Tin tức

Xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày: Nguyên tắc và một số lưu ý

Ngày 24/04/2025
Tham vấn y khoa: BS Nguyễn Thị Nhung
Dạ dày là một bộ phận rất quan trọng trong hệ tiêu hóa, chính vì vậy sau mổ ung thư dạ dày, bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học để phục hồi cơ thể, giúp vết mổ nhanh lành hơn. Cùng tìm hiểu các nguyên tắc cũng như một số lưu ý khi xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày thông qua bài viết dưới đây

1. Nguyên tắc khi xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày

Sau khi trải qua phẫu thuật ung thư dạ dày, ngoài việc nghỉ ngơi hợp lý, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi của người bệnh. Tuy nhiên, để xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau đây để giúp hỗ trợ quá trình hồi phục và tránh những biến chứng không mong muốn:

Đảm bảo nhu cầu năng lượng của cơ thể

Ngay sau phẫu thuật, cơ thể người bệnh còn yếu nên chưa thể hấp thụ một lượng lớn năng lượng ngay lập tức. Do đó, cần tăng cường năng lượng một cách từ từ, có lộ trình rõ ràng để cơ thể dần thích nghi. Mục tiêu là nâng dần mức năng lượng lên ngưỡng tiêu chuẩn, khoảng từ 25 đến 35 calo cho mỗi kg cân nặng mỗi ngày.

Đảm bảo cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng

Người bệnh sau mổ thường gặp khó khăn trong việc tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất, đồng thời cũng phải kiêng khem một số loại thực phẩm. Vì vậy, chế độ ăn cần được cân bằng giữa các nhóm chất: chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Không nên tập trung quá mức vào một nhóm dưỡng chất nào mà bỏ qua những nhóm khác để tránh gây mất cân bằng dinh dưỡng.

Cầm đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng khi xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày

Cầm đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng khi xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày 

Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày

Việc ăn một lượng lớn thực phẩm trong một bữa sẽ gây áp lực cho dạ dày đang còn yếu. Thay vào đó, nên chia khẩu phần thành ít nhất 4 bữa ăn nhỏ mỗi ngày, mỗi bữa ăn lượng vừa phải để giúp hệ tiêu hóa hoạt động nhẹ nhàng, người bệnh cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Lựa chọn và chế biến thực phẩm dễ tiêu hóa

Những món ăn dành cho người vừa trải qua phẫu thuật cần được nấu kỹ, mềm nhừ – như cháo, súp, hoặc các món hấp, hầm. Điều này không chỉ giúp tiêu hóa tốt hơn mà còn giảm nguy cơ gây tổn thương cho dạ dày mới phẫu thuật. Tuyệt đối tránh các món ăn sống, tái hoặc chưa được nấu chín kỹ để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi.

2. Ăn gì và kiêng gì để hồi phục nhanh hơn?

Sau phẫu thuật ung thư dạ dày, việc chăm sóc dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe. Người bệnh không chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý mà còn phải đặc biệt chú trọng đến chế độ ăn uống hằng ngày. Dưới đây là những nhóm thực phẩm nên dùng và cần tránh trong giai đoạn hậu phẫu.

Nhóm thực phẩm nên bổ sung

  • Nhóm giàu protein: Thịt, cá, trứng, sữa, phô mai,… là những thực phẩm giàu đạm, giúp cơ thể tái tạo mô, hồi phục nhanh hơn và hỗ trợ tiêu hóa ổn định. Protein còn giúp giảm nguy cơ tiêu chảy – tình trạng thường gặp sau mổ;
  • Ngũ cốc: Các loại ngũ cốc ít chất xơ, ít calo giúp giảm áp lực cho hệ tiêu hóa;
  • Rau củ và trái cây mềm: Đây là nhóm thực phẩm rất tốt cho người sau mổ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, rau cần nấu chín kỹ để dễ tiêu hóa và trái cây cần được gọt vỏ;
  • Sữa và sữa chua ít đường: Đây là nhóm thực phẩm bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng cho người bệnh. Tuy nhiên, nên chọn loại ít đường để dễ tiêu hóa và hạn chế kích ứng.

