thực phẩm như rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ cho cơ thể. Đặc biệt, để giảm áp lực cho dạ dày, bạn nên ăn chậm, nhai kỹ, ăn đúng giờ và không nên bỏ bữa. 

- Thường xuyên vận động: Đây là biện pháp đơn giản và rất hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh bệnh tật. 

- Giữ tinh thần vui vẻ, hạn chế căng thẳng cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày. 

- Chủ động tầm soát ung thư dạ dày. 

Bạn nên chủ động đi khám nếu có biểu hiện nghi ngờ ung thư dạ dày

Hy vọng, những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng ung thư dạ dày và cách phòng bệnh hiệu quả. Nếu có nhu cầu thăm khám, tầm soát ung thư dạ dày tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được các tổng đài viên hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.