Nhóm thực phẩm cần tránh

  • Đồ ăn mặn: Thức ăn chứa nhiều muối như đồ khô, dưa muối, cà muối… có thể gây táo bón, làm chậm quá trình hồi phục;
  • Món cay nóng và chua: Các món nhiều ớt, tiêu, hoặc trái cây chua như cóc, khế, bưởi… dễ gây viêm loét, tăng tiết axit, ảnh hưởng đến vết mổ;
  • Rượu bia, cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas… là "kẻ thù" của dạ dày đang hồi phục vì làm tăng tiết axit và bào mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc;

Bệnh nhân sau khi mổ ung thư dạ dày không nên sử dụng đồ uống chứa cồn, caffein…

Bệnh nhân sau khi mổ ung thư dạ dày không nên sử dụng đồ uống chứa cồn, caffein… 

Thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ: Đồ chiên rán, mỡ động vật,... dễ gây rối loạn tiêu hóa, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc tái phát triệu chứng đau dạ dày.

3. Lưu ý khi xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày

Chế độ dinh dưỡng của người mổ ung thư dạ dày cần phải được tham khảo và chỉ định bởi bác sĩ. Dưới đây là một số lưu ý khi xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày:

Giai đoạn 1 – 2 ngày sau mổ

Trước đây, người bệnh thường phải nhịn ăn hoàn toàn trong 1–2 ngày đầu sau mổ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích có thể uống một chút nước hoặc dung dịch điện giải sớm để kích thích hệ tiêu hóa, ngăn ngừa nhiễm trùng đường ruột. Nếu thấy trướng bụng, nên dừng ngay.

Nhu cầu dinh dưỡng:

  • Năng lượng: 20-25 kcal/kg/ngày;
  • Đạm: 1.2-1.5g/kg;
  • Tỷ lệ dinh dưỡng: Đạm-Béo-Bột đường: 20%-30%-50%;
  • Cần bổ sung vitamin, khoáng chất và đảm bảo cân bằng dịch.

Giai đoạn hồi phục 

Khi nhu động ruột đã hoạt động trở lại và người bệnh có cảm giác đói, có thể bắt đầu cho ăn bằng đường tiêu hóa, kết hợp nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Thức ăn nên ở dạng lỏng như cháo loãng, sữa công thức. Chia thành nhiều bữa nhỏ (30-50ml mỗi bữa, ăn chậm trong 30-60 phút).

Nhu cầu dinh dưỡng:

  • Năng lượng: 30 kcal/kg/ngày;
  • Đạm: 1.2-1.5g/kg;
  • Chất béo: 15-20%;
  • Chất bột đường: 55-60%;
  • Tiếp tục bổ sung vitamin, khoáng chất và cân bằng dịch.

Giai đoạn sau hồi phục

Khi vết mổ đã lành và sức khỏe ổn định hơn, người bệnh có thể ăn uống bình thường qua đường miệng. Đây là lúc cần tăng cường dinh dưỡng để cơ thể nhanh chóng phục hồi toàn diện.

Nhu cầu dinh dưỡng:

  • Năng lượng: 35-40 kcal/kg/ngày;
  • Đạm: 1.5-2g/kg;
  • Chất béo: 15-25%;
  • Chất bột đường: 60-65%;
  • Tăng cường rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ và vitamin;
  • Uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ tiêu hóa và thải độc.

Xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày phù hợp với từng giai đoạn

Xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày phù hợp với từng giai đoạn 

Như vậy, toàn bộ thông tin bao gồm cách thức và những lưu ý khi xây dựng thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày đã được trình bày đầy đủ. Tuy nhiên, thực đơn trên chỉ mang tính tham khảo, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để có được thực đơn phù hợp với thể trạng người bệnh sau mổ. Nếu bạn đọc có thêm thắc mắc liên quan cần giải đáp, tư vấn, hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